Các cấp, ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể và nhân dân luôn quan tâm, đầu tư, chăm lo cho công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi.
Một vấn đề đáng lo ngại khi các nền tảng xã hội trực tuyến phát triển mạnh mẽ đã làm cho việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng càng trở nên khó khăn hơn, trong khi chúng ta chưa có đủ công cụ, biện pháp để xử lý những nội dung độc hại, không phù hợp trẻ em trên môi trường mạng, nhất là đối với những nền tảng nước ngoài…
Hằng năm, Diễn đàn trẻ em quốc gia được tổ chức với các chủ đề khác nhau và đây cũng là hoạt động để đại diện trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về những vấn đề có liên quan các em với tinh thần tôn trọng, lắng nghe, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, không phân biệt đối xử và bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan…
Tuy nhiên, công tác trẻ em vẫn còn một số hạn chế, bất cập và thách thức như tình hình bắt cóc, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp; nhiều nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng xâm hại trẻ em. Tỷ lệ trẻ em bị đuối nước còn ở mức cao. Nhiều vụ việc trẻ em bị ngộ độc thực phẩm...
Bên cạnh đó, một vấn đề đáng lo ngại khi các nền tảng xã hội trực tuyến phát triển mạnh mẽ đã làm cho việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng càng trở nên khó khăn hơn, trong khi chúng ta chưa có đủ công cụ, biện pháp để xử lý những nội dung độc hại, không phù hợp trẻ em trên môi trường mạng, nhất là đối với những nền tảng nước ngoài…
Mạng lưới thư viện, các thiết chế văn hóa, thể thao cũng chưa đồng đều giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn, trung tâm huyện lỵ; cơ sở vật chất tại các hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nhiều địa phương cũ kỹ, xuống cấp, không thu hút được người dân và trẻ em tham gia. Nhân lực quản lý nhà nước về thực hiện quyền trẻ em và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở nhiều địa phương thiếu và yếu, nhất là cấp xã. Nhiều địa phương bố trí ngân sách cho công tác trẻ em qua ngành lao động-thương binh và xã hội thấp, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu việc thực hiện nhiệm vụ về trẻ em của ngành.
Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em", nhằm tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo đó, các cấp, ngành, địa phương tập trung nội dung chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em, qua đó vận động xã hội thực hiện phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em", hỗ trợ mỗi xã có một công trình dành cho trẻ em được xây dựng hoặc nâng cấp; mỗi đoàn viên, hội viên của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội có một hành động thiết thực vì trẻ em.
Có thể thấy, hành động thiết thực là mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi doanh nghiệp cần đề cao trách nhiệm, hành động bằng những việc làm cụ thể, dành nguồn lực cho con em mình nói riêng và cho trẻ em nói chung.
Các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan khi xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 cần bố trí kinh phí dành cho công tác trẻ em, đồng thời vận động, tuyên truyền, chỉ đạo các tổ chức, các cấp đoàn, hội có công trình, phần việc thiết thực vì trẻ em, nhân rộng các phong trào, mô hình, sáng kiến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Việc ưu tiên nguồn lực cho trẻ em cũng có nghĩa là ưu tiên nhân lực và kinh phí lĩnh vực này. Theo đó, cần phải kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về trẻ em theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao năng lực, đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên ở cộng đồng dân cư.
Kinh phí dành cho công tác trẻ em phải bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước, phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện chính sách; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em, nhất là địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, biển, đảo...