Báo động học sinh vi phạm an toàn giao thông

Thời gian gần đây, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng… diễn ra tràn lan, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang tham gia giao thông.
Học sinh không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang tham gia giao thông.

1/Xuất phát từ việc cho tiện di chuyển, đỡ phải đưa đón, nhiều phụ huynh đã sắm cho con em mình xe gắn máy. Tuy nhiên việc này lại vô tình đem tới nhiều hệ lụy khó thể lường trước. Việc thanh, thiếu niên phóng nhanh, đánh võng, bốc đầu, đi ngược chiều, kẹp ba, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ… không phải là hiếm gặp. Bên cạnh đó, phần đông các em điều khiển loại xe phân khối lớn (trên 50cc), hầu hết đều chưa có bằng lái, chưa đủ tuổi sử dụng phương tiện tham gia giao thông.

Theo Luật Giao thông đường bộ, người đủ từ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe gắn máy dưới 50cc (bao gồm xe máy điện) mà không cần có giấy phép lái xe. Do đó, nhiều gia đình đã trang bị cho con, em mình những chiếc xe này làm phương tiện tới trường. Tốc độ của xe vẫn có thể đạt tới tối đa 60km/giờ. Trong khi các em cũng là những nhân tố tham gia giao thông, có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng giao thông. Chính vì vậy, đây là thực trạng rất đáng lo ngại, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tai nạn giao thông tăng cao, gây bất an cho nhiều người tham gia giao thông.

Cô Lê Minh Nguyệt (60 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc: “Vừa hôm trước, tôi đang đi ở phố Hai Bà Trưng bị hai thanh niên vẫn mặc nguyên đồng phục Trường THPT Việt Đức, đầu trần, phóng nhanh, tạt đầu, mình phanh dúi dụi, may không ai việc gì. Các con đi học, phải di chuyển nhiều, thôi thì thông cảm, nhưng các bố mẹ phải là người hướng dẫn, răn đe, cũng như dạy bảo các con, chứ để ra đường thế này thì nguy hiểm quá”.

2/Đáng băn khoăn, việc khắc phục hoàn toàn được tình trạng học sinh vi phạm giao thông đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi ngay chính phụ huynh học sinh đang vô tình là người hậu thuẫn cho các em, từ việc mua xe đến sự thiếu nhắc nhở, răn đe. Phía nhà trường và cơ quan chức năng chỉ có thể hỗ trợ một phần dựa trên việc tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông và hướng dẫn các em các quy tắc bảo đảm an toàn. Học sinh đi xe gắn máy gửi bên ngoài, nên nhà trường cũng khó kiểm soát.

Hiện tại, theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đối với trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô-tô có dung tích xi-lanh từ 50cm³ trở lên thì bị phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, dẫn đến nhiều trường hợp khi các em bị lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản, bố mẹ các em lại chính là người lập tức lên… đóng phạt để con em tiếp tục tham gia giao thông.

Cũng có trường hợp, phụ huynh đưa đón con cũng không đội mũ bảo hiểm cũng như thiếu chấp hành đúng luật lệ giao thông. Từ đó vô tình tự biến mình thành một tấm gương xấu cho các con. Chính vì vậy, bản thân mỗi phụ huynh cũng cần chấp hành nghiêm chỉnh luật, tạo các thói quen tốt khi tham gia giao thông ngay từ khi các con còn nhỏ. Khi có ý định, phụ huynh nên cân nhắc trước khi mua xe máy cho con. Bên cạnh đó, cần trang bị kiến thức đầy đủ, thường xuyên theo dõi và phối hợp với nhà trường, nhắc nhở để con em chấp hành tốt pháp luật về an toàn giao thông... Đây là những việc làm cần thiết để bảo vệ các em cũng như những người tham gia giao thông.

Anh Đỗ Nhật Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) băn khoăn cho rằng, dẫu biết là trái với quy định của ngành giáo dục và nhà trường, nhưng do các con phải đi học thêm quá nhiều, các điểm lại xa nhau, để bảo đảm được đúng giờ, anh vẫn phải sắm cho con chiếc xe máy. “Mình cũng chỉ có thể nhắc nhở con đi đứng cẩn thận, mũ đội cẩn thận chứ không thể kè kè bên cạnh được, lúc ở nhà thì cũng đội đấy nhưng ra đường lại bỏ ra thì cũng khó”, anh nói.