Vài hồi ức để nhớ đến một năm đi xa của anh Sáu *

NDO - Trong cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm ở Nam Bộ, tôi có nghe nhiều người khen ngợi anh Sáu Dân, một cán bộ trẻ, năng nổ, xông xáo, dũng mãnh, nhiều sáng kiến có tính chiến lược góp phần quan trọng cùng quân và dân Nam Bộ đẩy lùi bọn xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00

Sau Hiệp định Genève 1954, tôi tập kết ra miền Bắc được biết anh Sáu ở lại cùng nhân dân chiến đấu. Thỉnh thoảng tôi có gặp các bác, các chú, tôi hỏi thăm mọi người đều tỏ ra thương nhớ và rất khâm phục tài ba, mưu lược của anh Sáu.

Năm 1975, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, khi về công tác ở thành phố Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, tôi mới có dịp biết mặt anh Sáu Dân, người mà tôi ngưỡng mộ từ lâu. Trong thời gian này, tôi có dịp công tác, mức độ nào đó được gần gũi anh Sáu, tôi có nhớ những kỷ niệm nho nhỏ.

Có lần tôi theo anh Sáu (lúc đó tôi công tác ở Sở Tài chính Thành phố) để đi thị sát chuẩn bị xây dựng đập thủy điện Trị An, thời gian đó vùng này còn hoang vu, rừng cây rậm rạp, chưa có một con đường nào. Anh Sáu, một vài anh em và tôi sử dụng xe tải nhỏ để dò dẫm đường đi, thật khó khăn và nguy hiểm, rất chậm mới đi được một quãng đường, càng đi vào thì đường càng khó khăn. Tôi được biết vùng này trước kia giặc Mỹ rải bom, tôi sợ đi như thế này là nguy hiểm trước hết đối với anh Sáu, tôi cùng bàn bạc với các anh cùng đi, hay là ta tìm con đường khác hoặc chúng ta đi trước dò đường rồi anh Sáu đi sau. Anh Sáu nhăn mặt cười: "Các cậu sợ hả? Chiến đấu mấy chục năm vào sinh ra tử, không mất một sợi lông! Chúng ta cứ đi không sợ gì hết, khẩn cấp lắm rồi, sớm một ngày càng có lợi cho đất nước một ngày”. Một cán bộ thật dũng cảm quyết đoán...chỉ một lòng lo cho dân cho nước.

Khoảng năm 1993, tôi còn công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã ra Trung ương rồi làm Thủ tướng. Trong lúc tình hình buôn lậu quá lộng hành, Thủ tướng triệu tập Ủy ban nhân dân các thành phố, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới ra Hà Nội bàn về phương án chống buôn lậu. Khi vào họp, Thủ tướng hỏi Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đâu? Tôi đứng dậy báo cáo: "Chủ tịch ốm, tôi đi thay". Đồng chí đỏ mặt gay gắt nói: "Tôi mời Chủ tịch chứ có mời cậu đâu mà cậu đến họp". Tôi đứng dậy gọi số anh em cùng đi với tôi: "Ta không đúng thành phần dự, thôi thu xếp về các anh ạ!". Thủ tướng trầm ngâm rồi nói tiếp: "Thôi các cậu đã ra rồi cứ dự họp đi rồi báo cáo lại cho Chủ tịch - anh Sáu Tường" (anh Nguyễn Vĩnh Nghiệp lúc đó là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) .Có lẽ vì quá bức xúc với tình hình buôn lậu cộng với việc còn ấm ức nên suốt cuộc họp, Thủ tướng cứ đoàn Thành phố Hồ Chí Minh mà chất vấn nhiều điều.

Vì phụ trách trực tiếp vụ này nên tôi trả lời nhiều câu suôn sẻ nhưng cũng có những câu phải "cà lăm". Khi hội nghị kết thúc, anh Sáu đến vỗ vai tôi và nói: "Anh Sáu Tường không dự được phải báo cáo đàng hoàng. Tôi gay gắt với cậu như thế là vì nguyên tắc thôi, tôi phải chính quy hóa dần dần. Cậu làm được đó, về phải cố gắng thêm, địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh quan trọng lắm!”. Ở đây cũng thấy rõ Thủ tướng rất nguyên tắc nhưng cũng rất khoan dung nhân hậu.

Đầu năm 1994, tôi đang công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh thì nhận được quyết định của Thủ tướng ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, việc này tôi có biết từ lâu và đã gặp anh Sáu Khải (anh Phan Văn Khải lúc đó là Phó Thủ tướng Thường trực) từ chối trên một lần với lý do là lớn tuổi, sức khỏe có hạn. Nhưng nay đã có quyết định của Thủ tướng giấy trắng mộc quốc huy đỏ thì tôi không còn con đường nào khác ra Hà Nội thôi, như anh Hai Chí (anh Võ Trần Chí lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) nói: "Cậu chỉ có một con đường ra Hà Nội thôi, tốt nhất là vui vẻ nhận nhiệm vụ mới, bằng không trả thẻ Đảng cho anh Sáu rồi về". Tôi ra Hà Nội đến trình diện Thủ tướng, tôi định nói vài câu cho đã, vào chào Thủ tướng.

Chưa kịp nói gì, anh Sáu đã dõng dạc tuôn một hơi dài: "Cậu ra rồi đấy hả, tốt quá. Cậu chịu khó "tập kết" lần hai đi, cậu đúng là trí thức từ nông dân mà ra, từ nông dân được Đảng đào tạo thành tiến sĩ, càng lớn tuổi cậu càng phải hăng hái hết mình, tranh thủ thời gian phục vụ cách mạng. Nhà nước đang cần cậu, cậu phải an tâm nhận nhiệm vụ mới, có khó khăn đó, nhưng bên cạnh các cậu có chúng tôi, công việc khẩn cấp lắm rồi, cậu cần gì nói đi, xin ai, ghi tên ra Thủ tướng sẽ trực tiếp ký ngay, tôi đã nói với Bộ Tài chính rồi. Bộ Tài chính sẽ hỗ trợ người cho cậu, cậu nên nhanh chóng hình thành tổ chức bộ máy, xây dựng sơ bộ quy trình, quy tắc một cuộc kiểm toán. Cái gì chưa biết đi nước ngoài xem họ làm như thế nào, chọn lọc kinh nghiệm mà ứng dụng. Cậu phải chọn ngay những người có kinh nghiệm về kế toán, kiểm tra, mở lớp tập huấn ngắn hạn để làm thử ngay, phải "vừa chạy vừa xếp hàng", hăng hái quyết tâm với khí thế như đoàn quân ra trận". Đây là sự quyết đoán, năng động, tự tin và tin tưởng ở cán bộ cấp dưới của anh Sáu.

Khi ra Hà Nội, công việc chuẩn bị ban đầu đã tạm ổn, nhưng vẫn chưa tìm được trụ sở làm việc, phải thuê nhà khách Chính phủ làm trụ sở tạm. Đã nhiều lần gặp Chính phủ để xin trụ sở, các anh Văn phòng Chính phủ có chỉ mấy nơi nhưng đều không phù hợp. Khi ở Hà Nội, tôi có nhiều dịp gặp anh Sáu nhưng đều đông người nên đặt vấn đề không tiện. Đợi buổi chiều anh Sáu ra chơi tennis trong sân Chính phủ, tôi ra ngồi chọn hướng để anh Sáu nhìn thấy. Khi nghỉ giữa hiệp, anh Sáu đi ngay đến chỗ tôi ngồi, mặt đỏ hầm hầm nói lớn: "Giờ nghỉ mà không yên với các cậu à!".

"Báo cáo anh Sáu, anh kêu em ra mà chưa có chỗ làm việc". "Tôi đã nói Văn phòng Chính phủ làm thủ tục giao nhà 91 Đinh Tiên Hoàng cho các cậu rồi mà". "Báo cáo anh Sáu, 91 Đinh Tiên Hoàng sát Bờ Hồ là nơi kinh tế sầm uất, anh nên giao cho ngành thương nghiệp kinh doanh sẽ có lợi hơn (thật ra khu vực này còn ở chung và cái khó nhất là thiếu chỗ để xe cho cán bộ, công nhân viên".

"Vậy thì các cậu đến chỗ làm việc của tôi mà đóng trụ sở (lúc đó trong công viên Chính phủ có một villa nhỏ để Thủ tướng làm việc)". Tôi nói khu làm việc của Chính phủ là khu cẩn mật, uy nghiêm, quân của em thì từ bốn phương về, khách khứa các tỉnh, nước ngoài..., khó tránh khỏi ra vào lộn xộn. "Vậy cậu muốn ở đâu?".

"Báo cáo anh Sáu dãy nhà 33 Hùng Vương, trước kia là Đại sứ quán Liên Xô ở nay đang bỏ trống". "Không được, đây là khu Lăng Bác, khu ngoại giao". "Vậy không lẽ là cơ quan công quyền, cơ quan thuộc Chính phủ mà chúng em cứ đi thuê nhà khách ở tạm bợ mãi sao?". Suy nghĩ một hồi, anh Sáu nói: "Thôi được, giao cho các cậu 33 Hùng Vương đó, nhưng cậu nhớ rằng đó là khu trang nghiêm trước Lăng Bác, là khu ngoại giao, các cậu phải ăn ở đàng hoàng, trật tự, sạch sẽ…, có gì lộn xộn tôi cứ cậu mà ghè!".

Thật vui mừng siết kể, chúng tôi đã có trụ sở ở khu đất trang trọng trung tâm của thành phố, để có điều kiện ổn định tổ chức, chỗ làm việc. Đây là việc giải quyết rất có tình nghĩa và có phần ngoại lệ của anh Sáu đối với ngành Kiểm toán Nhà nước. Vì tôi biết khu đất này đã có nhiều cơ quan dòm ngó nhưng đều bị Thủ tướng lắc đầu (Do cơ quan Kiểm toán Nhà nước phát triển quá nhanh, nên 33 Hùng Vương đã chật chội, hiện nay cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã có trụ sở mới khang trang và rộng rãi hơn nhưng chỗ mới này cũng đã bắt đầu chật chội).

Vào năm 2004, lúc Kiểm toán Nhà nước chuẩn bị làm phim tài liệu Kiểm toán Nhà nước - 10 năm một chặng đường. Tôi cùng một số nhà báo đến nhà riêng để gặp anh Sáu - người Thủ tướng đã sinh ra ngành Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Anh Sáu rất vui mừng hồ hởi, vì cũng gặp được nhà báo quen, anh nói những gì còn trăn trở... Một "ông lão 80" vẫn còn rất minh mẫn, sáng suốt, đặc biệt là "bộ nhớ" rất kỳ diệu, anh nhắc đủ mọi điều, cả đường dây 500KV Bắc -Nam, đoạn nào cần quan tâm vấn đề gì... Sau đó, anh Sáu xoay qua tôi với nụ cười cởi mở sảng khoái, bao gồm một chút ưu tư: "Mới thế đã 10 năm rồi đấy Ba Nhơn ạ!”. Rồi anh Sáu trìu mến vỗ nhẹ lên vai tôi, vuốt đều trên cánh tay và nắm chặt bàn tay để tỏ ra cái tình, cái nghĩa của người ANH LỚN đối với đứa em nhỏ đã nhiều năm cùng cộng tác, nay cả hai đều đã về hưu.

Anh Sáu nói tiếp, đại ý: "Hồi đó, khi còn đương chức, tôi có dịp đi nhiều nước, tiếp xúc các chính khách và các chuyên gia kinh tế. Trong các buổi làm việc chính thức cũng như trong các buổi nói chuyện hành lang, tôi đều được họ nói về một cơ quan Kiểm toán quốc gia hoặc Ủy ban Kiểm toán quốc gia... Tôi bị cuốn hút vào những câu chuyện của họ và thực sự cảm phục về những việc mà cơ quan này làm được. Nó không chỉ giúp ích cho Quốc hội, cho Chính phủ mà còn có tác dụng rất sâu sắc đối với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, ngân hàng...

Một cơ quan độc lập, thực hiện chức năng kiểm tra từ bên ngoài và các hoạt động quản lý, điều hành và sử dụng tài chính, ngân sách như thế cũng cần phải có ở Việt Nam". Tại sao không? Nhất là ở giai đoạn đất nước đang chuyển mình đổi mới, hội nhập quốc tế. Nghĩ như vậy, nhưng thật ra không đơn giản vì nước ta chưa có tiền lệ. Tôi đem bàn với Chính phủ, lúc đầu cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi nghĩ không phải cái gì cũng chờ có tiền lệ mới dám làm. Cơ chế thị trường có tiền lệ không? Xu thế tất yếu của thời đại bắt buộc chúng ta phải có cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Nó thuộc về ai sẽ tính tiếp, trước mắt tạm thuộc Chính phủ...". Thêm cơ quan Kiểm toán Nhà nước lần đầu tiên ra đời. Ngẫm lại suy nghĩ này rất đúng và thực tế cơ quan Kiểm toán Nhà nước 10 năm qua đã làm tốt nhiệm vụ này.

Anh Sáu là người có suy nghĩ tầm xa, nắm bắt kịp thời xu thế phát triển của thế giới, quyết đoán và quyết định kịp thời. Tôi đã có vinh dự được làm việc mà chủ yếu là hội họp với anh Sáu nhiều năm ở Thành phố Hồ Chí Minh và khi ra Hà Nội thường xuyên dự họp của Chính phủ do anh Sáu chủ trì. Anh Sáu lúc nào cũng tỏ ra phong thái ôn hòa, cởi mở và đặc biệt biết lắng nghe.

Trong hội họp hoặc tiếp xúc ai phát biểu trúng ý kiến, kể cả khác ý kiến, nhưng anh Sáu khoái trá đều nhắm mắt cười khà khà. Anh luôn là người hiểu cấp dưới, bám sát nhân dân, nên luôn có những tư duy chiến lược với mục đích cao cả nhất là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và hiện đại. Đành rằng quy luật của tạo hóa sinh - lão - bệnh - tử, nhưng anh Sáu ra đi đối với tôi quá đột ngột. Anh ra đi để lại cho bạn bè, cho nhân dân niềm thương tiếc vô hạn. Anh ra đi chưa kịp thực hiện những ý định lớn có lợi cho dân, cho nước. Xin nghiêng mình trước vong linh anh Sáu.

Nhân đây, tôi cũng xin chia sẻ với các bạn, năm rồi tôi có dịp đi Quảng Ninh ghé đền Yên Tử để thắp nhang cho các vị vua Trần. Tôi rất ngạc nhiên khi bước vào, thấy anh Sáu mình đang ngồi cùng các vị vua Trần. Ai cũng biết anh Sáu họ thật là họ Phan (Phan Văn Hòa), gốc gác ở tỉnh Vĩnh Long, miền Tây Nam Bộ, nhưng lại được thờ chung với các vị vua Trần tận ởQuảng Ninh.

Điều này chứng tỏ nhân dân cả nước ở đâu cũng yêu mến anh Sáu.

Thông tin này để các bạn thân thiết có dịp đi Quảng Ninh ghé thăm các vị vua Trần và anh Sáu.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 2008.

* Võ Văn Kiệt trong lòng trí thức, Nxb Văn hóa-Thông tin Hà Nội, 2009, tr. 60-66.