Mở hướng mới chữa trị bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn

Mô hình chăm sóc bệnh nhân hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại cộng đồng được khởi xướng bởi PGS, TS, BS Lê Thị Tuyết Lan vào năm 2000 từ Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu tăng độ tiếp cận điều trị bệnh cho các bệnh nhân trên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS, BS Lê Thị Tuyết Lan trình bày trong Hội thảo khoa học nhân ngày mạng lưới Quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD trong cộng đồng (Asthma Community Out patient Care Unit-ACOCU) và ngày COPD toàn cầu 2022.
PGS, TS, BS Lê Thị Tuyết Lan trình bày trong Hội thảo khoa học nhân ngày mạng lưới Quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD trong cộng đồng (Asthma Community Out patient Care Unit-ACOCU) và ngày COPD toàn cầu 2022.

Trên toàn cầu, hiện có khoảng 384 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), cứ mỗi 10 giây có 1 người tử vong do COPD và con số vẫn đang tiếp tục gia tăng. Tại Việt Nam, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm 73.7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong, trong đó bệnh hô hấp mạn tính chiếm tỷ lệ cao thứ 3.

PGS, TS, BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Liên Chi hội hen-dị ứng-miễn dịch lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cho biết, những bệnh nhân hen và bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính lên cơn cấp thì phải cấp cứu ngay, nhiều bệnh nhân xe cấp cứu chưa đến được bệnh viện đã tắt thở. Những bệnh nhân cấp cứu thành công, sẽ được điều trị nội trú trong bệnh viện, khi tình trạng sức khỏe ổn, hết đợt cấp bệnh nhân sẽ được xuất viện. Và cứ lúc nào bệnh nhân tới đợt cấp thì lại cấp cứu. Một đợt cấp của bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chi phí từ 20-200 triệu đồng và đối mặt với khả năng tử vong rất cao.

"Lúc đó tôi nghĩ phải làm gì đó để thay đổi tình cảnh này, để giảm bớt gánh nặng kinh tế, tinh thần cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân". Vậy là Mô hình chăm sóc bệnh nhân hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại cộng đồng được hình thành, mỗi điểm chăm sóc bệnh nhân được coi là một đơn vị, gọi là đơn vị ACOCU (viết tắt của từ Astha copd outpatient care unit - Đơn vị quản lý ngoại trú hen và COPD), và đơn vị ACOCU đầu tiên được thành lập tại khoa hô hấp của Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước ACOCU, trên toàn quốc không có một địa chỉ nào chăm sóc bệnh nhân hen và COPD trong giai đoạn ổn định, thời điểm đó Tổ chức Y tế thế giới về quản lý hen và COPD có những bảng hướng dẫn và mô hình ACOCU áp dụng tại Việt Nam bước đầu đã cho những kết quả thành công nhất định, giảm 90% chi phí nếu điều trị bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở giai đoạn ổn định.

Những ngày đầu hoạt động, ACOCU đón nhận khoảng 8.000 bệnh nhân, có những bệnh nhân từ tỉnh Hà Giang, tỉnh Cà Mau vào khám đều trong tình trạng khó thở, PGS, TS, BS Lê Thị Tuyết Lan lại đau đáu làm sao nhân rộng mô hình để không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà các bệnh nhân các tỉnh cũng được tiếp cận. Nghĩ là làm, PGS, TS, BS Lê Thị Tuyết Lan lại đến tận mỗi tỉnh, hướng dẫn mô hình. "Sau khi nhân rộng được ACOCU tại các tỉnh, tôi lại thấy rằng nếu mỗi một thành phố, một tỉnh mà chỉ có một đơn vị như vậy thì bệnh nhân vẫn khổ lắm. Nhiều khi họ phải đi cả trăm cây số họ mới đến được đơn vị tại tỉnh. Vì thế, tôi lại nhân rộng mô hình xuống quận, huyện. Những đơn vị ở quận, huyện hết sức quan trọng bởi bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì đến tuyến quận, huyện đã được hưởng 80% bảo hiểm y tế chi trả" - PGS, TS, BS Lê Thị Tuyết Lan chia sẻ đầy tâm huyết.

Hiện nay, có 242 đơn vị ACOCU trên 53 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có 78 đơn vị tại các quận, huyện, 47 đơn vị tại các bệnh viện, phòng khám tư, 4 đơn vị tại các bệnh viện quân y. Đơn vị ACOCU tại Bệnh viện Quận 11 ra mắt và đi vào hoạt động ngày 6/12/2016. Phòng khám này hiện có 15 bác sĩ, 13 điều dưỡng và 5 kỹ thuật viên. Cơ sở vật chất gồm hô hấp ký KOKO, mẫu bệnh án hen, COPD; phần mềm quản lý hồ sơ hen COPD và tài liệu Truyền thông-Giáo dục sức khỏe. Sau 7 năm hoạt động, bệnh viện quản lý hơn 2.120 hồ sơ bệnh án hen - COPD ngoại trú, 30.406 lượt khám. Số ca đo hô hấp đăng ký mỗi ngày từ 15-20 ca. Bệnh viện đã có phần mềm quản lý hồ sơ Hen - COPD trong quận. Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Quận 11 cho biết, sau khi thành lập đơn vị ACOCU tại Bệnh viện Quận 11, các bệnh nhân lên cơ cấp đối với bệnh hen giảm 40% và COPD giảm khoảng 13%. Khi mô hình ACOCU được áp dụng tại bệnh viện, các bác sĩ cũng giảm được áp lực hơn.

Mô hình ACOCU đã thành công tăng độ tiếp cận điều trị cho bệnh nhân hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên cả nước. Qua đó, giảm áp lực về lượt khám, độ nguy kịch của bệnh do đợt cấp gây ra cho tuyến trên; giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội. Trước khi ACOCU lớn mạnh, khi thuốc men điều trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính còn nhiều hạn chế, hơn ai hết, bệnh nhân là người chịu khổ trăm bề. Hiện nay với mô hình được trải dài khắp cả nước, bệnh nhân dễ dàng được tiếp cận và chăm sóc tốt hơn.