Từng bước nâng cao chất lượng ghép phổi

NDO - Sau 3 năm ghép phổi, bệnh nhân N.X.T (Bỉm Sơn, Thanh Hoá) đã có một cuộc sống mới khỏe mạnh kỳ diệu. Ông là bệnh nhân được ghép phổi thành công toàn diện nhất tại Việt Nam, đạt mức độ cao nhất như ở Đại học University of California, San Francisco (UCSF) tại Hoa Kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư Jasleen Kukreja chia sẻ về chủ đề “Tổng quan về tình hình ghép phổi tại Đại học California, San Francisco, Hoa Kỳ”.
Giáo sư Jasleen Kukreja chia sẻ về chủ đề “Tổng quan về tình hình ghép phổi tại Đại học California, San Francisco, Hoa Kỳ”.

Ngày 16/5, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), Hội Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia tổ chức hội thảo y học kỹ thuật cao với chủ đề “Ghép phổi và Y học tái tạo tại Hoa Kỳ và Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.

Hội thảo có sự tham dự hai chuyên gia về ghép phổi và ECMO đến từ Đại học University of California, San Francisco (UCSF) tại Hoa Kỳ.

Thành tựu ghép phổi tại Việt Nam

Bệnh phổi là nguyên nhân gây tàn tật và tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, ghi nhận tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương có khoảng 6,7% ca bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 6-7% ca mắc bệnh phổi mô kẽ phải điều trị suốt đời. Nhiều trường hợp chỉ có cơ hội sống khi được ghép phổi. Tuy nhiên, kỹ thuật ghép tim phổi hiện là kỹ thuật khó nhất và việc hồi sức tim phổi từ người hiến cũng gặp rất nhiều thách thức.

Đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công 9 ca ghép phổi, trong đó có 1 ca tại Bệnh viện Trung ương Huế, 1 ca tại Bệnh viện Quân y 103, 4 ca tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, 3 ca tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trong số đó, có 2 ca sau ghép phổi còn sống là 1 ca tại Bệnh viện Quân y 103 và 1 ca tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Năm 2020, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép phổi cho ông N.X.T (Thanh Hóa) bị xơ phổi giai đoạn cuối. Ca phẫu thuật được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF - 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ.

Từng bước nâng cao chất lượng ghép phổi ảnh 1

Hai Giáo sư thăm hỏi người bệnh N.X.T sau 3 năm ghép phổi.

Toàn bộ quy trình chuẩn bị từ người chết não cho tạng và người chờ ghép phổi đều được đánh giá, chẩn đoán, điều trị chặt chẽ theo tiêu chuẩn của Trung tâm ghép tim phổi Trường Đại học UCSF. Đây là ca ghép phổi thành công toàn diện nhất, đạt mức độ cao nhất như ở Đại học UCSF.

Sau gần 3 năm được thực hiện ghép phổi, người bệnh phục hồi tốt và hoàn toàn khỏe mạnh, chức năng hô hấp ổn định. Đây là ca phẫu thuật được các chuyên gia đánh giá là thành công nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh Việt Nam đã triển khai nhiều ca ghép phổi từ người cho bị chết não nhưng tỷ lệ thành công không cao, thời gian sống của người được cho sau ghép phổi không dài.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, tính đến ngày 11/5/2023, số người đăng ký hiến tạng là 72.432 người. Việt Nam đã thực hiện được 7.498 ca ghép tạng (từ năm 1992 đến 31/3/2023).

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ghép phổi

Tại hội thảo, Giáo sư Jasleen Kukreja, bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật, chuyên gia về ghép phổi, Giám đốc Chương trình ghép phổi, Đại học California, San Francisco đã chia sẻ về chủ đề “Tổng quan về tình hình ghép phổi tại Đại học California, San Francisco, Hoa Kỳ”.

Giáo sư Marek Brzezinski, bác sĩ chuyên ngành gây mê, chuyên gia về kỹ thuật ECMO, Đại học California, San Francisco chia sẻ những kinh nghiệm trong “Những ứng dụng của ECMO trong phẫu thuật tim phổi, ghép phổi tại Đại học California, San Francisco”. Hai chuyên gia cũng đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực ghép phổi.

Theo Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, gánh nặng bệnh phổi có chiều hướng gia tăng đáng kể nhất là sau giai đoạn đại dịch Covid-19 càng làm cho nhu cầu phát triển các kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Các bài chia sẻ, trình bày đã cung cấp bức tranh tổng quan về tình hình ghép phổi tại Đại học California, San Francisco cũng như tình hình ghép mô tạng, ghép phổi, phẫu thuật tim hở tại Việt Nam; vai trò của tế bào gốc và tế bào miễn dịch trong điều trị bệnh phổi giai đoạn cuối.

Từng bước nâng cao chất lượng ghép phổi ảnh 2

Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

Các chuyên gia cũng cập nhật về ứng dụng của ECMO trong phẫu thuật tim phổi, ghép phổi và triển vọng của ghép phổi tạo cơ hội nâng cao thời gian và chất lượng sống cho bệnh nhân xơ phổi, bệnh phổi kẽ giai đoạn muộn.

"Những chia sẻ của 2 chuyên gia đã giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện nói riêng và nhân viên y tế tại Việt Nam nói chung", Tiến sĩ Lượng nói.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, hội thảo là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của bệnh viện hướng tới phát triển 2 nhóm kỹ thuật cao về ghép phổi và y học tái tạo, cũng là mũi nhọn công nghệ cao của ngành y tế.

Bộ Y tế nhất trí ủng hộ định hướng phát triển hai mũi nhọn công nghệ cao về ghép phổi và y học tái tạo mà Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất.

Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Phổi Trung ương làm đầu mối, phối hợp với các vụ, cục liên quan, Bảo hiểm Xã hội và các đối tác hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cao về ghép phổi và y học tái tạo, gắn với thanh toán bảo hiểm y tế; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực chuyên môn; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế.