Hành trình theo đuổi và xây dựng ước mơ của Cảnh Trần là cả một chặng đường thật dài. Ước mơ trở thành ca sĩ đến với Cảnh Trần từ khi còn rất nhỏ, nhưng con đường đến với âm nhạc chuyên nghiệp của em chỉ thực sự bắt đầu sau khi tốt nghiệp THPT.
Sinh ra và lớn lên ở Lương Sơn, Hòa Bình, mẹ là người dân tộc Mường, bố là bộ đội đóng quân ở Hòa Bình và lấy mẹ người địa phương, nay đã về hưu, gia đình không có ai theo âm nhạc, Cảnh Trần chỉ có duy nhất trong tay giọng hát. Những ngày đầu khi biết ước mơ của em, cả gia đình ai cũng lo lắng vì biết chắc chắn phía trước sẽ có rất nhiều khó khăn, mà không ai hỗ trợ được cho Cảnh.
Khi được bạn bè khuyên nhủ phải đi học ôn thì mới thi được vào khoa Thanh nhạc, Cảnh cũng rất lo lắng vì không biết lấy tiền đâu để đi học cũng như cho những chi phí khác như ăn ở, đi lại… Và chàng trai đã quyết tâm xây dựng ước mơ của mình từ hai bàn tay trắng.
Rời quê xuống Hà Nội, Cảnh xin đi làm để có tiền trang trải cho việc học thêm. Cảnh kể lại, học xong cấp 3, em chưa biết mình theo gì dù rất thích hát. Em đánh liều bắt xe bus ra Hà Nội, còn không biết chuyến nào, đi đâu, chưa biết sẽ đến đâu, vô tình dừng lại ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cảnh kể lại giây phút đó, khi đứng trước cổng trường, em thấy thích nơi này và mong ước một ngày sẽ trở thành sinh viên của trường. Bố mẹ Cảnh đều không muốn em theo nghề hát. Cảnh lén mua 1 bộ hồ sơ, và phải đến lúc gần thi bố mẹ mới biết ý định của em.
Trước khi thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Cảnh Trần xin đi làm bán vé tại một bể bơi. Bể bơi mở cửa từ 5 giờ sáng đến 21 giờ tối, em phải dậy từ sáng sớm đi làm, sắp xếp tranh thủ học vào buổi trưa rồi lại đi làm. “Những ngày trời mưa, lạnh, dậy sớm, xe bus chạy qua mình không kịp đón, cũng muốn buông xuôi. Giờ nghĩ lại, em thấy mình những ngày ấy thật giỏi.”-Cảnh kể. Cứ miệt mài như vậy cho đến khi em đạt được ước mơ chính thức trở thành sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Cảnh Trần và thầy của mình, NSND Quốc Hưng. |
Khi vào trường, Cảnh Trần gặp thầy, NSND Quốc Hưng. NSND Quốc Hưng cũng là người tạo nên Cảnh như ngày nay. Nhận xét về cậu học trò 7 năm của mình, NSND Quốc Hưng cho biết: “Cảnh Trần đã cố gắng rất nhiều. Em đến với tôi như tờ giấy trắng, tôi dạy từ đầu vào đến bây giờ. Em có tố chất tốt, quan trọng là có đam mê, bám thầy đến cùng. Các buổi học em đến rất sớm rồi, nhưng cả buổi không học em cũng đến để nếu có ai nghĩ là em sẵn sàng lên thế chỗ trống ngay. Giọng hát của em rất đẹp, rất tình. Cảnh là học trò của tôi năm thứ 7 rồi”.
Cuộc thi Hát Thính phòng-Nhạc kịch–Hợp xướng toàn quốc là một trong những ấp ủ của Cảnh Trần khi mới bước chân vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 2019, khi cuộc thi diễn ra, Cảnh đi xem không sót một buổi nào, và mong muốn một ngày nào đó chính mình sẽ được đứng trên sân khấu với tư cách là một thí sinh của cuộc thi. Và Cảnh lại ra sức rèn luyện để thực hiện ước mơ ấy.
Khi được xin ý kiến, NSND Quốc Hưng đã động viên Cảnh đi thi và chia sẻ những kinh nghiệm của thầy. Hai thầy trò cùng nhau chọn và dựng bài suốt những ngày chuẩn bị bước vào thi. Cảnh chia sẻ, khó khăn là chọn bài, phải tính toán rất nhiều vì nếu chọn không khéo sẽ bị trùng tác phẩm dự thi với các thí sinh khác. Ngoài ra, thí sinh còn phải luyện tập và xử lý làm sao để khoe được tốt nhất giọng hát của mình.
Cảnh Trần chia sẻ, khó nhất trong bài thi của mình là những tác phẩm được viết bằng tiếng Đức, tiếng Anh và cả tác phẩm Việt Nam. Trong đó, “Litanei” của Schubert dù là tác phẩm ngắn nhưng phải cần nội lực, cột hơi phải ổn định và phải rất khỏe thì mới thể hiện tốt độ legato của tác phẩm. Bản thân Cảnh phải dành nhiều thời gian để luyện tập cho việc phát âm tiếng Đức phải chuẩn, đặt vị trí âm thanh đúng chỗ thì tác phẩm mới ra đúng tâm hồn của tác giả.
Tác phẩm “The trumpet shall sound” của G. Handel được viết bằng tiếng Anh cũng rất khó về kỹ thuật chạy nốt, âm vực cũng khá rộng, đặc biệt người hát phải mở vị trí âm thanh để khán giả nghe rõ được những phụ âm của tiếng Anh vì hát cổ điển rất khó đặt vị trí cho tiếng Anh.
Tác phẩm “Côn Đảo” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận khi hát cổ điển thính phòng, cần chú ý nhất là phải hát được rõ lời, rõ từng câu chữ để khán giả nghe không bị cứng và hiểu được cả nội dung và cảm xúc. Đây cũng là một thử thách lớn đối với bản thân Cảnh.
Cảnh Trần (thứ 5 từ phải sang) tại lễ trao giải cuộc thi. |
Giành giải Nhất bảng A chung cuộc, cảm giác của Cảnh Trần là xúc động, hạnh phúc và vinh dự. Điều đầu tiên Cảnh nghĩ tới là thầy của mình NSND Quốc Hưng, đây là món quà đầu tiên lớn nhất sau gần 10 năm gắn bó, Cảnh dành tặng cho thầy, cũng như các thầy cô đã dạy dỗ em tại Học viện Âm nhạc Quốc gia.
Nhận xét về Cảnh Trần, NSND Quang Thọ cho biết, ông đã theo dõi Cảnh từ lâu. Cảnh luôn được điểm cao trong các kỳ thi, hầu như cao nhất trong khoa. “Giải thưởng với em xứng đáng. Sự cố gắng của em qua các tác phẩm 2 vòng bảng A, đều đạt tiêu chuẩn cao nhất mà ban giám khảo yêu cầu. Xử lý tiếng Đức rất khó đối với người Việt, nhưng Cảnh đã xử lý được tác phẩm đúng với yêu cầu” – NSND Quang Thọ nhận xét.
Hiện tại Cảnh Trần vẫn vừa học vừa làm để có thêm kinh nghiệm chuyên môn từ các thầy, các anh chị đồng nghiệp. Cảnh cho biết, em mong muốn tiếp tục trau dồi thêm kinh nghiệm để hoàn thiện mình hơn về mặt chuyên môn và từng bước làm nghề một cách chuyên nghiệp. Cảnh Trần cũng mong muốn có được cơ hội cọ xát trên sân khấu thật nhiều, được truyền niềm đam mê âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc thính phòng cổ điển đến với đông đảo khán giả trẻ.