Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Tại Hội nghị chuyên đề “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Bộ Công an tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Những đặc tính của môi trường mạng như ẩn danh, kết nối, chia sẻ thông tin không giới hạn dần trở thành những điều kiện lý tưởng cho các đối tượng xấu, các loại hình tội phạm phát sinh, hoạt động.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em theo dõi các video được đăng trên internet. (Ảnh MỸ HÀ)
Trẻ em theo dõi các video được đăng trên internet. (Ảnh MỸ HÀ)

Môi trường mạng cũng thường trực đa dạng nguy cơ đối với trẻ em, bao gồm những hành vi xâm hại và các yếu tố nguy hiểm khác có thể tác động tiêu cực, gây tổn hại tâm lý, danh dự và nhân phẩm, thậm chí là sức khỏe, tính mạng của trẻ.

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, trong tổng số vụ xâm hại trẻ em của năm 2023 và quý I/2024, có hơn 400 vụ lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các thủ đoạn tạo niềm tin với nạn nhân và tiến hành hành vi xâm hại, chủ yếu là nhóm hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Đáng chú ý nạn nhân không chỉ có đối tượng là trẻ em gái, 1 số vụ việc gần đây cho thấy, trẻ em nam cũng là nạn nhân của xâm hại tình dục. Gần đây, loại tội phạm này có sự chuyển dịch, hoạt động mạnh trên môi trường mạng với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhắm vào đối tượng trẻ em để tấn công, gây tổn hại. Ngoài các hành vi xâm hại tình dục, tội phạm này còn tiến hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mua bán tài khoản, vật phẩm game online; cho, tặng điện thoại phục vụ học tập…

Từ năm 2021 đến năm 2023, triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em và ngăn chặn các mối nguy hại đối với trẻ em trên môi trường mạng.

Lực lượng Công an đã chủ động tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền về chính sách, pháp luật trong bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ quyền trẻ em trên môi trường mạng, các nguy cơ, thủ đoạn tội phạm từ môi trường mạng và kỹ năng nhận diện, phòng tránh, xử lý, tập trung trực tiếp vào đối tượng học sinh, phụ huynh, giáo viên và chuyên viên làm công tác trẻ em của các bộ, ngành. Thực hiện đa dạng các phương thức tuyên truyền truyền thống qua phương tiện thông tin đại chúng, triệt để tận dụng các tiện ích của mạng xã hội (Facebook, Zalo). Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm…

Bên cạnh đó, lực lượng công an tăng cường công tác nắm tình hình trên môi trường mạng, phát hiện và triển khai các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn, vô hiệu hóa số lượng lớn các loại thông tin độc hại với trẻ em trên môi trường mạng, giảm nguy cơ trẻ em bị tiếp cận, tác động tiêu cực. Kết quả, lực lượng đã ngăn chặn truy cập từ trong nước đến 30 nghìn trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, dâm ô đồi trụy, cờ bạc trực tuyến, lừa đảo, bạo lực, độc hại đối với trẻ em, thông tin trẻ em bị xâm hại tình dục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; gỡ bỏ, vô hiệu hóa hàng chục nghìn liên kết có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới…

Tại buổi tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng diễn ra cuối tháng 3 vừa qua do Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức, Cục trưởng Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần trang bị “Vắc-xin số cho trẻ em 3 trong 1”, gồm: Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, đặc biệt các chế tài cụ thể để bảo vệ trẻ em, giải quyết vấn đề, vụ việc trẻ em xâm hại trẻ em môi trường mạng; cùng với đó là tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em; các doanh nghiệp hoạt động trên môi trường mạng, cung cấp dịch vụ mạng có giải pháp công nghệ, theo dõi, cảnh báo, chặn lọc, gỡ bỏ các thông tin và hành vi gây tổn hại cho trẻ em trên môi trường mạng...

Gia đình luôn giữ vai trò hàng đầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái đang trở nên mong manh, do các phụ huynh bận rộn mưu sinh, không chú ý đến sự thay đổi bất thường của trẻ. Có một thực tế trẻ em, thanh thiếu niên khi tiếp xúc với những nội dung độc hại trên môi trường mạng thường lựa chọn việc im lặng và cho qua thay vì lên tiếng, báo cáo và tìm kiếm sự hỗ trợ, e ngại tìm đến kênh tiếp nhận và trợ giúp. Điều này là nguyên nhân dẫn tới các vụ việc xâm hại trẻ kể từ khi xảy ra cho đến khi phát hiện là khoảng thời gian dài. Chính vì vậy, gia đình phải là nơi trẻ em bày tỏ những “vướng mắc” đến từ môi trường mạng đầu tiên trước khi “cầu cứu” các kênh khác.

Tỷ lệ trẻ em Việt Nam sử dụng các dịch vụ và ứng dụng trên internet ở mức cao và độ tuổi trung bình tiếp cận, sử dụng các thiết bị thông minh và internet sớm so với thế giới. Đến tháng 3/2023, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó hai phần ba đang tiếp cận và sử dụng các thiết bị kết nối internet. Theo một khảo sát của Google thực hiện năm 2022, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại di động là 9 tuổi và bắt đầu tiếp cận các kỹ năng an toàn mạng là 13 tuổi.