Ưu tiên tiêm trước vaccine DPT-VGB-Hib cho nhóm tuổi nhỏ nhất

NDO - Chiều 19/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về chính sách trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023”, với sự tham dự của các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tại hội nghị, chia sẻ về một số kết quả của Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam thời gian qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết: Từ năm 1994, Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã được bao phủ 100% xã, phường trên toàn quốc. Đây là điểm sáng của ngành y tế trong việc thực hiện công bằng về chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiêm chủng đã đến được với tất cả trẻ em từ thành thị, nông thôn, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Nhờ nỗ lực của toàn ngành y tế, Việt Nam đã thanh toán bại liệt từ năm 2000; năm 2005, Việt Nam được quốc tế công nhận loại trừ uốn ván sơ sinh. Hiện Việt Nam vẫn đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trên phạm vi toàn quốc đạt cao hơn 95%; bệnh sởi đã được khống chế và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi thời gian tới.

Đáng chú ý, kết quả tiêm chủng trong 10 tháng đầu năm 2023 cho thấy: tỷ lệ huyện duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh đạt 100%; tỷ lệ trẻ dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 66,4%; tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh dưới 24 giờ đạt 70,5%; tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine sởi rubella đạt 77,1%; tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đạt 68,3%... so với chỉ tiêu đề ra.

Ưu tiên tiêm trước vaccine DPT-VGB-Hib cho nhóm tuổi nhỏ nhất ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ thông tin về Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiếu nhân lực tạm thời trong giai đoạn cao điểm triển khai các biện pháp chống dịch và triển khai vaccine phòng Covid-19 đến hầu hết các hoạt động tiêm chủng thường xuyên; tích lũy các trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vaccine sởi mũi 1 và sởi-rubella có nguy cơ gây dịch thời gian tới trong bối cảnh bệnh sởi vẫn diễn biến chu kỳ 3-4 năm; nguồn kinh phí địa phương cho công tác tiêm chủng mở rộng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác tiêm chủng mở rộng; nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác tiêm chủng thường xuyên có xu hướng giảm và không được cam kết, vận động từng năm, thiếu kinh phí cho giám sát bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng cho biết thêm: Ngày 15/12/2023, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiếp nhận 490.600 liều vaccine DPT-VGB-Hib (một loại vaccine phối hợp 5 trong 1, có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib, viêm màng não mủ do Hib) do Chính phủ Australia viện trợ để triển khai trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ trong các tháng đầu năm 2024.

Theo kế hoạch, quý I/2024, Chương trình sẽ ưu tiên cho trẻ ≥ 2 tháng chưa được tiêm mũi 1 vaccine DPT-VGB-Hib, bao gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi, trong đó ưu tiên tiêm trước cho nhóm tuổi nhỏ nhất; tiêm trả mũi 2, mũi ba cho trẻ chưa được tiêm đủ ba mũi vaccine DPT-VGB-Hib gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi.

Ngoài ra, trong quý I/2024, Chương trình tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng bù mũi, tiêm vét cho trẻ bảo đảm an toàn tiêm chủng, đặc biệt một số vaccine phòng chống dịch trong mùa đông-xuân như sởi, rubella...; tiếp tục tăng cường giám sát các bệnh tiêm chủng mở rộng như sởi, rubella, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, giám sát điểm ca tiêu chảy cấp do vi-rút Rota; chuẩn bị triển khai tiêm vaccine Rota là một vaccine mới trong tiêm chủng mở rộng tại 33 tỉnh, thành phố từ quý II/2024.

Đồng thời, Chương trình tiếp tục tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học cho những trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi, qua đó giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch tại cộng đồng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về công tác truyền thông vaccine hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Y tế và các cơ quan báo chí để nâng cao hiệu lực, hiệu quả về truyền thông chính sách về y tế thời gian tới...