Ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong các bệnh lý tiêu hóa, gan mật

NDO - Việc tăng tỷ lệ phát hiện ca mắc u tuyến trong đại tràng lên 1% sẽ giúp bệnh nhân giảm 3% tiến triển thành ung thư đại tràng. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi tiêu hóa và ứng dụng các phần mềm quản lý bệnh nhân được coi xu thế tất yếu và mang đến những kết quả đột phá.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Long nội soi đại tràng cho người bệnh.
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Long nội soi đại tràng cho người bệnh.

Ngày 11/12, Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật phối hợp với Phòng khám đa khoa Hoàng Long tổ chức Hội nghị khoa học chuyên đề “Các tiến bộ mới trong quản lý và điều trị bệnh lý tiêu hóa và gan mật”.

Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nước về tiêu hóa, gan mật và các chuyên gia hàng đầu thế giới như: Giáo sư Robert Gish - Trường Đại học Y khoa thuộc Đại học Nevada, Las Vegas; PGS, TS Đào Y Doãn - Đại học Johns Hopkins; PGS, TS Lê Thị Thanh Thủy - Bệnh viện thành phố Osaka, trường Đại học Osaka Nhật Bản.

Đột phá trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi tiêu hóa không chỉ phù hợp với xu thế chuyển đổi số, sử dụng công nghệ y tế 4.0 hiện nay mà còn là hướng đi cần thiết bởi những lợi ích to lớn như góp phần nâng cao tỷ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt.

Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc của bác sĩ nội soi. Hệ thống nội soi hiện đại được tích hợp công nghệ AI đang tạo ra những bước đột phá rộng trên khắp các lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành y tế.

Theo PGS, TS Đào Việt Hằng, Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, hiện nay tỷ lệ bỏ sót polyp đại tràng trên thế giới đang dao động từ 20-47%.

Ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong các bệnh lý tiêu hóa, gan mật ảnh 1

PGS, TS Đào Việt Hằng chia sẻ thông tin tại hội nghị.

Theo một nghiên cứu dọc trong 10 năm, mỗi 1% tăng được tỷ lệ phát hiện u tuyến trong đại tràng sẽ giúp bệnh nhân giảm 3% tiến triển thành ung thư đại tràng.

Vì vậy, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi đường tiêu hóa là xu thế tất yếu và mang đến những kết quả đột phá trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa.

Tại hội nghị, PGS, TS Đào Việt Hằng giới thiệu những cập nhật xu thế mới nhất trong ứng dụng AI ở lĩnh vực này từ Tuần lễ Tiêu hóa châu Âu (UEG 2022); các kết quả nghiên cứu đạt được trong thực tế tại Việt Nam khi sử dụng hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Fujifilm (CADEYE), cũng như các bước đã đạt được của dự án xây dựng thuật toán trí tuệ nhân tạo do nhóm các chuyên gia Việt Nam triển khai.

Ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong các bệnh lý tiêu hóa, gan mật ảnh 2

Ứng dụng kỹ thuật mới sẽ phát hiện sớm các tổn thương đường tiêu hóa.

Hướng đi mới trong quản lý bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản

Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật cũng giới thiệu app GERDCare trong tiếp cận quản lý bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Long, Chủ tịch hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, trào ngược dạ dày là một trong những căn bệnh phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng ở nước ta.

Việc xây dựng một ứng dụng thông minh giúp người bệnh có thể tìm kiếm thông tin cần thiết, theo dõi và quản lý điều trị bệnh hiệu quả đang ngày càng trở nên cần thiết và nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng.

Ứng dụng phần mềm trong hỗ trợ khám chữa bệnh đang là một xu hướng phổ biến trên thế giới, bởi tính tiện dụng và khả năng kết nối giữa người bệnh và nhân viên y tế.

“Các ứng dụng tại Việt Nam chủ yếu đang tập trung vào một số tính năng như đặt lịch khám, giới thiệu chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng. Hiện ít có ứng dụng đi sâu vào chủ đề tối ưu hóa quản lý một bệnh chuyên sâu, do đó tại Việt Nam, lần đầu tiên, chúng tôi đưa vào ứng dụng trong thực hành lâm sàng một công cụ giúp hỗ trợ người bệnh trào ngược dạ dày, thực quản theo dõi, tham gia vào quá trình điều trị cùng bác sĩ”, Giáo sư Long chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong các bệnh lý tiêu hóa, gan mật ảnh 3

Nhiều báo cáo khoa học cập nhật kỹ thuật mới trong lĩnh vực tiêu hóa, gan mật.

Theo các chuyên gia, phần mềm này có tính năng đánh giá mức độ nặng của người bệnh, ghi lại đơn thuốc, mức độ cải thiện triệu chứng của người bệnh trong quá trình điều trị. Đồng thời, app cũng hướng dẫn người bệnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để người bệnh có chế độ ăn cải thiện nhất trong quá trình điều trị.

"Khi bác sĩ có app theo dõi sẽ kết nối rất tốt với người bệnh, từ đó giúp cho người bệnh có bệnh lý trào ngược, đặc biệt là nhóm kháng trị có thể tối ưu hóa được công việc điều trị", Giáo sư Long nói.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ về tình hình gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hóa, cùng các dấu ấn sinh học mới trong việc chẩn đoán sớm và phòng ngừa ung thư biểu mô tế bào gan.

Chủ đề “Tiềm năng ứng dụng các xét nghiệm gene trong thực hành lâm sàng ung thư tiêu hoá gan mật” cũng được đưa ra phân tích để thấy được những bằng chứng khoa học cụ thể, tiềm năng phát triển thực tế trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Trong tương lai, nếu các công nghệ và kỹ thuật mới này sớm được nghiên cứu, triển khai và ứng dụng rộng rãi hơn nữa sẽ giúp cho người bệnh mắc bệnh lý tiêu hóa, gan mật tiếp cận sớm điều trị, phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư.