Đây là các sân chơi nghệ thuật do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức.
Diễn ra từ ngày 26/11 đến ngày 2/12/2023, các cuộc thi thu hút 167 thí sinh của 20 đơn vị nghệ thuật trên cả nước đăng ký dự thi, trong đó có 74 thí sinh dự thi ở nội dung độc tấu đàn piano và violon; 33 thí sinh thuộc 10 nhóm dự thi ở nội dung hòa tấu nhạc cụ kèn gỗ và kèn đồng; 60 thí sinh dự thi ở nội dung hát thính phòng - nhạc kịch.
Phát biểu bế mạc các cuộc thi, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhận định: Tuy số lượng thí sinh tham dự hai cuộc thi không nhiều, nhưng trải đều ở các lứa tuổi trong các bảng. Các thí sinh đã trình diễn nghiêm túc, bảo đảm tính chuyên nghiệp và có chất lượng tương đối cao.
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu bế mạc. |
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, ở nội dung độc tấu đàn piano và violon, đã xuất hiện một số tài năng trẻ triển vọng, có những bước tiến về diễn tấu sân khấu, có bản lĩnh. Nhiều em đã làm chủ được kỹ năng và nghệ thuật biểu diễn ở trình độ cao. Đặc biệt, có những em đã thể hiện được cảm xúc âm nhạc và cá tính riêng.
Ở nội dung hòa tấu âm nhạc thính phòng, các nhóm tham gia đã thể hiện khá tốt phần trình tấu, cho thấy trình độ học thuật cũng như kỹ thuật sử dụng nhạc cụ của thí sinh khá cao. Ở mảng thanh nhạc, từ cuộc thi lần này đã xuất hiện nhiều giọng ca trẻ triển vọng.
"Qua hai cuộc thi, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đào tạo được những nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc giao hưởng, thính phòng cổ điển tài năng cho đất nước, góp phần hội nhập quốc tế sâu, rộng và nâng tầm cho nền nghệ thuật âm nhạc của Việt Nam"-Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.
Thứ trưởng đề nghị Cục nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật, Nhà hát liên quan tiếp tục chú trọng nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc cổ điển thính phòng; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ tài năng, nhất là các tài năng trẻ của loại hình nghệ thuật âm nhạc cổ điển thính phòng.
Đánh giá về chất lượng chuyên môn hai cuộc thi, Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Văn Thành, Nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết: Đối với phần thi độc tấu piano, lực lượng thí sinh đến từ hai cơ sở đào tạo là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh khá đồng đều và đã có những tài năng xuất sắc. Trong đó, Bảng B piano được đánh giá là bảng mạnh, có nhiều thí sinh vượt trội cả về trình độ, kỹ thuật và kỹ năng trình diễn; Bảng C cũng có những tiến bộ vượt bậc, với những tác phẩm lớn, có quy mô lớn, tính học thuật chuyên nghiệp cao, đòi hỏi các em phải có tư duy chuẩn mực của trình độ quốc tế.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Văn Thành đánh giá chất lượng nghệ thuật các cuộc thi. |
Với phần thi violon, ưu điểm nổi bật là các thí sinh đã thể hiện được tính chuyên nghiệp trong diễn tấu, bao gồm độ chuẩn xác về âm chuẩn, sự truyền cảm của tiếng đàn, phong cách trình diễn, tính hấp dẫn, lôi cuốn, thể hiện được cá tính và cảm xúc đặc biệt.
Ở nội dung thi hát thính phòng-nhạc kịch-hợp xướng, các thí sinh đã mang đến những tác phẩm rất đúng với quy chế dự thi. Các tác phẩm tự chọn của tác giả nổi tiếng thế giới được các thí sinh thể hiện khá tốt; những tác phẩm của Việt Nam cũng được các thí sinh biểu diễn với chất lượng như những tác phẩm nước ngoài. Song ở một số tiết mục, phần đệm piano chưa nâng được tầm tác phẩm, chưa có những phần đệm hay, chuẩn mực cho tác phẩm Việt Nam, đôi khi còn làm giảm hiệu quả.
“Phải nói rằng, tính chuyên nghiệp của cuộc thi hát thính phòng-nhạc kịch-hợp xướng đã được yêu cầu cao hơn so với những cuộc thi trước, chất lượng hát cổ điển cũng được nâng cao hơn và đặc biệt, đã có những gương mặt, giọng ca tài năng mới", Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Văn Thành khẳng định.
Từ cuộc thi, Hội đồng Nghệ thuật đề xuất cần có kế hoạch dài hơi để đầu tư cho bồi dưỡng, đào tạo những tài năng biểu diễn âm nhạc thính phòng; có kế hoạch sắp xếp lịch thi hợp lý hơn; đưa quy chế tổ chức, chấm thi theo chuẩn mực quốc tế; và nên có thêm những cuộc thi Mùa thu, hát Thính phòng-Nhạc kịch-Hợp xướng mở rộng với yếu tố quốc tế để sự nghiệp chăm sóc, đào tạo tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam cập nhật theo trình độ thế giới.
Chung cuộc, Ban Tổ chức đã trao 43 giải thưởng cho các thí sinh có tiết mục dự thi xuất sắc.
Trao giải thưởng cho các thí sinh xuất sắc. |
Cụ thể, ở nội dung độc tấu piano, Bảng A có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba; Bảng B có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba; Bảng C có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba.
Ở nội dung độc tấu violon, Bảng A có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba; Bảng B có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì;
Ở nội dung thi hòa tấu, Bảng A có 2 giải Nhì; Bảng B có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba.
Ở nội dung thi hát thính phòng-nhạc kịch-hợp xướng, Bảng A có 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba; Bảng B có 3 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba.
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 2 Giải dành cho người đệm đàn piano hay nhất.