Ứng dụng công nghệ trong giáo dục ở Quỳnh Phụ

Từ những bước đi chập chững ban đầu gian khó, đến nay ngành giáo dục huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) có bước chuyển mình mạnh mẽ khi đưa công nghệ áp dụng sâu vào hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Điều này tạo sự tương tác linh hoạt trong giảng dạy, đem lại không khí học tập sôi nổi, hứng thú cho giáo viên và học sinh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
0:00 / 0:00
0:00
Một tiết học trong phòng học thông minh tại Trường tiểu học và trung học cơ sở An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Một tiết học trong phòng học thông minh tại Trường tiểu học và trung học cơ sở An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Nói về việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục, thầy Vũ Tiến Đức, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở An Vũ (huyện Quỳnh Phụ) cho biết: Ngay từ năm học 2018-2019, thầy tìm tòi, nghiên cứu và xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn Toán.

Trong thực tế, giảng dạy theo phương pháp truyền thống chỉ thiên về giao tiếp một chiều (truyền giảng) dẫn đến học sinh lười suy nghĩ, thụ động tiếp thu kiến thức, ngại giao tiếp, không mạnh dạn và không linh hoạt. Do đó, hiệu quả dạy học chưa cao, trong khi nhu cầu học hỏi của học sinh ngày càng cao, các em thích tìm hiểu, khám phá những kiến thức mới.

Còn phía giáo viên lại không được đào tạo bài bản về nội dung này, chủ yếu thầy cô tự học, tự nghiên cứu về công nghệ thông tin cho nên ít nhiều gặp khó khăn trong sử dụng máy tính khi giảng dạy. Chính vì vậy, thầy Đức đã xây dựng thành công chuyên đề "Ứng dụng phòng học thông minh vào môn Toán" từ cách đây hơn 5 năm.

Nhờ những thiết bị dạy học có ứng dụng công nghệ thông tin mà học sinh được tiếp cận với kiến thức và các hoạt động Toán trực quan hơn, dễ hiểu hơn nhưng lại nhớ lâu hơn. Các giờ học không chỉ thuần túy là bảng đen phấn trắng, mà đôi khi thay vào đó là bút cảm ứng, là sự tương tác giữa trò với bài giảng, giữa thầy với bài giảng thông qua ti-vi màn hình rộng tạo nên sự đa dạng, sự linh hoạt trong phương pháp, trong bài dạy, không còn khô cứng, không còn mang tính hình thức.

Tại Trường tiểu học và trung học cơ sở An Vũ, một số chức năng hỗ trợ của phần mềm Violet, IQ click, Avina… trong phòng học thông minh được áp dụng trong quá trình dạy học Toán đem lại hiệu quả rõ nét. Các thiết bị trong phòng học thông minh có những tính năng cơ bản như tạo động cơ, luyện tập, kiểm tra và đánh giá cho kết quả tức thì, làm thí nghiệm mẫu, hay như đánh giá toàn bộ quá trình tham gia học tập của học sinh và cuối cùng người thầy nói ít đi, còn học sinh được học nhiều hơn.

Tại huyện Quỳnh Phụ, các phòng học thông minh không chỉ hỗ trợ cho môn Toán, mà còn cho các môn học khác. Như môn Vật lý, tại các phòng học được trang bị thiết bị công nghệ như: Bảng điện tử thông minh, hệ thống loa âm thanh, thiết bị wifi, máy tính xách tay. Phòng học thông minh được thiết kế đồng bộ linh hoạt và dễ dàng vận hành, tất cả các thiết bị được kết nối lại với nhau.

Giáo án điện tử từ máy tính được chiếu lên bảng điện tử thông minh. Ngoài ra, chức năng cảm ứng của bảng điện tử thông minh đã giúp cho việc giảng dạy của giáo viên cũng như học tập của học sinh chất lượng hơn. Với các thiết bị dạy học thông minh được lắp đặt có thể giúp giáo viên hiện thực hóa mọi ý tưởng giảng dạy, để học sinh có thể tiếp thu bài nhanh chóng và hiệu quả, rút ngắn thời gian soạn bài so với lớp học truyền thống không ứng dụng các thiết bị công nghệ.

Trước đây, giáo viên muốn đưa thí nghiệm vào bài giảng thì phải download về, rồi cắt ghép và gắn vào giáo án. Giờ thì chỉ việc copy đường link, gắn vào và có thể xem trực tiếp, do đó tiết kiệm được nhiều thời gian soạn giáo án và giảng dạy. Phòng học thông minh đã mang đến sự thay đổi đáng kể trong tâm lý của học sinh.

Trước kia, việc giảng dạy truyền thống, giáo viên là trung tâm, thực hiện công việc giảng dạy, học sinh thụ động nghe và ghi chép nội dung bài giảng thì với phương pháp mới này lại hoàn toàn ngược lại. Học sinh sẽ là người đóng vai trò chính và giáo viên chỉ là người hỗ trợ và hướng dẫn.

Các em học sinh có thể tự mình điều khiển bảng điện tử để làm bài tập và tự kiểm tra kết quả. Do vậy, các em chủ động và hứng thú hơn trong tiết học, tăng khả năng tư duy của mỗi học sinh.

Bà Mai Thị Bích Nguyện, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Phụ cho biết: Phòng học thông minh ở Quỳnh Phụ là mô hình đầu tiên được triển khai tại tỉnh Thái Bình xuất phát từ ý tưởng phải bắt nhịp ngay với công nghệ 4.0, đây là xu thế tất yếu và ngành giáo dục không thể đứng ngoài cuộc.

Tuy nhiên, qua tham khảo trên thị trường, để đầu tư cho một phòng học thông minh cần số tiền rất lớn, không phù hợp điều kiện cụ thể ở trường học cho nên cô Nguyện đã tự mày mò, nghiên cứu ra mô hình phòng học thông minh di động chỉ với 20-30 triệu đồng áp dụng cho các lớp học. Nếu như phòng học thông minh ở một số địa phương đang áp dụng chỉ đơn thuần là bảng tương tác thông minh trên màn hình ti-vi, thì ở đây sử dụng thiết bị IQ click trang bị cho mỗi học sinh trong quá trình học.

Cụ thể, trong 1 phút có thể kiểm tra bài cũ của cả lớp để biết được ai học, ai không học; trong quá trình làm bài tập tương tác học sinh bấm thiết bị cầm tay để chọn đáp án thì giáo viên biết được học sinh hiểu bài hay chưa hiểu bài. Bên cạnh đó, sau giờ học giáo viên có thể nắm bắt được toàn bộ học sinh trong lớp tiếp thu bài như thế nào, từ đó có phương pháp cải tiến giảng dạy cho phù hợp.

Không dừng ở việc triển khai các phòng học thông minh, hiện nay huyện Quỳnh Phụ đã xây dựng kế hoạch giáo dục thông minh, tiến tới trường học thông minh trên địa bàn toàn huyện, đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Bình triển khai ý tưởng này.

Theo đó, có 4 tiêu chí cần có khi xây dựng mô hình gồm: Môi trường giáo dục thông minh; mục tiêu thúc đẩy lực lượng lao động; sử dụng công nghệ thông minh và người học là trung tâm. Qua phân tích, ưu điểm của trường học thông minh là chương trình giảng dạy dạng mở, lấy sự phát triển của người học làm trung tâm. Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu phù hợp với từng cá nhân.

Trường học thông minh có cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị giáo dục đa dạng, thông minh; hệ thống giám sát kết nối internet băng thông rộng, có cơ sở dữ liệu học tập và nghiên cứu phong phú. Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý được trao quyền và khuyến khích tự chủ dựa trên nền tảng của ứng dụng công nghệ hiện đại.

Điều quan trọng là thông qua mô hình trường học thông minh, chính các em học sinh có thể chủ động tiếp cận tài liệu học tập, sử dụng thiết bị công nghệ thông tin phù hợp với năng lực cá nhân. Dự kiến, huyện Quỳnh Phụ sẽ triển khai mô hình giáo dục thông minh trong năm học tới.