Ứng phó triều cường ở Tây Nam Bộ

Vào thời điểm này, triều cường đang lập đỉnh khiến nước sông dâng cao, gây ngập sâu nội ô các tỉnh, thành phố; đồng thời đe doạ các khu vực sản xuất của người dân ở miền Tây Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Nước ngập sâu khiến giao thông thành phố Cần Thơ ùn tắc, người dân di chuyển khó khăn.
Nước ngập sâu khiến giao thông thành phố Cần Thơ ùn tắc, người dân di chuyển khó khăn.

Mặc dù đã được dự báo và có nhiều giải pháp ứng phó từ trước nhưng triều cường vẫn gây ra nhiều ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống người dân các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Gây ngập nội ô, đe dọa sản xuất

Theo bản tin của Đài khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ, mực nước đo được trên sông Hậu vào sáng và chiều 3/10 ở mức 2,01 m và 2 m, vượt và chạm mức báo động ba. Đỉnh triều cao nhất ghi nhận được trên sông Hậu vào sáng 2/10 là 2,13 m, vượt mức báo động ba 13 cm. Đợt triều cường của con nước rằm tháng 8 âm lịch bắt đầu dâng cao từ ngày 30/9, khiến nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố Cần Thơ bị ngập.

Đặc biệt trong ngày 2/10, triều cường lập đỉnh vào lúc 6 giờ 30 phút, gây ngập sâu nhiều tuyến đường trung tâm quận Ninh Kiều. Thời điểm này lại là cao điểm của ngày thứ hai đầu tuần khi mọi người bắt đầu đến cơ quan, công sở làm việc, học sinh đến lớp. Một số tuyến đường bị ngập sâu như Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám, Xô Viết Nghệ Tĩnh, xe máy, ô-tô xếp thành hàng dài nối đuôi nhau vượt nước. Đến sáng 3/10, tình trạng ngập sâu vẫn tiếp diễn ở nhiều tuyến đường trung tâm thành phố.

Các em học sinh cấp 2, cấp 3 ở một số trường phải xắn quần lội bì bõm trong nước vài trăm mét để tới trường. Nhiều phụ huynh phải lội nước, bế hoặc cõng con trên tay, trên lưng đưa vào lớp vì nước ngập sâu, xe máy, ô-tô đi vào có nguy cơ bị chết máy, hư hỏng. Hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh, hàng quán bị ngập nước, phải đóng cửa tạm nghỉ chờ nước rút.

Cơn mưa to kéo dài hàng giờ chiều 2/10 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, kết hợp triều cường trên sông dâng cao khiến hầu hết các tuyến đường khắp các địa phương ngập trong biển nước. Nước tràn vào nhà gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân.

Do mưa lớn nước ngập sâu ngay giờ học sinh tan trường, làm một số phương tiện giao thông gặp sự cố tắt máy, các em học sinh phải lội xuống đường, gây ùn tắc giao thông trong thời gian dài.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung, Trần Văn Nguyên cho biết, triều cường xấp xỉ báo động cấp ba đã đe dọa khoảng 5.000 ha cây ăn trái, gần 3.000 ha rau màu, 2.700 ha mía và hơn 4.000 ha nuôi trồng thủy sản. “Đây là một trong những địa phương hằng năm chịu tác động mạnh từ các đợt triều cường dâng do địa hình thấp, bao quanh bởi sông nước. Đặc biệt, huyện có chiều dài đê sông lên đến hơn 80 km, đê biển 17 km và 360 con kênh, rạch chằng chịt, tuyến bờ bao trong dân tương đương 1.000 km”, ông Nguyên cho biết.

Tại Tiền Giang, triều cường giữa tháng 8 âm lịch là mối nguy đối với nhiều diện tích trồng cây ăn trái ở các huyện Cái Bè, Châu Thành, thị xã Cai Lậy. Ông Nguyễn Văn Bé, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy trồng một héc-ta sầu riêng xen mít gần 5 năm tuổi. Triều cường đã đe dọa vườn cây ăn trái của gia đình ông và người dân chung quanh. “Tôi phải mua gần bốn triệu đồng màng phủ nông nghiệp về bao quanh vườn rồi bơm nước ra thường xuyên và cử người luân phiên đi kiểm tra vì sợ vỡ đê”, ông Bé nói.

Tập trung ứng phó, hạn chế thiệt hại

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh cho biết, ban vừa có công văn gửi các địa phương về việc cảnh báo triều cường trên địa bàn tỉnh. Theo nhận định, từ nay đến mùa khô 2023-2024 còn ba đợt triều cường nữa. Trong đó, đợt triều cường rằm tháng 9 và rằm tháng 10 âm lịch sẽ lập đỉnh ở mức cao và đe dọa trực tiếp vườn cây ăn trái cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.

Nhằm tránh thiệt hại do triều cường gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là các xã ven sông Tiền khẩn trương kiểm tra và triển khai thực hiện sửa chữa, gia cố, nâng cấp những đoạn đê bao, bờ bao thấp; các cống, đập để bảo đảm ngăn đợt triều cường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, tỉnh đã có kế hoạch về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023; kế hoạch thực hiện chiến lược thủy lợi tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ứng phó triều cường ở Tây Nam Bộ ảnh 1

Một hộ nuôi ong ở Phường 10, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) bị triều cường gây ngập.

Sóc Trăng đã đưa vào sử dụng các cống Ba Rẹt, Ngan Rô, Xóm Chùa nhằm bảo đảm điều tiết nước cho các vùng sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh nâng cấp hơn 22 km đê biển; xây dựng mới hai tuyến đê sông Cồn Tròn và Bến Bạ có chiều dài hơn 39 km đê sông của huyện Cù Lao Dung; thi công Dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long để khắc phục sạt lở bờ sông Rạch Vọp chiều dài 575 m tại huyện Kế Sách, đê chống sạt lở bờ biển chiều dài 2.200 m tại thị xã Vĩnh Châu; khởi công Dự án xây mới Cống Âu thuyền Rạch Mọp, thuộc Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam Sông Hậu.

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, ngay từ đầu năm, thành phố đã phát động thủy lợi mùa khô, gia cố đê bao, nạo vét kênh để lưu thông dòng chảy.

Thời gian qua, thành phố tiến hành cải tạo, lắp cống ở 32 tuyến đường thuộc dự án Cải tạo hệ thống thoát nước quận Ninh Kiều với kinh phí hơn 280 tỷ đồng để hỗ trợ thoát nước cho hệ thống cống cũ khi có mưa lớn.

Ban cũng yêu cầu ngành chức năng và chính quyền địa phương rà soát những điểm ngập sâu để có cảnh báo, thậm chí cấm đường tạm thời, điều tiết phân luồng giao thông để bảo đảm an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, căn cứ tình trạng ngập nước, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ linh động tổ chức giờ đến trường và giờ tan học để “né lũ”. Còn trong thời điểm ngập nước, tại các tuyến đường, điểm ngập sâu trong nội ô thành phố đều bố trí lực lượng cảnh sát giao thông, công an phường, đoàn thanh niên, dân phòng hỗ trợ người đi đường, điều tiết giao thông, giảm ùn tắc.

Tuy nhiên, giải pháp ứng phó lâu dài và bền vững nhất là dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị có tổng mức đầu tư 9.167 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (hơn 5.697 tỷ đồng) do Ban Quản lý Dự án ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Bên cạnh việc góp phần chỉnh trang đô thị, dự án còn bao gồm hệ thống kè dọc theo các khu vực bờ sông, xây dựng, cải tạo hệ thống cống, cải tạo, nạo vét nhiều kênh rạch và các âu thuyền, các trạm bơm để bảo vệ vùng lõi 2.600 ha của trung tâm thành phố trước rủi ro ngập lụt. “Dự án này còn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong quản lý rủi ro thiên tai.

Khi có lũ hay nước sông dâng cao chỉ cần vận hành hệ thống cống, âu thuyền để ngăn nước tràn vào nội ô và vận hành các trạm bơm để bơm nước từ nội ô ra sông khi có mưa lớn. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6/2024, khi đó, vấn đề ngập lụt trong nội ô thành phố sẽ được khắc phục”, ông Nguyễn Quí Ninh cho biết.