Sáu lục lạc...

NDO - Đây là những mẩu chuyện mà tôi cho rằng có thể giới thiệu được ở mọi thời, với mọi người. Vì đó là những chuyện kể về một con người suốt đời vì nước, vì dân: ông Võ Văn Kiệt.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm đồng bào làng Tum 2, H. Chư Par, tỉnh Gia Lai (tháng 2/1996). (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm đồng bào làng Tum 2, H. Chư Par, tỉnh Gia Lai (tháng 2/1996). (Ảnh: TTXVN)

Tôi có cái may mắn, cũng như nhiều đồng nghiệp khác, nhờ làm cái công việc gọi là sưu tầm tư liệu lịch sử Đảng nên có nhiều dịp được tiếp xúc với nhiều chứng nhân lịch sử thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Có những nhân vật "tầm cỡ”, chỉ nghe cái tên thôi là có thể hình dung cả một thời kỳ lịch sử. Như ông - ông Võ Văn Kiệt.

Chuyện ông có biệt danh là Sáu Lục Lạc. Tình tiết câu chuyện có thể có dị bản. Nhưng qua nghe kể về ông, nhất là lời kể của bà Hai Được (Nguyễn Thị Được, nguyên Tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá) và một số đồng chí thân cận của ông thì chắc không có gì sai lệch.

Những ngày cuối năm 1940, khi thực dân Pháp bắt đầu mạnh tay đàn áp cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh Long trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), ông Kiệt cùng một số đồng chí từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) rút về vùng rừng U Minh (thuộc tỉnh Rạch Giá). Tại đây, thực hiện chủ trương của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang về việc củng cố lực lượng, tích cực chuẩn bị “bày binh, bố trận lại" (từ dùng của ông Kiệt) để sẵn sàng tổ chức một cuộc “khởi nghĩa Nam Kỳ lần thứ hai”, ông tham gia lãnh đạo xây dựng căn cứ U Minh, tại khu vực thuộc quận Phước Long cũ - cũng là nơi ông gặp gỡ và sau đó (1950) xây dựng gia thất với bà Trần Kim Anh, người vợ hiền của đời ông.

Trong điều kiện giặc truy lùng gắt gao, ông vẫn hòa mình với đồng bào địa phương, được đồng bào hết lòng thương yêu, chở che, đùm bọc... Hình ảnh chàng thanh niên Chín Hòa (tên thật của ông là Phan Văn Hòa, có người lại gọi là Phan Đông Hòa) lanh lợi, miệng nói tay làm; khi phát cỏ, lúc cắt lúa, xắn khóm (dứa),... còn đọng mãi trong tâm trí người dân vùng Kinh 1, Kinh 2, Kinh 3, Kinh 4,... (Vĩnh Thuận). Ông sống cuộc sống đời thường của người dân; đến với đồng bào, đồng chí của mình hết sức thật lòng, cởi mở, chan hòa, đầy tiếng cười vui, lạc quan... Kể về ông trong thời kỳ gian khổ này ở U Minh, Rạch Giá, bà Hai Được, người mà ông Kiệt xem như chị ruột của mình, nói: “Nó lý lắc dữ lắm. Tới đâu là biết liền hà! Như cái lục lạc!”. Cái lục lạc! Biệt danh “Sáu Lục Lạc”, ông được mang thêm là có nguồn gốc khai sinh trong thời kỳ lịch sử này, ở vùng U Minh, Rạch Giá.

“Sáu Lục Lạc”, cái tên chỉ tồn tại một thời của ông, sau này mấy người nhắc lại? Nhưng, hãy nghĩ mà xem, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình cho đến khi về cõi vĩnh hằng, Sáu Lục Lạc đã mang niềm vui đến cho biết bao người? Có thể nói, cho cả đất nước này.

Chuyện ông khóc khi bị ép làm Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá. Năm 1948, tỉnh Rạch Giá là nơi có vùng giải phóng rộng lớn ởmiền Tây Nam Bộ. Công cuộc "kháng chiến, kiến quốc" của tỉnh giành nhiều thắng lợi. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét so với hồi đầu kháng chiến.. Đầu tháng 9/1948, Đảng bộ, quân dân trong tỉnh phấn khởi chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên. Lúc này, Đảng còn hoạt động bí mật, chưa ra công khai. Danh xưng cơ quan của Đảng, từ tỉnh đến huyện, vì vậy cũng được lấy nhiều tên gọi khác nhau. Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Rạch Giá gọi là “Cứu quốc Hội". Đại hội này là cuộc Đại biểu hội nghị của Cứu quốc Hội tỉnh Rạch Giá. Đây cũng là Đại hội lần đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Rạch Giá kể từ ngày tỉnh có tổ chức Đảng.

Bấy giờ, ông Nguyễn Thành Nhơn (Năm Nhơn) là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh tỉnh Rạch Giá. Tỉnh ủy dự kiến Đại hội kỳ này sẽ bầu ông Nhơn tiếp tục làm Chủ tịch, còn ông Kiệt làm Bí thư Tỉnh ủy. Khi đem ra bàn, ông Kiệt nói rằng, mình học hành không bao nhiêu, lãnh trách nhiệm lớn quá e sẽ gặp khó khăn cho tập thể và công việc chung; trong khi đó trong Đảng bộ, trong cấp ủy các cấp, số cán bộ, đảng viên trí thức "Tây học" rất nhiều... Ông giới thiệu và đề nghị nên để ông Nhơn làm Bí thư thì “thuận" hơn, vì ông Nhơn học hành giỏi giang, quá trình hoạt động, công tác đã chứng tỏ được là người cán bộ có năng lực, đạo đức, gương mẫu, lại nói tiếng Tây… "qua lỗ mũi". Ông Nhơn thì cho rằng, trong Tỉnh ủy hiện thời, ông Kiệt là thành phần cơ bản, là cán bộ tiền khởi nghĩa (tham gia từ Nam Kỳ khởi nghĩa là Tỉnh ủy viên lớp đầu của tỉnh Rạch Giá, có quá trình cách mạng kiên cường, tư cách cá nhân, uy tín lãnh đạo cao... nếu làm Bí thư Tỉnh ủy thì không có gì phải bàn cãi! Các đồng chí trong Tỉnh ủy như Nguyễn Thanh Danh, Trần Văn Hinh, Phạm Xuân Hòa, Trần Hữu Phước cũng nói thêm vào. Bị các đồng chí ép quá ông Kiệt vừa tìm cách từ chối, vừa khóc. Cuối cùng thì cũng thỏa hiệp được một phương án. Vậy là, sau đó Đại hội đã thống nhất bầu ông Nhơn làm Bí thư Tỉnh ủy (kiêm luôn Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh tỉnh), ông Kiệt làm Phó Bí thư Tỉnh ủy...

Khi bị "dồn ép", ai cũng phải tìm cách “chống trả”. Không được thì nóng nảy, bực bội, đổ quạu; yếu thế quá thì.. cũng có thể khóc, là chuyện bình thường. Nhưng ở chuyện bị ép… làm lãnh đạo mà khóc là chuyện mà tôi cho là vô cùng hiếm! Ở đây, sáng ngời một tấm gương đạo đức của người cách mạng chân chính. Sự khiêm tốn thì đã quá rõ, nhưng đó thật sự là tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân; tự trọng, đầy nhân cách; tự lượng mình mà thoái thác với tấm lòng trong sáng…

Ông đã và mãi mãi là tấm gương sáng, là niềm ngưỡng mộ của mọi người.