Ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu chọn tạo giống lúa

NDO - Trong giai đoạn từ 2012 đến nay, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đã và đang thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu chọn tạo giống lúa (25 đề tài/dự án các cấp về chọn tạo giống), trong đó tập trung cho giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, giống lúa chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường như hạn, mặn, ngập… và chống chịu với sâu bệnh .
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ nông nghiệp phố biến kiến thức, kỹ thuật canh tác tiên tiên cho nông dân.
Cán bộ nông nghiệp phố biến kiến thức, kỹ thuật canh tác tiên tiên cho nông dân.

Số giống lúa của Viện được công nhận cho phép đưa vào sản xuất trong giai đoạn này là 14 giống lúa mới (công nhận chính thức), 31 giống lúa được công nhận sản xuất thử; 12 giống lúa cho phép lưu hành sản xuất cuối năm 2021; 2 quy trình được công nhận tiến bộ kỹ thuật mới; 45 giống lúa được cấp văn bằng bảo hộ.

Bước tiến vượt bậc trong phát triển giống lúa mới

Những năm gần đây biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp đặc biệt là tại đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, ứng phó hiệu quả và phát triển bền vững nền nông nghiệp là yêu cầu lớn, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp, kỹ thuật cụ thể giúp sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn cho hiện tại và tương lai, trong đó nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống mới được xem là một trong các khâu quan trọng.

Các giống lúa của Viện đáp ứng điều kiện canh tác của từng vùng sinh thái và nhu cầu thị trường, được phân nhóm dựa vào đặc tính nổi bật của giống như: Nhóm lúa cao sản (AS996, OM2517, OM2514, OM3536, OM4900, OM6073, OM6377, OMCS2009, OM4688, OM5625, OM4495, OM4488, OM7348, OM366O, M368, OM8959, OM11735, OM10424, OM8928, OM10418, OM5976, OM3673; OM448, OM34, OM22); Nhóm lúa chất lượng cao (OM2514, OM3536, OM5930, OM4900, OM6073, OM6161, OM6600, OM5953, OM4088, OM4218, OM8923, OM4101, OM6072, OM2496-15, OM7347, OM6162, OM5451, OM6976, OM8017, OM6932, OM6916, OM6904, OM3995, OM6893, OM10434, OM9605, OM9915, OM121, OM7348, OM10373, OM5976,OM9921, OM18, OM232, OM8929, OM35, OM375, OM16, OM429, OM468, OM442 …; Nhóm giống lúa thơm/ đặc sản/chất lượng cao cấp (OM4900, OM6162, OM8, OM48,…); Nhóm giống lúa nếp, lúa màu dinh dưỡng (Nếp OM366, OM368, OM406, OM441; Giống lúa Japonica: OM46,…). Trong đó có các giống lúa ngắn ngày mà vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng và tính chống chịu sâu bệnh tốt đã giúp nông dân trong vùng có điều kiện thâm canh, tăng vụ, né mặn, tránh lũ.

Đến nay, diện tích gieo trồng các giống do Viện chọn tạo chiếm 70- 80% tại đồng bằng sông Cửu Long. Điều này khẳng định vị thế của giống lúa OM do Viện chọn tạo đối với sản xuất. Giống lúa OM của Viện không chỉ được trồng tốt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mà lan tỏa trong cả nước, như các giống OM5451, OM6976, OM4900, OM6162, OM18, OM380, OM429…

Cùng với việc chọn tạo và chuyển giao các giống lúa mới vào sản xuất, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đã nghiên cứu và chuyển giao có hiệu quả các quy trình công nghệ và các giải pháp kỹ thuật canh tác theo hướng bền vững, tăng năng suất, tăng chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân trên nhiều vùng sinh thái khác nhau ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu chọn tạo giống lúa ảnh 1

Những năm qua, Việt Nam phát triển nhiều giống lúa mới cho năng suất chất lượng cao

Đưa công nghệ vào nghiên cứu

Thời gian qua, Viện Lúa đã triển khai nhiều nội dung nghiên cứu theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học vào công tác chọn tạo giống mới, các chiến lược chọn tạo, cải tiến giống cây trồng của Viện đều dựa trên việc tạo và khai thác biến dị di truyền, trong đó phổ biến nhất là phương pháp lai tạo.

Hầu hết trong các nghiên cứu chọn tạo giống mới, Viện Lúa đều sử dụng song song giữa lai tạo truyền thống và các thành tựu của công nghệ hiện đại (kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật di truyền, kỹ thuật nuôi cấy mô, kỹ thuật nuôi cấy túi phấn, đột biến phóng xạ, nghiên cứu ứng dụng chỉ thị sinh học phân tử, lập bản đồ gene, giải trình tự, chuyển nạp gene và gần đây là công nghệ chỉnh sửa gene, …) nhằm mục tiêu chọn tạo thành công các giống lúa mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, tăng khả năng chống chịu ngập, mặn, hạn kéo dài và tăng cường thêm đặc tính cần thiết khác đáp ứng thị trường xuất khẩu như: phẩm chất gạo tốt, hàm lượng amylose thấp, có mùi thơm, hàm lượng vi chất dinh dưỡng cao, tỷ lệ gạo nguyên cao …

Phương pháp lai tạo truyền thống kết hợp ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực chọn tạo giống mới đáp ứng yêu cầu sản xuất thực tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long được Viện xem như là mũi nhọn trong việc hỗ trợ, cải tiến phương pháp, rút ngắn thời gian chọn tạo các giống lúa theo mục tiêu một cách chính xác về mặt di truyền.

Ngoài việc nghiên cứu giống lúa chống chịu tốt với hạn mặn thì yêu cầu về nâng cao chất lượng gạo của giống lúa cũng được chú trọng nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Trên cơ sở nhu cầu cấp thiết đó từ thực tế sản xuất, Viện Lúa cũng đã ứng dụng thành công chỉ thị phân tử chọn tạo ra các giống lúa thơm chống chịu mặn, có thời gian sinh trưởng ngắn và thích nghi được nhiều vùng canh tác tại đồng bằng sông Cửu Long.

Các giống chống chịu mặn tốt và chất lượng cao như OM9921 và OM232 đã được công nhận quốc gia (giống lúa mới), được nhượng quyền khai thác và đang được sản xuất đại trà trên đồng ruộng.

Các giống triển vọng mới có tính chống chịu mặn cao do tích hợp QTL Saltol đã biết và gene chống chịu mặn mới cũng vừa mới được phát triển nhằm tăng cường thêm tính chống chịu mặn của các giống lúa như OM3, OM24, OM44 và OM89.

Ngoài thành tựu chọn tạo được giống lúa (gene mặn mới) có tính chống chịu cao hơn, các nhà khoa học tại Viện Lúa còn lập được bản đồ gene chống chịu mặn mới, hoàn thiện quy trình chọn giống lúa chịu mặn trên cơ sở chỉ thị phân tử nhằm bổ sung thêm nguồn gene chống chịu mặn giúp quá trình nghiên cứu chọn tạo giống lúa ở giai đoạn tiếp theo.

Để nâng cao hiệu quả chọn tạo giống trong tương lai, thời gian tới Viện Lúa tiếp tục phát triển chiến lược lai tạo bằng cách kết hợp phương pháp lai tạo cổ truyền và ứng dụng kỹ thuật công nghệ sinh học để tạo các giống lúa mới có năng suất cao, phẩm chất tốt chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường và sâu bệnh hại chính, nâng cao chất lượng nhằm có giá thành xuất khẩu cao.

Một số giống lúa mùa có phẩm chất tốt như nàng hương, nhỏ thơm, nàng nhen… cần được đưa vào chương trình phục tráng, định hướng phát triển ở một số vùng ven biển và tạo thương hiệu gạo Việt Nam.

Song song với việc chọn tạo dòng/giống lúa thuần, chọn tạo giống lúa nếp, giống lúa Japonica, kỹ thuật tạo dòng ưu thế lai F1 cũng là một trong những định hướng trong chiến lược chọn tạo giống cây trồng của Viện.