“Giảng viên nông dân” lai tạo gần... 60 giống lúa

Ông Hoa Sĩ Hiền ở xã Tân An, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang gầy nhom, tóc xuề xòa, trông già trước tuổi, nhưng rất lanh lẹ, hoạt bát. 20 năm nghiên cứu miệt mài trong phòng thí nghiệm ngay bên hông nhà giữa đồng lúa, ông Hoa Sĩ Hiền đã lai tạo được gần 60 giống lúa có những ưu điểm vượt trội như: TC2, TC 7, SH 50, SH 51… và giống đạt chuẩn quốc gia. 

Ông Hoa Sĩ Hiền thường xuyên có mặt trên cánh đồng.
Ông Hoa Sĩ Hiền thường xuyên có mặt trên cánh đồng.

“Giảng viên” tốt nghiệp lớp… 6!

Ông Hiền đã bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc để phục tráng các loại lúa cổ truyền và lai tạo các loại giống mới. Đáng nói là người nông dân 53 tuổi này từng bỏ ngang chuyện học ở lớp 6 trường làng và từng phải đi sửa dạo đồng hồ để mưu sinh trong một gia đình khốn khó. Hồi Tết năm nay, ông Hoa Sĩ Hiền chỉ lo công việc từ bàn nghiên cứu đến ruộng đồng và ăn Tết ngay trên ruộng lúa. Rồi dạy sinh viên (SV) nghiên cứu cây lúa ngay trên đồng ruộng. 

Đó cũng là điều mà ông Hiền tâm huyết nhất. Ông đang ngày đêm dạy thực hành miễn phí trên cây lúa cho hàng trăm SV từ các Trường Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang… rải rác quanh năm. Ông xây dựng từ khá lâu, một phòng thí nghiệm 17 m2 mà các GS, TS nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều thừa nhận là đủ chuẩn, thường xuyên rộng cửa đón SV đến khảo nghiệm về lúa. Ruộng lúa này ông Hoa Sĩ Hiền có được từ khoản tiền vợ chồng ông chắt chiu gần nửa đời người làm lụng đủ nghề sinh nhai, để đầu tư vào một nghề mới mà ông nói chết cũng không buông dù không sinh lời. Vợ ông buôn bán nhỏ, quản lý 14 nghìn m2 ruộng nên lo đủ cho gia đình, để chồng toàn tâm toàn lực nghiên cứu.

Ông Hiền vui chuyện kể, có những công ty lớn đến hỏi mua độc quyền sản xuất thương mại các giống lúa TC, viết tắt của địa danh Tân Châu với giá 3 - 4 lượng vàng, nhưng ông từ chối ngay vì ông muốn dành những giống lúa tốt nhất cho nông dân, cho cộng đồng. Vậy là hàng chục giống lúa do ông Hiền lai tạo đã được ông trao tặng các viện nghiên cứu và các nơi lưu trữ giống lúa. Trong số đó, TC 2 được công nhận đạt chuẩn và được đưa vào ngân hàng giống quốc gia.

Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) từng tặng ông Hiền giấy chứng nhận “Người có thành tích xuất sắc trong di truyền học”. Ông Hiền nổi tiếng còn vì rất nỗ lực tự học, tự đọc nhiều tài liệu nghiên cứu mới nhất về cây lúa. Trong gần 60 giống lúa lai tạo của ông Hiền, TC 26, TC 30 cho gạo thơm dẻo; TC 21 chú trọng năng suất; SH 33, SH 34 hạt dài thích ứng với hạn mặn; đặc biệt ông Hoa Sĩ Hiền đã lai tạo thành công giống lúa chịu mặn TC 7, chịu phèn TC 6… 

Từ nhiều năm qua, căn chòi và phòng thí nghiệm của ông Hiền, viện lúa ĐBSCL thu nhỏ, là nơi học tập, nghỉ ngơi và thực nghiệm lai tạo giống của nhiều nghìn lượt SV, học sinh, các chuyên gia trong và ngoài nước. Một tay phấn trắng, một tay bảng đen, ông Hiền đã phác thảo mô hình lai lúa giống chịu mặn tốt của mình cho sinh viên nhiều thế hệ nghiên cứu cây lúa chịu đựng được biến đổi khí hậu. 

 Hôm chúng tôi xuống thăm mới đây, thấy các SV Minh Nghĩa, Trung Thạnh… ngành khoa học cây trồng, ĐH An Giang đang rất chăm chú nghe ông Hiền giảng giải về hai cái chậu được vẽ trên bảng đen, một cái chậu có bụi lúa mà tên khoa học là Oryza Rufipogon, hai là chậu đựng nước được ông điều chỉnh nồng độ mặn 1 - 3 phần nghìn. Rồi ông giảng miệt mài cho SV về quy trình tổ hợp lai giống lúa chịu mặn đặc biệt của ông. SV Minh Nghĩa hào hứng kể: “Thầy Hiền rất tỉ mẩn trong việc hướng dẫn chúng em nghiên cứu rất kỹ về đủ loại cây lúa với thái độ làm việc cần mẫn và chu tất như các GS, TS giỏi ở trường ĐH của chúng em vậy”.
 
Ông Hiền cùng các SV đưa chúng tôi ra thăm bốn công lúa ông đang trồng khảo nghiệm, giảng giải trực tiếp rất cặn kẽ cho từng câu hỏi liên tục của các SV viên chuyên ngành về cây lúa. Mảnh ruộng bốn công được phân ra 20 luống gieo trồng 20 loại lúa. Mỗi loại gieo sạ cách nhau 7 - 10 ngày để tránh thụ phấn chéo, trong đó có giống lúa TC 7 và giống lúa mới SH 51 và SH 50, lúa tím than có đặc tính thảo dược, tốt cho tim mạch và trẻ hóa tế bào con người. Ông Hiền tâm sự về chuyến đi thực tập này: “Tui đã đưa các em đi tham khảo thật kỹ lưỡng quá trình sản xuất lúa, kiên nhẫn từng khâu một. Xong xuôi, tôi cùng các em kiểm tra kỹ chất đất để trả lời câu hỏi đất nào trồng được, đất nào không trồng lúa được. Rồi tui mới chỉ tận tay các em quy trình lai lúa”.

“Điều tuyệt vời nữa là ông Hiền đang cống hiến hết mình để giúp các trường ĐH rèn giũa thực hành trên cây lúa cho bao thế hệ SV, nghiên cứu sinh đang tìm đến”, ông Philippe Du Mor, chuyên gia về cây lúa người Thái-lan, nhận xét với người viết trên ruộng lúa của ông Sĩ Hiền. 

Chỉ muốn phụng sự hết mình

Cách đây chục năm, ông Hiền đã suy nghĩ tích cực: “Không đẩy lùi được hạn mặn thì mình phải thích nghi với hạn mặn”. Với quan điểm này, ông Hiền quyết tâm bắt tay vào nghiên cứu khoa học, tạo nhiều giống chịu mặn tốt mà ĐBSCL chưa từng biết đến.

Khởi đầu là năm 2004, ông Hiền được chọn đi tập huấn kỹ năng chọn giống cộng đồng do Trường ĐH Cần Thơ tổ chức. Ngay cuối năm, ông Hiền đã thành công nhanh chóng khi tạo ra một giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, kháng được một số bệnh. Đáng trân quý là bất kỳ nông dân nào cũng có thể gọi điện hàng giờ cho ông Hiền, “tâm sự” về cây lúa. Ai xin lúa giống vừa lai tạo, ông bọc kỹ vài kg gởi qua đường bưu điện trao tặng.

Rồi ông Hiền cất công tìm khắp nơi thu gom, tìm tòi lúa ma, lúa cỏ, lúa trời, chim rơi, rẽ hành, tép trắng, tây đùng, chẹt cụt, hồng vân… đem về ngày đêm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ông tỉ mẩn nghiên cứu đặc tính của nhiều loại giống và đem các loại giống lai tạo với nhau theo tổ hợp suốt nhiều tháng. Ông còn mua muối về đổ vào ruộng để thí nghiệm thật sát thực tế. Ông tâm sự với chúng tôi: “Nghiên cứu được bao nhiêu giống lúa, tui đều tự mình gởi xuống Viện lúa ĐBSCL ở Cần Thơ lưu trữ nguồn gien. Tui tặng tất thảy cho Nhà nước và như thế cũng đã trọn niềm vui rồi phải không nhà báo?”. Bà Võ Thị Năm, nông dân ở Tân Châu, nói với tôi: “Chú Hiền cho đi những giống lúa chú lai tạo và chỉ dạy kiến thức cho SV, cho nông dân mà chẳng đòi đồng nào. Mong sao chú duy trì việc này để có thêm thế hệ trẻ lai tạo giống lúa mới giúp bà con nông dân thì hay biết mấy”.

PGS, TS Trương Trọng Ngôn, Viện Công nghệ sinh học, ĐH Cần Thơ, đánh giá: “Chuyện nông dân làm khoa học ở nước ta vốn chẳng hiếm hoi gì. Nhưng một nông dân chưa quá lớp 6 trường làng như ông Hiền mà lai tạo ra được gần 60 giống lúa chất lượng cao thì không phải là chuyện thường, là việc không thể làm được nếu không có thực tài thiên phú và thiếu đi niềm đam mê cháy bỏng với cây lúa trên quê hương yêu dấu của chính mình!”.

Có nhiều doanh nghiệp xin nhượng quyền tác giả hay mời ông Hoa Sĩ Hiền về làm cho doanh nghiệp kinh doanh giống lúa, nhưng ông đều lắc đầu từ chối bởi với người đàn ông gầy gò này, niềm đam mê lớn nhất là lai tạo được ra các giống lúa mới, khắc phục được nhược điểm, ít lệ thuộc vào hóa chất. Ông chỉ muốn làm việc hết mình để phụng sự việc nghiên cứu của SV, nông dân về những giống lúa tốt nhất. Và để tiến nhanh hơn, ông hy vọng được trợ giúp hiệu quả, thiết thực của các GS, TS giỏi chuyên về lúa giống của Việt Nam trong thời gian tới.

Có lần, vào lúc nửa đêm, ông Hiền ra ruộng để lai giống từ cây lúa ma trổ - loại lúa chỉ trổ vào đêm khuya, xỉu ngay trên ruộng lúa. Đứa con ngủ trong chòi thấy ánh sáng từ cây đèn chổng lên trời nên chạy ra cứu kịp.

Ông Hiền từng được trao hai bằng khen của Trung ương, 13 bằng khen cấp tỉnh và được mời ra Hà Nội dự lễ tuyên dương về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.