Cần đánh giá khách quan và có ứng xử phù hợp với xe hợp đồng

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, tính đến hết tháng 9/2023, cả nước có 349.000 xe khách, trong đó có 17.682 xe tuyến cố định, 245.587 xe hợp đồng, còn lại là xe du lịch, xe ta-xi, xe buýt.
0:00 / 0:00
0:00
Phòng chờ dành cho hành khách tại Công ty TNHH X.E Việt Nam.
Phòng chờ dành cho hành khách tại Công ty TNHH X.E Việt Nam.

Số lượng lớn như vậy, nhưng theo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bấy lâu nay xe hợp đồng vẫn "mang tiếng" là nguyên nhân chính của tình trạng "xe dù, bến cóc" và đề nghị được ứng xử bình đẳng, công bằng như các loại hình vận tải khác.

Khi tìm hiểu về việc này, chúng tôi cũng đã trực tiếp trao đổi một số người thường xuyên sử dụng xe hợp đồng để tìm hiểu rõ vì sao họ lại chọn loại hình kể trên.

Cần đánh giá khách quan

Anh Lê Tuấn Anh có gia đình ở Nam Định, làm việc cho một công ty liên doanh nước ngoài tại Hà Nội, hầu như tuần nào anh cũng đi về mấy lần.

"Trước kia tôi có ra bến xe, nhưng đi xe khách mất nhiều thời gian, nhất là hôm nào xe vắng, xe vừa đi vừa bắt khách có khi mấy tiếng mới về đến nhà. Gần hai năm nay, tôi chọn xe hợp đồng vì thấy chất lượng xe tốt hơn, đặt xe dễ dàng, không chạy "rùa bò" và thời gian tiết kiệm ít nhất được một tiếng", anh Tuấn Anh chia sẻ.

Thực tế cho thấy, nhiều người cũng lựa chọn như anh Lê Tuấn Anh, thay vì đi ra bến xe khách, thì họ lại chọn đến các văn phòng xe chạy hợp đồng vì chất lượng dịch vụ khá tốt, xe chạy đúng giờ.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện loại hình này có xu hướng gia tăng do đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về sự thuận tiện, giá cả hợp lý. Tuy nhiên việc thiếu các điểm dừng đỗ cho xe hợp đồng và xe du lịch dẫn đến các phương tiện này dừng, đỗ tự do, thường tập trung tại khu vực trung tâm thành phố, góp phần gây ùn tắc giao thông. Thành phố Hà Nội chưa có quy hoạch, bố trí hạ tầng đủ để phục vụ hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là đối với các loại hình kinh doanh xe hợp đồng.

Trong khi các bến xe và các tuyến cố định vắng khách, lực lượng chức năng phải căng mình xử lý "xe dù, bến cóc", thì các doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng cho biết cũng "chẳng sung sướng gì" vì phải vận dụng linh hoạt cơ chế để kinh doanh.

Theo ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH X.E Việt Nam, thực tế các xe hợp đồng cũng muốn vào bến, nhưng khách lại không muốn đến bến xe để đi xe, bởi nếu vào bến đi xe khách, như từ Hà Nội đi Nam Định trung bình phải mất từ 2 giờ 30 phút đến 3 giờ, trong khi bình thường đi xe hợp đồng chỉ mất 1 giờ 30 phút, người dân có thể chủ động, tiết kiệm thời gian hơn.

Chia sẻ những khó khăn khi hoạt động, ông Lê Ngọc Nam cho biết, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định không được đón, trả khách ở văn phòng, địa điểm kinh doanh, dẫn đến tình trạng xe phải chạy lòng vòng, tiềm ẩn mất an toàn cao hơn. Hay như việc thực hiện quy định: "Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô-tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp", doanh nghiệp phải "lách" bằng cách đảo tuyến thường xuyên. Trong khi nếu lái xe đã chạy một cung đường quen thuộc sẽ am hiểu giao thông tốt hơn là "nay tuyến này, mai tuyến khác".

Có ý kiến cho rằng, xe hợp đồng "vợt" khách của xe tuyến cố định. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Nam, phải đánh giá chính xác nguyên nhân từ đâu. Bởi lẽ một số doanh nghiệp hoạt động xe tuyến cố định vẫn rất tốt như Hoàng Long, Văn Minh… Khách hàng khi bỏ tiền ra thì sẽ lựa chọn dịch vụ nào tốt nhất từ chất lượng phục vụ đến thời gian đi xe. Hiện nay, công suất, hạ tầng các bến xe cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, doanh nghiệp không chủ động được dịch vụ. "Bến xe hoạt động theo giờ, nhưng có khi chúng tôi hoạt động cả ngày cả đêm để phục vụ hành khách. Các nhà xe muốn có không gian riêng cho khách ngồi chờ, nhà vệ sinh cũng bảo đảm, liệu có được đáp ứng?", một doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng nói. Các doanh nghiệp muốn hoạt động một cách chính danh và sẵn sàng tuân thủ, bảo đảm đầy đủ các điều kiện về an toàn và nghĩa vụ tài chính.

Mong ứng xử bình đẳng hơn

Bà An Thị Hồng Thanh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Hà Lan có trụ sở ở tỉnh Thái Nguyên cho rằng, hiện các quy định đang làm khó các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này và nếu tiếp tục được sửa đổi theo hướng siết chặt hơn, thì hoạt động của các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Dù là chủ thể bị tác động rất lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp xe hợp đồng cho biết, họ không được lấy ý kiến và đề nghị cơ quan chức năng cần tính toán hài hòa cho cả lợi ích doanh nghiệp, tránh tình trạng "không quản được thì cấm". Trong khi đó, nếu tiếp tục siết chặt xe hợp đồng sẽ "tạo điều kiện" cho loại hình "xe ghép" bùng phát. Hiện nay, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Thái Nguyên…, mỗi tỉnh có cả nghìn xe dạng này hằng ngày đi về Hà Nội.

Theo bà An Thị Hồng Thanh, việc cải thiện chất lượng dịch vụ xe tuyến cố định rất chậm. Trong khi đó, người dân bỏ tiền ra mua dịch vụ thì phải được phục vụ tốt nhất. "Không phải ngẫu nhiên khách hàng bỏ tiền ra đi xe Hà Lan với giá cao hơn, 140 nghìn đồng/người từ Thái Nguyên đi Hà Nội, trong khi xe khách chỉ có 80 nghìn đồng/vé vẫn khó thu hút. Bởi lẽ chúng tôi lấy chất lượng phục vụ lên hàng đầu, dù có một khách lên xe nhưng đến giờ cũng đi, xe chạy rất chính xác, không chạy lòng vòng, tiết kiệm ít nhất một giờ đồng hồ cho khách và cũng đỡ thời gian chờ đợi mệt mỏi", bà An Thị Hồng Thanh nói.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng cho rằng, nếu nói doanh nghiệp chạy xe hợp đồng trốn thuế, vậy phải kiểm tra xem thực tế doanh nghiệp đóng thuế thế nào. Doanh nghiệp cũng sẵn sàng kết nối dữ liệu với Tổng cục Thuế để không mang tiếng là trốn thuế, làm thất thu thuế của Nhà nước. Hay vấn đề an toàn, gây mất trật tự giao thông, hiện nay, tất cả các xe đều đã lắp camera giám sát, cơ quan quản lý có thể kiểm tra bất cứ lúc nào, xem xe có chạy sai hành trình, sai số lượng hành khách hay không.

"Chúng tôi có bộ phận chuyên giám sát, chỉ cần qua màn hình thấy lái xe sử dụng điện thoại trong khi điều khiển phương tiện là chấn chỉnh, xử lý ngay. Vì nếu xảy ra vấn đề gì về an toàn, doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều", lãnh đạo Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Hà Lan nói.

Đối với ý kiến cho rằng xe hợp đồng dừng, đỗ bắt khách tùy tiện, nhiều ý kiến đề xuất xây dựng quy chuẩn các điểm đón trả khách hoặc các điểm dừng đỗ cho xe hợp đồng và doanh nghiệp sẵn sàng tuân thủ.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho rằng, trong hoạt động vận tải hành khách bằng ô-tô nói chung và xe khách, xe hợp đồng nói riêng, mô hình quản lý theo các bến cố định đã lỗi thời và cần được thay đổi. Hiện nhiều nước trên thế giới đã không còn bắt buộc xe khách phải vào bến tập trung như cách làm hiện nay ở nước ta, mà họ cho các doanh nghiệp vận tải tự chủ động xây dựng các điểm dừng đón-trả khách trên lộ trình di chuyển của mình. Những điểm đó phải đúng quy chuẩn, được các cơ quan có thẩm quyền cho phép và doanh nghiệp vận tải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong hoạt động tại các điểm đó.

"Nên coi xe hợp đồng là dịch vụ vận tải công cộng để được ứng xử bình đẳng, phù hợp", đại diện Công ty TNHH X.E Việt Nam kiến nghị.