Vai trò cộng đồng trong bảo tồn di sản địa chất

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng (công viên địa chất) có diện tích hơn 3.500 km2, nằm trên địa bàn chín huyện cùng thành phố Cao Bằng, là nơi quần tụ, sinh sống từ bao đời nay của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô... Với 130 điểm di sản địa chất đa dạng, độc đáo, bao gồm các điểm di sản hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, cảnh quan đá vôi, hang động, thác nước…, trong đó có nhiều cảnh quan đẹp nổi tiếng, đây có thể coi là tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh Cao Bằng.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Công viên địa chất Non nước Cao Bằng (Ảnh: INSIDER)
Một góc Công viên địa chất Non nước Cao Bằng (Ảnh: INSIDER)

Sau sáu năm vận hành, công viên địa chất đã và đang triển khai thực hiện tốt các khuyến nghị của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững; giải quyết vấn đề toàn cầu về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo bền vững.

Mô hình công viên địa chất vận hành hiệu quả thời gian qua đã góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, tri thức bản địa và phát huy các giá trị di sản địa chất; thu hút nhiều du khách hơn đến công viên địa chất. Đến nay, trong khu vực này đã hình thành bốn tuyến du lịch trải nghiệm, tích hợp các nhiệm vụ vừa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất và di sản văn hóa, lịch sử địa phương, đồng thời đang xây dựng tuyến thứ năm kết nối với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.

Nhờ đó, một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát triển du lịch cộng đồng gắn với nghề truyền thống, nông nghiệp. Người dân các huyện Trùng Khánh, Nguyên Bình, Bảo Lạc… vừa bảo vệ giá trị di sản công viên địa chất, vừa có thu nhập từ bảo vệ giá trị di sản địa chất và văn hóa bản địa.

Tuy nhiên, những kết quả nêu trên chưa thật sự bền vững, hiệu quả rõ nét trong giảm nghèo và bảo tồn di sản văn hóa. Cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách quy hoạch các dự án liên quan bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bài bản và bền vững.

Cao Bằng hiện đang đối mặt với khó khăn về nguồn lực tài chính và nhân lực văn hóa-du lịch. Nguồn lực đầu tư cho bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống gắn với xây dựng đời sống văn hóa, góp phần phát triển kinh tế địa phương hạn chế.

Nguồn ngân sách từ Trung ương và địa phương đều hạn hẹp, tỉnh cũng chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược. Điều kiện địa hình, địa lý, cơ sở hạ tầng là điểm bất lợi lớn nhất, cản trở Cao Bằng phát triển, kết nối các điểm du lịch trong tỉnh và liên vùng.

Trước mắt, điểm nghẽn về giao thông bước đầu được tháo gỡ, song vẫn chưa đầy đủ. Tỉnh cần thúc đẩy nhanh hơn việc xây dựng giao thông, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) để kết nối Cao Bằng với các trung tâm khu vực phía bắc, mở ra cơ hội khai thác tiềm năng, thế mạnh của công viên địa chất - nguồn lực văn hóa, du lịch to lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Mới đây nhất, Tuyên bố Cao Bằng của Hội nghị quốc tế lần thứ tám của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương vừa diễn ra, đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng địa phương trong bảo vệ, bảo tồn và quản lý lãnh thổ công viên địa chất.

Qua đó, có thể thấy rõ, việc bảo tồn các di sản địa chất trong vùng công viên địa chất cần lấy người dân địa phương làm trung tâm và nhấn mạnh sự cần thiết việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số và các tri thức bản địa trong khu vực công viên địa chất.

Bảo đảm được sự đa dạng và liên kết chặt chẽ về địa chất, sinh học và văn hóa xã hội của cộng đồng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống, giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản và tài nguyên thiên nhiên hướng đến phát triển kinh tế-xã hội xanh, bền vững, chủ động ứng phó và xây dựng chiến lược lâu dài về giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Phát triển du lịch vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là yếu tố quan trọng trong Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phát triển dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Việc thúc đẩy vai trò cộng đồng là chủ thể trong công cuộc bảo tồn và phát triển trong khu vực đã thể hiện bao quát, đầy đủ hướng đi chủ đạo của tỉnh nhằm phát triển du lịch bền vững, thân thiện và hài hòa với môi trường, tài nguyên tự nhiên và nhân văn.