Ứng phó với “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh

NDO -

“Thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh xảy ra trên thế giới đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và các quốc gia. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khá phức tạp, cần xây dựng kế hoạch cụ thể chủ động ứng phó với thiên tai khi mùa mưa bão đang đến gần.

Cần xây dựng kế hoạch cụ thể chủ động ứng phó với thiên tai khi mùa mưa bão đang đến gần. (Ảnh minh họa báo dantoc.vn)
Cần xây dựng kế hoạch cụ thể chủ động ứng phó với thiên tai khi mùa mưa bão đang đến gần. (Ảnh minh họa báo dantoc.vn)

Để chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với tổ chức UNICEF tại Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn trực tuyến hướng dẫn xây dựng kế hoạch Phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đồng thời xây dựng các tài liệu hướng dẫn giúp các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai bảo đảm mục tiêu chống dịch.

Những bài học từ thảm họa kép

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo tập huấn ngày 22/7, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tiến đã đưa ra những bài học về “thảm họa kép” thiên tai dịch bệnh xảy ra trên thế giới.

Cụ thể như gần đây nhất tại Ấn Độ, cơn bão rất mạnh Tauktae đổ bộ ngày 17/5 đã làm 152 người chết và mất tích, gần 150 nghìn người phải đi sơ tán, cơn bão xảy ra gây áp lực hơn cho chính quyền địa phương khi đang phải đối mặt với khủng hoảng dịch bệnh Covid19; Trận lũ lụt kinh hoàng tại khu vực Tây Âu, chủ yếu tại Đức, Bỉ và Hà Lan, nơi được công nhận là thành trì vững trãi nhất về phòng chống thiên tai, khiến cho gần 200 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và mất tích. Nước đã rút, hiện nay Đức và Bỉ vẫn đang tập trung tìm kiếm những người mất tích và giải quyết hậu quả sau lũ lụt. Đây là trận lũ lụt lịch ở khu vực trong vòng 100 năm qua và đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Thanh An, Quyền Trưởng Chương trình Chính sách Xã hội và Quản trị - tổ chức UNICEF tại Việt Nam nhận định, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tới từng khía cạnh của cuộc sống, từng gia đình và từng người dân, đặc biệt là nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất như trẻ em.

Ứng phó với “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh -0
Toàn cảnh Hội thảo tập huấn trực tuyến hướng dẫn xây dựng kế hoạch Phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại điểm cầu Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Theo đánh giá nhanh của UNICEF, số trẻ em tới tiêm chủng ở các trạm y tế xã đã giảm hơn 2/3 trong thời gian giãn cách xã hội. Sự chậm trễ trong việc tiêm chủng cho trẻ em có thể dẫn tới tái xuất hiện một số bệnh mà vốn có thể kiểm soát được tốt như sởi, rubella hay bạch hầu.

“Qua khảo sát của UNICEF tại Việt Nam, rất nhiều hộ gia đình nghèo cho biết họ đã phải cắt giảm bữa ăn từ khi dịch Covid-19 xảy ra, nhất là những thời điểm thực hiện giãn cách xã hội và họ phải nghỉ việc. Đại dịch Covid-19 và thời gian giãn cách xã hội khiến nguồn lực và hoạt động phòng chống thiên tai gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nguy cơ thiệt hại khi thiên tai xảy ra ngày các lớn”, bà An nói.

Bài toán để giảm thiểu thiệt hại từ “thảm họa kép”

Ông Lý Phát Việt Linh, Chuyên gia về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai UNICEF đưa ra bài toán cần phải làm gì trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra tại một địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội do Covid. Ông đưa ra các thách thức kép phòng dịch bệnh trong thiên tai như việc quản lý di dời, sự quá tải tại các địa điểm sơ tán, việc mua sắm hàng hóa, di chuyển. Bên cạnh đó ông cũng đưa ra thách thức khoảng trống về năng lực, truyền thông, nguồn lực khi xảy ra khủng hoảng kép.

Theo chuyên gia, cần phải phát huy tối đa phương châm bốn tại chỗ, thực hiện nghiêm 5K + vaccine của Bộ y tế và kèm chiến lược vaccine, cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng giai đoạn phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh có lưu ý đế vấn đề tâm lý đối với trẻ em khi phải đi sơ tán.

Đặc biệt, dưới góc nhìn của tổ chức quốc tế bảo vệ trẻ em UNICEF, ông Lý Phát Việt Linh đặc biệt đưa ra những lưu ý về việc truyền thông giáo dục cha mẹ và người chăm sóc trẻ về cách giảm thiểu lây lan bệnh tật và thông điệp 5k trong bối cảnh "thảm họa kép" và vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ em

Ứng phó với “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh -0
 Ông Lý Phát Việt Linh - Chuyên gia về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai - Tổ chức UNICEF chia sẻ tại hội thảo.

Dưới phân tích của chuyên gia y tế, ông Nguyễn Công Sinh hướng dẫn chi tiết lực lượng xung kích cấp xã những lưu ý chung và theo từng giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, lực lượng xung kích cũng như người dân cần thực hiện đầy đủ các bước về khai báo y tế; chuẩn bị hóa chất, vật tư y tế dự trữ cho tình huống thiên tai; Tăng sức miễn dịch cho cộng đồng Phòng chống Covid 19; Chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu sơ tán.

Để bảo đảm không lây lan dịch bệnh khi phải sơ tán, cần bố trí các nhóm người vào nhiều khu hợp lý khác nhau như nhóm F1/ nhóm nghi nhiễm, nhóm nguy cơ thấp, không có triệu chứng, sắp xếp ưu tiên cho các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người có bệnh nền nghiêm trọng, phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em, người tàn tật. Đặc biệt lưu ý về các vấn đề về vệ sinh, khử khuẩn, nước sạch và an toàn thực phẩm tại nơi sơ tán.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Ái - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai nhận định: Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai và dịch bệnh.

“Công tác truyền thông giúp cung cấp thông tin, kỹ năng, nâng cao kiến thức, khuyến khích thực hành và thu nhận ý kiến phản hồi một cách nhanh nhất giúp người dân sẵn sàng ứng phó để hạn chế tối đa tác động của thiên tai, dịch bệnh. Thông tin phải đi trước một bước, phải nhanh hơn thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và đến được với tất cả mọi người”, bà Ái nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thúy Ái đã đưa ra những phân tích chuyên môn cụ thể với 10 nguyên tắc truyền thông trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19, ưu tiên các hình thức truyền thông đại chúng/trực tuyến để hạn chế lây lan dịch bệnh Covid 19 (Lưu ý nhóm đối tượng dễ tổn thương).

Những nhiệm vụ trọng tâm

Kết luận Hội thảo tập huấn, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tiến đưa ra nhiệm vụ trọng tâm cho lực lượng xung kích địa phương trong thời gian tới để chủ động ứng phó với tình huống "thảm họa kép" thiên tai và dịch bệnh.

Ứng phó với “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh -0
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu tại Hội thảo. 

Cụ thể: Chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chung tay cùng cả nước chống dịch, dập dịch Covid-19 khẩn trương, hiệu quả. Để nếu khi thiên tai xảy ra, chúng ta chỉ còn phải tập trung phòng chống thiên tai theo các kế hoạch, phương án và kịch bản đã chủ động xây dựng.

Chủ động rà soát các phương án ứng phó cụ thể với các tình huống thiên tai có thể xảy ra ở địa phương trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt phương án sơ tán dân, rà soát các địa điểm sơ tán, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân và an toàn cho lực lượng phòng chống thiên tai.

Trang bị kịp thời các trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Để bổ sung các phương án ứng phó phòng chống thiên tai của địa phương bảo đảm thiết thực hiệu quả. Đặc biệt là việc tổ chức tập huấn kỹ năng cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông hướng dẫn kỹ năng cho các cấp và người dân để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra, bảo đảm mỗi người dân đều nắm được các hướng dẫn kỹ năng an toàn trong bối cảnh “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh Covid-19 xảy ra…