Ưu tiên vốn cho "tam nông", phát triển kinh tế địa phương

Nhiều năm qua, "tam nông" (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) luôn là lĩnh vực được hệ thống ngân hàng dành nhiều ưu tiên cũng như tập trung đầu tư tín dụng. Đồng vốn ngân hàng nói chung và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh tỉnh Phú Thọ nói riêng đã và đang đồng hành cùng mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng giao dịch tại Agribank chi nhánh tỉnh Phú Thọ.
Khách hàng giao dịch tại Agribank chi nhánh tỉnh Phú Thọ.

Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh đó, từ quý II/2020, Agribank chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã chủ động tiết giảm chi phí, điều chỉnh giảm nhiều lần lãi suất cho vay trong thẩm quyền của chi nhánh cho tất cả khách hàng cũ đang có dư nợ và khách hàng vay mới, với biên độ giảm lãi suất từ 1 đến 2,5%/năm.

Sứ mệnh phục vụ "tam nông"

Theo chia sẻ của Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Phú Thọ Trịnh Văn Sơn, tính chung, tổng dư nợ được điều chỉnh giảm 10% lãi suất cho vay đối với toàn bộ khách hàng đang có dư nợ là khoảng 11.672 tỷ đồng, số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 62,8 tỷ đồng, với hơn 63.300 khách hàng được giảm lãi suất.

Xác định phục vụ phát triển "tam nông" luôn gắn với sứ mệnh hoạt động của mình, nên từ khi hình hành và phát triển đến nay, Agribank chi nhánh tỉnh Phú Thọ luôn tích cực đầu tư vốn tín dụng cho lĩnh vực này. Đồng thời, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, ngân hàng đã cùng các cấp, ngành và người dân chung tay phòng, chống dịch, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng nhằm khắc phục khó khăn, ổn định và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Số liệu thống kê từ Agribank chi nhánh tỉnh Phú Thọ cho thấy, sáu tháng đầu năm 2022, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 12.371 tỷ đồng, tăng 842 tỷ đồng so đầu năm (tỷ lệ tăng 7,3%); thị phần của Agribank chiếm 16,67% (trong tổng số 21 tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn). Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 12.238 tỷ đồng, tăng 439 tỷ đồng so đầu năm (tỷ lệ tăng 3,7%); thị phần của Agribank chiếm 13,72%; tỷ lệ nợ xấu 0,78%/tổng dư nợ. Đến thời điểm ngày 30/6 vừa qua, tổng dư nợ cho vay "tam nông" của chi nhánh đạt 10.254 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,9% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; tăng 256 tỷ đồng so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 0,88%/tổng dư nợ.

Góp phần đẩy lùi tín dụng đen, Agribank chi nhánh tỉnh Phú Thọ còn triển khai đa dạng các giải pháp, đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ, trong đó nổi bật là đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn. Tính từ thời điểm triển khai (tháng 9/2019), chi nhánh đã phát hành được 6.773 thẻ, chủ yếu để thực hiện thanh toán các giao dịch thiết yếu như tiền điện, nước, cước viễn thông,... Đặc biệt, chi nhánh cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng theo chương trình tín dụng tiêu dùng với tổng doanh số cho vay lũy kế đến 30/6 là 2.597 tỷ đồng, số lượt khách hàng vay lũy kế gần 14.500 lượt.

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế, diện mạo vùng nông thôn Phú Thọ cũng ngày càng khởi sắc khi nhờ đồng vốn ngân hàng, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đang dần được hiện thực hóa. Xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao) đã hoàn thành chuẩn nông thôn mới từ năm 2014, và hiện nay đang trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Nguyễn Hồng Toàn, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đến nay, tổng số dư nợ trên địa bàn đạt 215 tỷ đồng (trong đó vốn vay của Agribank 95 tỷ đồng, quỹ tín dụng nhân dân 99 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội 21 tỷ đồng).

Đời sống của người dân ngày càng nâng cao, thu nhập lao động tăng lên, là những mục tiêu cụ thể không chỉ của xã Tứ Xã, mà của toàn tỉnh Phú Thọ đang hướng tới. Trong quá trình này, luôn luôn có sự hiện diện của nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Hộ gia đình ông Bùi Quang Hiệu (ở khu 14, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao) có được cơ ngơi khang trang như hôm nay không thể không nhắc tới vai trò đồng hành của Agribank chi nhánh huyện Lâm Thao. Bắt tay vào chăn nuôi từ năm 2001, quá trình nuôi lợn, gà của ông Hiệu không thiếu những thăng trầm. Ông Hiệu nhớ nhất thời điểm năm 2017-2018, khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, hạn chế nhập khẩu thịt lợn từ các nước, trang trại lợn của ông lỗ tới 14 tỷ đồng do giá thịt lợn trượt dốc thê thảm. Rồi đến đợt dịch Covid-19 hoành hành, trang trại lợn và nhà máy cám của ông cũng chịu ảnh hưởng không ít. "Nếu những lúc như thế, không có sự đồng hành của ngân hàng thì những hộ chăn nuôi như chúng tôi sẽ gặp vô vàn khó khăn. Gần đây nhất, để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay, đồng thời tiếp tục cho vay mới, nhờ vậy nên gia đình tôi vẫn bảo đảm được nguồn tài chính để tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông Hiệu cho biết. Hiện nay, hộ ông Hiệu đang có hạn mức vay 7 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm tại Agribank chi nhánh Lâm Thao. Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Lâm Thao Nguyễn Quang Trung chia sẻ, từ quý II/2020 trở lại đây, Agribank Lâm Thao đã chủ động tiết giảm chi phí, điều chỉnh giảm nhiều lần lãi suất cho vay. Tổng dư nợ được điều chỉnh giảm lãi suất cho vay gần 1.110 tỷ đồng; số tiền lãi đã giảm cho khách hàng đạt 5,3 tỷ đồng, số khách hàng được giảm lãi suất là 4.262 khách hàng.

Thời gian tới, Agribank chi nhánh Phú Thọ tiếp tục làm tốt việc huy động vốn đầu tư tín dụng phục vụ "tam nông", giữ vững vai trò chủ đạo, chủ lực của chi nhánh ngân hàng thương mại lớn nhất tại địa phương trên thị trường tài chính nông thôn, tiên phong triển khai, thực hiện các chính sách tiền tệ, tín dụng của Đảng và Nhà nước, tích cực cùng ngành ngân hàng đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.