Nhiều sai phạm
Tại phiên tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử 15 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, diễn ra từ ngày 19/3, cơ quan tố tụng xác định, một số công ty kiểm toán đã giúp sức Chủ tịch Tân Hoàng Minh - ông Đỗ Anh Dũng và đồng phạm (thông qua 3 công ty con là Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông) phát hành 9 lô trái phiếu riêng lẻ, sau đó lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.643 tỷ đồng của 6.631 nhà đầu tư.
Cụ thể, quá trình kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty nói trên trong hai năm 2020, 2021, mặc dù nhiều khoản mục chính chưa thực hiện kiểm tra hoặc thiếu bằng chứng, nhưng Công ty Kiểm toán Nam Việt - chi nhánh phía bắc và Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) vẫn ký phát hành báo cáo kiểm toán độc lập với ý kiến chấp nhận toàn phần, giúp doanh nghiệp tạo lập các điều kiện không đúng trong phát hành trái phiếu.
Tại Tòa, lãnh đạo hai công ty này thừa nhận đã chủ quan và dễ dãi khi đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính của doanh nghiệp, cấp dưới đổ lỗi do cấp trên chỉ đạo, còn cấp trên cho rằng không biết doanh nghiệp sử dụng báo cáo kiểm toán để phát hành trái phiếu.
Cùng thời điểm vụ án Tân Hoàng Minh bắt đầu xử ở Hà Nội, tại Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, phiên tòa xét xử đại án “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”,… xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (từ ngày 5/3) cũng bước vào giai đoạn gay cấn với 86 bị cáo hầu tòa.
Đáng lưu ý, cáo trạng thể hiện, để có thể thâu tóm và “rút ruột” SCB hơn 1 triệu tỷ đồng sau đó chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân hàng 415.000 tỷ đồng, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã được giúp sức từ một số đồng phạm là cán bộ Kiểm toán Nhà nước và các công ty kiểm toán, thẩm định giá, trong đó có cả 3 công ty kiểm toán hàng đầu Việt Nam.
Theo đó, SCB đã thuê ba công ty này kiểm toán giai đoạn từ năm 2012 đến nửa đầu năm 2021. Kết quả thẩm định thường niên giai đoạn trên (trước khi vụ án bị khởi tố) không cho thấy điểm bất thường nào về tình hình tài chính của ngân hàng; tuy nhiên sau khi vụ việc bị phanh phui, SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, Ban Kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu SCB thuê kiểm toán độc lập thì những sai phạm mới bắt đầu lộ diện.
Đơn cử, năm 2020, công ty kiểm toán đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần cho báo cáo kiểm toán của SCB. Tháng 6/2021, công ty này kết luận SCB có lãi lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỷ đồng. Nhưng sau khi SCB bị phanh phui, kết quả kiểm toán của chính công ty kiểm toán đó lại cho thấy tại thời điểm 30/9/2022, ngân hàng đã lỗ lũy kế gần 465.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu khoảng 444.000 tỷ đồng.
Một vụ án kinh tế lớn có sự giúp sức của công ty kiểm toán sẽ được xét xử trong thời gian tới là vụ “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn FLC. Theo Kết luận điều tra bổ sung do Bộ Công an ban hành ngày 23/2, cơ quan này đã chỉ rõ, Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) cùng Công ty TNHH Kiểm toán ASC (hiện nay là Công ty TNHH kiểm toán TTP) giúp cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đưa FLC Faros lên sàn bằng cách “hô biến” từ báo cáo tài chính không được chấp nhận toàn phần thành được chấp thuận toàn phần.
Hậu quả là FLC Faros dùng các báo cáo kiểm toán làm tài liệu giải trình đối với hồ sơ đề nghị niêm yết cổ phiếu để được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn, sau đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tại cơ quan điều tra, lãnh đạo hai công ty kiểm toán này thừa nhận hành vi của mình và cho rằng việc ký, ban hành báo cáo kiểm toán trái quy định do Công ty FLC và các công ty trong hệ sinh thái là khách hàng lớn, thường xuyên, nên phải ban hành báo cáo theo ý muốn của doanh nghiệp để được thanh toán tiền.
Nâng cao trách nhiệm “người gác cổng”
Câu chuyện ở Tân Hoàng Minh, SCB - Vạn Thịnh Phát và FLC cho thấy nhà đầu tư sẽ không bị lừa đảo, thao túng nếu họ và các cơ quan quản lý không bị qua mặt bởi những báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán đẹp đẽ, lĩnh vực mà hầu hết nhà đầu tư không có đủ thông tin, kiến thức để kiểm chứng.
Trao đổi ý kiến với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Khoản 11, Khoản 12 Điều 29 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định, doanh nghiệp kiểm toán “chịu trách nhiệm trước khách hàng về kết quả kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán đã giao kết” và “chịu trách nhiệm với người sử dụng kết quả kiểm toán khi người sử dụng kết quả kiểm toán”.
Điều 59 của Luật này cũng quy định các hành vi vi phạm về kiểm toán độc lập, bao gồm: “Việc thiếu cẩn trọng dẫn đến sai sót hoặc làm sai lệch kết quả kiểm toán; Cố tình xác nhận báo cáo tài chính có gian lận, sai sót hoặc thông đồng, móc nối để làm sai lệch tài liệu kế toán, hồ sơ kiểm toán và cung cấp thông tin, số liệu báo cáo sai sự thật”.
Bên cạnh đó, luật sư Truyền cũng cho rằng, những sai phạm kiểm toán vừa qua cũng cho thấy cơ quan quản lý chuyên ngành chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm giám sát của mình.
“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường giám sát chặt chẽ về công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính, báo cáo tài chính kiểm toán. Bộ Tài chính cần chấn chỉnh, tăng cường chất lượng công tác kiểm toán của các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán, tránh những trường hợp làm đẹp hồ sơ, nâng khống vốn… như vừa qua”, ông Truyền đề nghị.
Tại họp báo Chính phủ chiều 2/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, qua quá trình điều tra bổ sung vụ án FLC, Bộ Công an nhận định có 6 “lỗ hổng” quản lý, trong đó có vấn đề kiểm toán. “Quy định quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ kiểm toán, về trách nhiệm cá nhân của cán bộ kiểm toán chưa cụ thể, còn lỏng lẻo”, ông Xô nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, dưới góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị, bản thân mỗi nhà đầu tư cần thận trọng, nâng cao năng lực thẩm định doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư.
Nêu dẫn chứng, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 và bán niên 2016 của ROS, công ty kiểm toán đã lưu ý và nhấn mạnh những con số bất thường; nhờ đó, các công ty chứng khoán đã nhận ra câu chuyện tăng vốn khống của ROS và đã đưa ra khuyến nghị. Tuy nhiên, trước làn sóng tăng trưởng phi mã của cổ phiếu ROS sau đó, nhiều nhà đầu tư đã chạy theo lợi nhuận và bỏ ngoài tai mọi cảnh báo.