Tại hội nghị, các nghệ nhân tiêu biểu đến từ 17 tỉnh phía bắc và các nghệ nhân đang sinh sống tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề: Nội dung văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, phục dựng, gìn giữ; lựa chọn, ưu tiên trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; hình thức, giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong đời sống cộng đồng và đời sống xã hội; cơ chế đặc thù để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số từ trung ương đến cơ sở…
Chia sẻ, trao đổi tại hội nghị, các nghệ nhân đại diện các dân tộc thuộc các tỉnh, thành phố phía bắc bày tỏ mong muốn được đóng góp, cống hiến vốn hiểu biết, tài năng, kinh nghiệm trong truyền dạy giá trị văn hóa tốt đẹp cho cộng đồng và thế hệ trẻ; đưa tri thức dân gian vào cuộc sống; phát huy vai trò của người có uy tín trong cuộc sống; trao truyền, lan tỏa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bài trừ những hủ tục không còn phù hợp, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Các đại biểu cũng đề xuất chính sách quan tâm, động viên, hỗ trợ nghệ nhân trong bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp, tạo điều kiện thuận lợi để nghệ nhân cống hiến, phát huy kinh nghiệm, kiến thức.
Ghi nhận các ý kiến, trăn trở, nguyện vọng của các đại biểu, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và xác định, văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số là nội lực cùng các giá trị tốt đẹp khác làm nên sức mạnh để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Với những đóng góp, tâm huyết, trí tuệ của các nghệ nhân, công tác bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hoá các dân tộc sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Thứ trưởng mong muốn các nghệ nhân với kinh nghiệm, tri thức sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp, truyền dạy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.