Tỷ lệ phát hiện ung thư sớm tiêu hóa, gan mật còn thấp

NDO -

NDĐT – Đó là thông tin được TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết trong Hội nghị quốc tế Tiêu hóa – gan mật lần thứ 6 do Bệnh viện Bạch Mai và Trường đại học Nagoya Nhật Bản tổ chức sáng 29-9.

Tỷ lệ phát hiện ung thư sớm tiêu hóa, gan mật còn thấp

Hội nghị có sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các Giáo sư, bác sĩ tại Hà Nội và hơn 20 tỉnh, thành phía bắc cùng với đoàn chuyên gia đến từ Bệnh viện Trường Đại học Nagoya do GS. Goto Hidemi làm trưởng đoàn.

Từ tháng 7-2014, Nhật Bản đã hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai thành lập trung tâm Nội soi tiêu hóa Việt Nam – Nhật Bản. Sự ra đời của trung tâm đã giúp cho việc chẩn đoán và điều trị của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt như chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa, cắt tách dưới niêm mạc điều trị tổn thương tiền ung thư, ung thư sớm mà không phải cắt bỏ thực quản, dạ dày và đại tràng; cho phép thăm dò toàn bộ ruột non và điều trị các bệnh ở ruột non. Chụp mật tụy ngược dòng cấp cứu đã trở thành thường quy, giúp cứu sống bệnh nhân nhiễm trùng đường mật nặng có suy tạng, rối loạn đông máu, suy tuần hoàn, suy hô hấp…

“Các bác sĩ Nhật Bản đã hỗ trợ rất lớn trong chuyển giao công nghệ, đào tạo bác sĩ Việt Nam thay đổi hiệu quả sàng lọc ung thư sớm. Thí dụ như để nội soi dạ dày tốt, họ hướng dẫn chúng tôi cho uống thuốc chống tạo bọt để bọt không che tổn thương, bơm căng dạ dày để nhìn rõ tổn thương, chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhân. Sau sáu năm, chúng tôi đã có một hệ thống làm việc tốt hơn rất nhiều với kỹ thuật tiên tiến hơn”, TS Khanh cho hay.

Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, GS Hidemi Goto, giảng viên tại khoa Nội tiêu hóa, trường Đại học Nagoya Nhật Bản cho biết, Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đơn vị được Đại học Nagoya chuyển giao công nghệ có nhiều tiến bộ trong kỹ thuật nội soi. Hiện nay với sự ứng dụng của hệ thống điều trị từ xa, các BS Nhật Bản có thể đào tạo từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Việt Nam, đặc biệt là các bác sĩ tại các tỉnh, thành phía bắc để triển khai, phát hiện ung thư sớm.

Tỷ lệ phát hiện ung thư sớm tiêu hóa, gan mật còn thấp ảnh 1

TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo TS Vũ Trường Khanh, Nhật Bản vốn là nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Nhưng sau vài chục năm cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là việc thực hiện tầm soát ung thư sớm, Nhật Bản đã có nhiều thành tựu, với khoảng 70% số ca ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì thế, Việt Nam cũng còn cần phải vài chục năm nữa, mới thực hiện được việc tầm soát sớm ung thư, điều trị sớm để kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 18 trong số 20 nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới.

Tại hội thảo, BS Lưu Thị Minh Diệp cũng cập nhật các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan sớm. “Với sự hỗ trợ của phía Nhật Bản, số lượng bệnh nhân được sử dụng các phương pháp tầm soát phát hiện ung thư sớm tăng lên. Phía Bệnh viện Đại học Nagoya đã hỗ trợ hệ thống siêu âm mới, phát hiện sớm tổn thương trong gan. Do đó, tỷ lệ phát hiện ung thư sớm về gan đã có phần tăng lên so với giai đoạn trước, chất lượng tầm soát tăng lên”, BS Diệp cho hay.

Với sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản, Bạch Mai cũng được trang bị thiết bị quan sát khối u rất rõ. Với kỹ thuật tốt của bác sĩ, cùng việc tích cực áp dụng phương pháp mới trên thế giới, khoa Tiêu hóa đã nâng cao hiệu quả điều trị, trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bệnh nhân mắc các bệnh về tiêu hóa, gan mật đến tầm soát ung thư sớm.

Hội nghị cập nhật kiến thức những tiến bộ y học trong ngành tiêu hóa, gan mật từ các GS.BS Nhật Bản trong lĩnh vực nội soi chẩn đoán và can thiệp điều trị. Các đại biểu cũng được xem truyền hình trực tiếp các kỹ thuật nội soi tiêu hóa do các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Tại hội nghị, các BS khuyến cáo, người Việt Nam cần thực hiện chế độ ăn uống nhiều rau củ và vận động nhiều hơn, nên khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt với nhóm đối tượng có nguy cơ cao để phát hiện sớm ung thư về tiêu hóa, gan mật, có cơ hội điều trị khỏi, kéo dài thời gian cho người bệnh.