Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhất là sử dụng công nghệ cao để gây án, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống nhân dân. Thủ đoạn thường là: Sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan thực thi pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện cho người dân gây sức ép, làm người dân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để chiếm đoạt.
Một số thủ đoạn khác là giả danh người quen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu để lừa đảo. Chúng cung cấp ảnh chụp, video của bản thân với các lãnh đạo (nhiều sản phẩm đã được cắt ghép, chỉnh sửa) để tạo niềm tin. Sau đó, hứa hẹn có thể chạy án, xin việc, xin dự án..., nhận tiền của nạn nhân nhưng không thực hiện, lấy nhiều lý do để không trả lại tiền, thậm chí bỏ trốn. Giả danh ngân hàng thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay online, sau đó, hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục vay hoặc mở thẻ tín dụng qua trang web giả mạo ngân hàng. Gửi các văn bản giả “xác nhận phê duyệt khoản vay” cho nạn nhân để tạo niềm tin và yêu cầu nạn nhân nộp tiền lệ phí hoặc tiền trả góp đợt đầu vào tài khoản chỉ định, rồi chiếm đoạt. Giả danh cơ quan, tổ chức thông báo “trúng thưởng may mắn” rồi lừa nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc mua chuyển trước cho đối tượng một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.
Nghiêm trọng hơn, các đối tượng làm giả sao kê tài khoản, cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản... của một số ngân hàng, để chứng minh năng lực tài chính, hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) cho biết, đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm, dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính được phê duyệt đầu tư có thể trúng thầu, triển khai thực hiện dự án. Từ đó dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ, thậm chí không triển khai được dự án, ảnh hưởng xấu đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương...
Thời gian gần đây, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) liên tiếp phát hiện một số đối tượng có hành vi tạo lập trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm. Số tiền chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng.
Chia sẻ về những nỗ lực của lực lượng công an trong công tác phòng, chống tội phạm an ninh mạng, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: Để bảo đảm công tác an ninh mạng đạt hiệu quả cao, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Với mục tiêu tăng cường ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ, đấu tranh bảo vệ an ninh mạng, ngày 31/3/2016 Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết Chương trình số 45/CTr-BKHCN-BCA về việc phối hợp hoạt động giữa hai Bộ, trong đó có Chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, triển khai nhiều nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó có Nghị quyết về “Chiến lược an ninh mạng”.
Năm 2021, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã làm tốt công tác tham mưu chiến lược; chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án, bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự trên không gian mạng; đã ngăn chặn, kéo giảm khoảng 80% lượng thông tin xấu, độc so với thời gian trước; phá rã hàng trăm hội nhóm trên không gian mạng có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, xử lý hàng chục đối tượng, răn đe hàng trăm đối tượng; đấu tranh, triệt phá, phối hợp khởi tố hàng chục vụ án, hàng trăm bị can, với phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi.
Để bảo đảm tốt an ninh mạng, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương cho rằng, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ cần được quan tâm hơn nữa, trong đó tập trung vào một số nội dung như: Tham mưu, đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm an ninh mạng, xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, lấy yếu tố tự chủ công nghệ làm nòng cốt, tăng cường đầu tư phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ bảo vệ an ninh mạng. Trong đó, tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả “Đề án xây dựng nền công nghiệp an ninh mạng Việt Nam”; phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ bảo đảm an ninh mạng, tập trung vào ứng dụng khoa học và công nghệ trong nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các sản phẩm, thiết bị, công cụ bảo vệ an ninh mạng, các loại vũ khí mạng có tính năng cần thiết cho khả năng sẵn sàng và chủ động ứng phó; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát hiện, ứng phó, cảnh báo sớm các cuộc tấn công mạng, nhất là công cụ, chương trình có ứng dụng trí tuệ nhân tạo; chú trọng đào tạo, hình thành đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi, có trình độ cao về khoa học và công nghệ, nắm vững kiến thức nghiệp vụ, pháp luật, có khả năng vận dụng thành thạo kiến thức chuyên môn thúc đẩy hoạt động ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ trong công tác chiến đấu.