Theo đó, Bộ yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, Thanh tra Giao thông vận tải trực thuộc phối hợp Sở Giao thông vận tải và lực lượng chức năng tạo thuận lợi tối đa cho các phương tiện chở oxy được ưu tiên khi lưu thông trên các tuyến đường bộ; ưu tiên khi lưu thông qua Trạm kiểm tra tải trọng phương tiện; ưu tiên lưu thông trong tổ chức giao thông.
Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp và cung cấp danh sách phương tiện chở oxy cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, An Giang và TP Hồ Chí Minh để chủ động trong tổ chức giao thông, ưu tiên, tạo thuận lợi đúng đối tượng.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước, đặc biệt là các đơn vị đăng kiểm khu vực phía nam ưu tiên các phương tiện chở oxy khi vào kiểm định. Các Sở Giao thông vận tải tham mưu cho UBND tỉnh cho phép phương tiện chở oxy được đi vào các tuyến đường quan trọng, đi trong giờ cấm xe tải, giờ cao điểm.
Các đơn vị vận tải có phương tiện chở oxy phải thực hiện các biện pháp về phòng, chống Covid-19 theo quy định.
Theo Bộ Công thương, hiện nay có tình trạng thiếu oxy trầm trọng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã có công văn hỏa tốc gửi các công ty sản xuất khí công nghiệp lớn tại Việt Nam đề nghị tăng năng lực sản xuất và cung ứng oxy cho các tỉnh trên. Bộ cũng đã làm việc với một số đơn vị sản xuất, kinh doanh oxy lỏng để huy động tối đa lượng oxy hiện có tại các tỉnh, thành phố.
Để kịp thời cung ứng oxy cho các cơ sở y tế, Bộ Công thương đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an tạo thuận lợi tối đa, an toàn cho các xe vận chuyển oxy, đặc biệt là các xe bồn lớn vận chuyển dường dài. Đồng thời, áp dụng các quy định linh hoạt cho phép xe vận chuyển oxy được đi vào các tuyến đường quan trọng, giờ cao điểm trong các thành phố.