Trước thực trạng này, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng rà soát, khắc phục ngay những sự cố phát sinh, “vá lỗi” để hệ thống ETC thật sự đem lại hiệu quả xã hội, giúp người dân lưu thông thuận tiện.
Lỗi ETC ở cả hai phía
Từ ngày 1/6, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là tuyến đường triển khai thí điểm thu phí ETC đầu tiên trong cả nước, trước khi áp dụng đại trà tại các tuyến cao tốc khác, đến nay đã vận hành được hơn 2 tháng. Trạm trưởng Thu phí đầu tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng Lê Văn Hùng cho biết, nếu như thời điểm đầu tháng 6, khi bắt đầu thí điểm thu phí thuần ETC, mới chỉ có khoảng 76% lượng xe dán thẻ và sử dụng dịch vụ thì đến nay con số này đã tăng lên khoảng 98%.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng chỉ ra hàng loạt lỗi, sự cố phát sinh khi vận hành hệ thống thu phí ETC trên tuyến này, như tình trạng xe chưa dán thẻ, chưa nạp tiền, hoặc có tiền trong tài khoản nhưng không bảo đảm số dư. Đơn cử, trong tháng 6 có 34.342 lượt xe chưa nạp tiền vào tài khoản giao thông ở làn vào (trung bình 1.145 lượt xe/ngày) và gần 25 nghìn lượt xe không đủ số dư trong tài khoản để thanh toán tại làn ra (trung bình 833 lượt xe/ngày). Một số trường hợp khác, chủ xe muốn đổi thẻ ETC sang nhà cung cấp khác vướng nhiều thủ tục phiền phức, gây tâm lý ức chế đối với người dân,…
Anh Trần Văn Trung, một lái xe cho hay, các phương tiện thường gặp một số sự cố như lỗi thẻ, lỗi máy đọc, bị bong mất thẻ, hỏng thẻ,… Trong khi đó, một lái xe khác là anh Nguyễn Minh Tài đánh giá, hệ thống ETC trên cao tốc một số trạm hoạt động không trơn tru, nhiều trạm bị lỗi, không nhận được thẻ hoặc có trường hợp bị trừ tiền 2 lần. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý mới hướng đến xử lý các trường hợp lái xe vi phạm quy định của thu phí ETC, nhưng trường hợp nhà cung cấp để xảy ra lỗi, sự cố chưa thấy bị nhắc nhở gì.
Từ thực tế thu phí ETC tại trạm đầu tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng hơn hai tháng qua, ông Hùng thừa nhận vẫn còn nhiều phương tiện sử dụng cả 2 loại thẻ; lượng thẻ bị lỗi, hỏng còn lớn cũng là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ giao dịch offline. Theo ông Hùng, khi những xe này lưu thông vào cao tốc, thiết bị tại làn vào hoặc làn ra không đọc được thẻ, hoặc làn vào đọc một thẻ, làn ra đọc 1 thẻ khác,... sẽ dẫn đến việc phải dừng phương tiện để nhân viên vận hành xử lý thủ công, gây mất thời gian và bức xúc cho các phương tiện đi sau.
“Nếu không được xử lý triệt để, các xe này tiếp tục phải dừng lại khi lưu thông lần sau gây mất thời gian chờ đợi xử lý cho khách hàng và tăng nguy cơ va chạm giao thông tại làn thu phí ETC”, ông Hùng cảnh báo. Tại cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, nhân viên vận hành trạm thu phí cũng không thể đăng nhập hoặc tra cứu được số dư tài khoản trên phần mềm ePass (của Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam-VDTC) dẫn đến việc khách hàng bức xúc khi mất thời gian kiểm tra số dư tài khoản. Đối với các xe dán thẻ ePass có tài khoản liên thông với ví điện tử Viettel Money, nhân viên vận hành không kiểm tra được số dư trên trang 360.vetc.com.vn do Công ty Thu phí tự động VETC cung cấp,…
“Hai nhà cung cấp dịch vụ VETC và VDTC không bố trí đầy đủ nhân lực hỗ trợ, chậm phối hợp xử lý sự cố nên càng gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), đơn vị quản lý tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng phải huy động thêm lực lượng cả ngày lẫn đêm để hỗ trợ xử lý, khắc phục khiếm khuyết”, ông Hùng cho biết.
Theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Nguyễn Văn Nhi, sơ bộ thống kê sau hơn một tuần triển khai thu phí ETC trên 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý, vẫn còn phát sinh nhiều lỗi như hệ thống thu phí tại các trạm của VEC mới đưa vào hoạt động nên vẫn cần thời gian hiệu chỉnh, hoàn thiện hệ thống; nhân viên chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống thu phí ETC phát sinh.
Ngoài ra, một số lỗi cũng đến từ phía chủ phương tiện như xe không đủ tiền trong tài khoản, đến trạm thu phí mới nạp tiền nên có trường hợp tiền đã nạp nhưng chưa kịp về tài khoản; tài khoản không hợp lệ, chưa kích hoạt thẻ; hệ thống thiết bị tại trạm không đọc được thẻ do nhiều xe dán sai quy cách, dán thẻ lâu nhưng chưa sử dụng dịch vụ, thẻ bị giảm chất lượng. Ngoài ra, một số điểm hệ thống nhận diện thẻ chậm, barrier không nâng lên khi xe đi qua dù tài khoản của lái xe vẫn còn tiền hay barrier hạ xuống nhanh quá, đập vào kính xe,… gây ùn tắc các trạm, ảnh hưởng đến lưu thông, gây bức xúc cho lái xe.
Quy định chặt chẽ chế tài xử lý
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP mới quy định xử phạt đối với chủ phương tiện không dán thẻ, không đủ tiền trong tài khoản đi vào cao tốc. Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chưa được đề cập, do đó nội dung này cần phải được bổ sung, công khai, minh bạch.
Vụ trưởng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Tô Nam Toàn cho biết, hiện nay mới chỉ quy định xử lý trách nhiệm theo hợp đồng kinh tế giữa các bên. Cơ sở pháp lý để xử lý trách nhiệm này được quy định tại Thông tư 15 của Bộ Giao thông vận tải quy định về trạm thu phí đường bộ. Trạm thu phí để xảy ra ùn tắc kéo dài sẽ phải dừng thu phí, nói cách khác là “xả trạm”. Việc xả trạm do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC, nhà cung cấp phải có trách nhiệm đền bù cho nhà đầu tư BOT, lỗi do nhà đầu tư BOT, doanh thu sẽ không được tính thời gian xả trạm vào phương án tài chính.
“Cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay của ETC mới dừng lại ở Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi theo hướng nâng lên thành Nghị định. Khi đó, sẽ quy định chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa các bên trong hoạt động thu phí ETC. Đây cũng là cơ sở để xử lý trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, trách nhiệm đơn vị vận hành trạm thu phí và trách nhiệm chủ phương tiện, từ đó sẽ có chế tài xử lý rõ ràng, cụ thể”, ông Toàn cho hay.
Hiện tại, trong thời gian đầu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông đều thống nhất quan điểm tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng quy định và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ phương tiện lưu thông. Phương tiện nào chưa dán thẻ, chưa nạp tiền sẽ được các đơn vị vận hành, nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ ngay tại trạm, chỉ trường hợp nào có hành vi cố tình chống đối mới mời lực lượng chức năng xử lý. Qua 2 tháng thí điểm trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chỉ có 3 trường hợp bị xử lý, trong tuần đầu vận hành ETC trên các tuyến cao tốc, chỉ có 2 trường hợp chống đối bị xử phạt. Về lâu dài, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông phạt nguội từ hình ảnh các hành vi vi phạm ETC.
Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện thu phí ETC tại các tuyến cao tốc trên toàn quốc của Bộ Giao thông vận tải cuối tuần trước, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị quản lý vận hành tuyến cao tốc duy trì trạng thái tập trung lực lượng ở cấp độ cao nhất trong vòng một tháng, tinh thần là phục vụ nhân dân là trên hết, để người dân ủng hộ chủ trương của Chính phủ và tạo ra thói quen, giúp người dân thấy được giá trị, lợi ích của ETC.
"Trước mắt, các đơn vị liên quan cần giải quyết căn cơ các vấn đề đang vướng mắc và kiến nghị Chính phủ ban hành khung khổ pháp lý cao hơn Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, để bảo đảm các nguyên tắc vận hành hệ thống thu phí ETC lâu dài và quy định rõ quy trình, tiêu chuẩn và trách nhiệm của các chủ thể liên quan", Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.
Trước tình trạng phát sinh một số lỗi, sự cố trong thu phí ETC, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chủ trì, xử lý triệt để bất cập của hệ thống thu phí ETC, nhất là trên các tuyến cao tốc và tuyến đường giao thông huyết mạch; có phương án xử lý phù hợp tại các trạm thu phí ETC, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông làm ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ ETC, nhà đầu tư BOT rà soát, khắc phục ngay các lỗi kỹ thuật, nhất là lỗi không nhận diện thẻ định danh của phương tiện, tăng cường nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm trực đường dây nóng để kịp thời hỗ trợ chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông có nhu cầu kích hoạt hoặc chuyển đổi tài khoản thu phí giữa các nhà cung cấp; đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh cho phương tiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tuần tra kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan hoạt động ETC, kể cả vi phạm của chủ phương tiện, người lái xe và các đơn vị quản lý, vận hành trạm thu phí (nếu có); thực hiện trích xuất dữ liệu từ hệ thống thu phí ETC để xử phạt nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn thu phí ETC gây ùn tắc giao thông.
Các bộ, ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc duy trì tần số vô tuyến điện tại từng làn thu phí ETC và tại trạm thu phí theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật; có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể có hành vi can thiệp vào hệ thống ETC (tăng, giảm tần số tại làn thu phí/trạm thu phí, nhận diện lệch làn, hệ thống đường dẫn,…), ảnh hưởng đến việc nhận diện thẻ định danh và truyền dẫn thông tin, dữ liệu tại từng làn và trạm thu phí ETC,...