Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến lớn lao, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Đặc biệt, với những cống hiến xuất sắc, sáng tạo, trong thời kỳ đổi mới, đồng chí Võ Văn Kiệt đã góp phần quan trọng đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng, ổn định và vững bước trên con đường hội nhập, phát triển.
Năm 1938, đồng chí bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Thanh niên phản đế, khi mới 16 tuổi. Tháng 11/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, thực dân Pháp đàn áp khủng bố những người yêu nước, theo sự điều động của tổ chức, đồng chí Võ Văn Kiệt về hoạt động tại vùng U Minh thuộc tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Trong suốt thời gian từ năm 1941-1945, trên cương vị Ủy viên Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Rạch Giá, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng lực lượng cách mạng bảo vệ căn cứ địa U Minh trở thành đầu não chỉ huy cách mạng của các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Căn cứ U Minh còn là nơi huấn luyện cán bộ, sản xuất vũ khí, chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa cướp chính quyền ở Rạch Giá giành thắng lợi (1945).
Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, đồng chí Võ Văn Kiệt được cử làm Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng lớn tỉnh Tây Nam Bộ. Năm 1950, đồng chí được điều về tỉnh Bạc Liêu làm Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Với năng lực hoạt động thực tiễn linh hoạt, sáng tạo, dấu chân của đồng chí Võ Văn Kiệt đã in khắp các chiến khu bưng biền, trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến đấu của đồng bào Tây Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đồng chí được Đảng phân công bí mật ở lại miền Nam, tiếp tục bám đất, bám dân, hoạt động ở vùng cực Nam của Tổ quốc. Năm 1955, đồng chí được bầu vào làm Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, sát cánh bên cạnh đồng chí Lê Duẩn, góp phần xây dựng Đề cương cách mạng miền Nam, làm cơ sở cho phong trào Đồng khởi của nhân dân ta ở khắp miền Nam. Năm 1959, đồng chí được điều về Khu Sài Gòn-Gia Định, làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn-Gia Định) cho đến cuối năm 1970.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; là Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, đồng chí tiếp tục làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn-Gia Định), rồi Bí thư Khu ủy Khu 9 (Khu Tây Nam Bộ). Năm 1972 đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III.
Từ năm 1973 đến 1975, đồng chí được điều về công tác ở Trung ương Cục và là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Trên cương vị và trọng trách được Đảng giao phó, trong những năm tháng khó khăn ác liệt của cách mạng miền Nam, đồng chí luôn luôn sát cánh cùng với các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời chỉ đạo, chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh. Với tư duy nhạy bén, kinh nghiệm cách mạng già dặn, đồng chí đã đưa ra những nhận định, đánh giá hết sức chính xác, chỉ đạo kịp thời, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong việc hành quân, lấn chiếm vùng giải phóng sau Hiệp định Pari.
Với tư duy nhạy bén, kinh nghiệm cách mạng già dặn, đồng chí đã đưa ra những nhận định, đánh giá hết sức chính xác, chỉ đạo kịp thời, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong việc hành quân, lấn chiếm vùng giải phóng sau Hiệp định Pari.
Trong thời gian chuẩn bị giải phóng Sài Gòn, đồng chí được Trung ương Cục phân công làm Bí thư Đảng ủy đặc biệt trong Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn, chỉ đạo quân và dân ta làm nên chiến thắng oanh liệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với bao khó khăn, thiếu thốn, do hậu quả của chiến tranh để lại. Trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã đưa ra những quyết sách hết sức năng động, phù hợp với tình hình thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, đưa Thành phố Hồ Chí Minh dần đi vào ổn định và trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước.
Những đóng góp trí tuệ, sáng tạo của đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3/1982), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có thể nói, dù ở cương vị nào, đồng chí Võ Văn Kiệt cũng luôn trăn trở, nghiên cứu tìm ra những bước đi thích hợp, phục vụ mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng chí thường xuyên đi xuống cơ sở, nắm bắt nguyện vọng của người dân, phát hiện nhân tố mới, từ đó đề xuất với Trung ương những chủ trương, chính sách mới sát hợp với thực tiễn. Bài học từ thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác làm cơ sở cho Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện (1986). Với những đóng góp tích cực và quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt với tiến trình đổi mới đất nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6/1991), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII (8/1991), đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (6/1996), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được cử làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992-1997), đồng chí được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Trên cương vị cao nhất của Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo các cấp, các ngành, thực hiện thành công đường lối đổi mới của Đảng. Trên phương diện kinh tế-chính trị, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định, dần dần thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, bước đầu thiết lập sự liên kết kinh tế khu vực và thế giới (với ASEAN và EU), từng bước phá vỡ thế bao vây cấm vận, trên lĩnh vực đối ngoại, thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, đưa đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập, phát triển. Có thể nói, trong thời gian 5 năm trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã góp phần xứng đáng vào những thành công vĩ đại của Đảng và nhân dân ta.
Có thể nói, trong thời gian 5 năm trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã góp phần xứng đáng vào những thành công vĩ đại của Đảng và nhân dân ta.
Từ một đất nước chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh tàn phá, đang trên bờ của cuộc khủng hoảng nặng nề, đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế-xã hội nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đà tăng lạm phát bị chặn lại và giảm dần còn hai con số. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực hằng năm, năm 1989, sau một năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo. Sự bình ổn về kinh tế đã tạo cơ sở để đất nước giữ vững ổn định về chính trị -xã hội và mở rộng đối ngoại. Dấu ấn của đồng chí được khắc ghi bằng những công trình thế kỷ: đường dây điện 500kV Bắc-Nam, dự án thoát lũ ra biển Tây của đồng bằng sông Cửu Long, v.v., mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ Việt Nam. Do những cống hiến to lớn của đồng chí cho Đảng và cách mạng, tháng 12/1997, đồng chí Võ Văn Kiệt đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta. Ngoài ra đồng chí còn được trao tặng nhiều huân, huy chương khác và huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001, do tuổi cao, đồng chí xin rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương, và được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong 11 năm, từ 1997 đến khi qua đời (2008), đồng chí có nhiều đóng góp, kiến nghị với các cơ quan Đảng và Nhà nước về những vấn đề trọng đại của đất nước, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới của đất nước ta. Những ý kiến của đồng chí được trình bày thẳng thắn và đầy tâm huyết lớn với đất nước, với nhân dân. Đồng chí được ghi nhận, đánh giá là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam kể từ năm 1986 và "tổng công trình sư" nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới.
Gần 70 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời, sự nghiệp và quá trình hoạt động cách mạng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất phong phú, sinh động, thể hiện trên nhiều lĩnh vực và trải dài trên cả ba miền đất nước.
Truyền thống quê hương, gia đình là nhân tố quyết định có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành tư tưởng cách mạng và nhân cách cộng sản của đồng chí Võ Văn Kiệt. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vĩnh Long giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, vùng quê Vũng Liêm-Trung Hiệp có bề dày truyền thống cần cù lao động, kiên cường bất khuất đấu tranh chống bạo ngược, cường quyền; có truyền thống yêu nước chống Pháp ngay từ khi chúng mới đặt chân đến xâm lược nước ta. Tiêu biểu là sự tham gia đông đảo của các nghĩa binh trong phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân Vĩnh Long dưới sự lãnh đạo của Tổng đốc Quân vụ Nguyễn Tri Phương, Tổng đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển.
Những ý kiến của đồng chí được trình bày thẳng thắn và đầy tâm huyết lớn với đất nước, với nhân dân. Đồng chí được ghi nhận, đánh giá là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam kể từ năm 1986 và "tổng công trình sư" nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới.
Được nuôi dưỡng trong môi trường giàu truyền thống yêu nước, bất khuất của quê hương, gia đình, suy nghĩ, tình cảm và nhận thức của Phan Văn Hòa đã sớm hướng về cách mạng. Được các lớp chiến sĩ cách mạng đàn anh dìu dắt, Phan Văn Hòa đã nhanh chóng giác ngộ lý tưởng cách mạng, từ một thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản ưu tú.
Ngay từ nhỏ, thanh niên Phan Văn Hòa đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học. Nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo túng, lại bị chế độ phong kiến thực dân đè nén, áp bức bóc lột nặng nề, đồng chí không có điều kiện theo học trường lớp. Tuy nhiên, với trí tuệ thông minh, cùng với nghị lực phi thường, đồng chí không ngừng trau dồi, học tập và trưởng thành cả về nhận thức lý luận và bản lĩnh cách mạng. Có thể nói, đồng chí Võ Văn Kiệt là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học cầu tiến bộ, đặc biệt là học từ thực tiễn cách mạng.
Đối với đồng chí, phẩm chất đặc biệt là luôn tôn trọng những người có bằng cấp, luôn tôn trọng và lắng nghe trí thức, nhưng đồng chí cũng cho rằng, việc học không vì bằng cấp, mà học là để đem những kiến thức mới vận dụng vào thực tiễn cuộc sống, nhất là để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Chính vì vậy, tinh thần ham học ham đọc của đồng chí gần gũi một cách tự nhiên với phẩm chất năng động và sáng tạo.
Đồng chí rất nhạy bén với cái mới, cái tiến bộ và có dũng khí đấu tranh cho sự phát triển của cái mới, cái tiến bộ. Cách mạng là sáng tạo, sự nghiệp cách mạng đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải có khả năng tổng kết thực tiễn, phát hiện cái mới và nhân rộng cái mới đó. Là nhà lãnh đạo, nhà hoạt động thực tiễn, sâu sát với nhân dân, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn luôn quan tâm tìm phương án hiệu quả nhất để thực hiện thành công nhiệm vụ cách mạng.
Đồng chí rất chú ý thực tiễn đất nước và các địa phương, không chỉ nghe báo cáo của cấp dưới, mà còn trực tiếp xuống cơ sở, tìm hiểu tình hình cụ thể, lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau rồi mới đưa ra quyết định. Chính vì luôn bám sát thực tiễn, có năng lực tổng kết thực tiễn, phát hiện cái mới, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp cho Đảng nhiều chủ trương, chính sách sáng tạo, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Đặc biệt là, chính nhờ bản lĩnh vững vàng, sáng tạo của người đứng đầu, dám quyết định và dám chịu trách nhiệm, đã đưa đất nước ta vượt qua thời điểm gay cấn, khó khăn nhất để bước vào thời kỳ ổn định, phát triển.
Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, tình nguyện dấn thân vào con đường cách mạng đầy gian khổ hy sinh, có thể nói đồng chí Võ Văn Kiệt đã cống hiến những năm tháng tuổi thanh xuân đẹp nhất và toàn bộ cuộc đời mình cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong thời kỳ hoạt động gắn bó với nhân dân các tỉnh miền Tây, đồng chí đã tỏ rõ là người có năng lực thiên phú về hoạt động thực tiễn, có phương pháp vận động, tuyên truyền phù hợp, luôn đi sát phong trào, đồng chí Võ Văn Kiệt trở thành người lãnh đạo tin cậy đối với nhân dân, đoàn kết được các tôn giáo, đảng phái hướng theo Đảng, theo cách mạng. Điều đó phần nào lý giải rằng, dù lực lượng cách mạng ở Tây Nam Bộ thường xuyên bị kẻ địch mở các cuộc càn quét khủng bố, đàn áp; các chiến sĩ cách mạng luôn bị rình rập, bắt bớ, với nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc, nhưng phong trào cách mạng ở Tây Nam Bộ, chưa khi nào bị dập tắt. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trên bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng tỏ rõ tinh thần kiên trung cách mạng, tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ và sáng tạo, trên hết là tấm gương suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng sẵn sàng hy sinh tranh đấu đến hơi thở cuối cùng.
Với quê hương, làng xóm, tình cảm của người con Phan Văn Hòa thật ân tình, sâu nặng. Tuổi thơ của Phan Văn Hòa trên quê hương Trung Hiệp-Vũng Liêm-Vĩnh Long không êm ả. Dưới ách thống trị, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến, cậu bé Phan Văn Hòa đã phải chịu nhiều cơ cực lầm than của người dân nô lệ. Tuy vậy, hình ảnh của những dòng kênh êm ả, lứa bạn bè thủa chăn trâu hồn nhiên, mộc mạc... luôn hiện hữu trong suy nghĩ tình cảm của người con xa quê đi hoạt động cách mạng. Chính từ tình yêu quê hương, tình yêu đồng chí, đồng bào bị kẻ thù giết hại, đồng chí càng quyết tâm phấn đấu, hoạt động, góp phần giải phóng quê hương.
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, dù thời gian vô cùng bận rộn vì phải gánh vác những trọng trách của Đảng và Nhà nước, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn nhiều lần về thăm quê Trung Hiệp, thăm hỏi bà con xóm làng, động viên cán bộ đảng viên và các đồng chí lão thành cách mạng. Mong muốn của đồng chí là đảng bộ các cấp xã huyện và tỉnh Vĩnh Long tìm tòi sáng tạo, lãnh đạo nhân dân làm kinh tế giỏi, để quê hương nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo.
Đồng chí Võ Văn Kiệt là hiện thân tiêu biểu của lớp các chiến sĩ cách mạng hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp của Đảng và của dân tộc. Thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng dốc lòng, dốc sức, tìm tòi sáng tạo, hoàn thành trọng trách trước Đảng, trước nhân dân. Suốt đời đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ có một tâm niệm phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, phục vụ Tổ quốc nhiều hơn nữa. Nếp sống trong sáng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; ghét thói phô trương, hình thức; thái độ chân thành, tình nghĩa, cần kiệm, giản dị, đồng cam, cộng khổ với đồng chí, đồng bào; đồng chí đã chinh phục được tình cảm, niềm tin của nhân dân, từ các nhà trí thức đến các doanh nhân, thanh thiếu niên, đồng bào có đạo, bà con Hoa kiều...
Chính vì gần gũi một cách tự nhiên với nhân dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng nhân dân, biết chắt lọc trí tuệ của nhân dân, đồng chí đã làm giàu trí tuệ cho bản thân và cho Đảng. Trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, giản dị, chân thành, cởi mở, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Đó là những phẩm chất cao đẹp, sáng ngời một nhân cách lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt.
Những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với Đảng và cách mạng Việt Nam; cuộc đời, sự nghiệp và những hoạt động phong phú của nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo Võ Văn Kiệt là tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam học tập, noi theo.