Ứng dụng AI trong điều trị vô sinh, hiếm muộn

NDO - Nhờ phần lớn “công sức” của trí tuệ nhân tạo, nhiều trường hợp vô sinh, hiếm muộn đã có được hạnh phúc làm cha mẹ sau nhiều năm đằng đẵng mong mỏi có con. 
0:00 / 0:00
0:00
Hạnh phúc làm cha mẹ của cặp vợ chồng hiếm muộn.
Hạnh phúc làm cha mẹ của cặp vợ chồng hiếm muộn.

Hiếm muộn gần 10 năm, cắt cả hai bên ống dẫn trứng, chị T.Q.H (42 tuổi) lại mắc bệnh viêm nội mạc tử cung, cơ địa dị ứng, 10 lần chuyển phôi trước đó ở các bệnh viện hiếm muộn khác đều thất bại. Chị H. tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh (IVFTA-HCM) trong niềm hy vọng cuối cùng.

Đánh giá ca bệnh khá phức tạp, Thạc sĩ, bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVFTA-HCMC và các đồng nghiệp đã áp dụng nhiều phương pháp khám, chữa bệnh hiện đại bậc nhất cho chị.

Dựa trên kết quả siêu âm buồng trứng, tử cung cùng nhiều xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ Như quyết định áp dụng phác đồ kích thích buồng trứng rất nhẹ cho bệnh nhân nhằm tiết kiệm chi phí, hạn chế tối đa ảnh hưởng sức khỏe.

Ngay chu kỳ đầu tiên, chị đã tạo được 3 phôi ngày 5 để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp các bác sĩ có đầy đủ thông tin lựa chọn một phôi ngày 5 chất lượng cao nhất.

Hệ thống nội soi buồng tử cung và các xét nghiệm cao cấp giúp bác sĩ đánh giá tử cung toàn diện, lựa chọn kháng sinh đáp ứng tốt nhất kiểm soát viêm nội mạc tử cung, từ đó lựa chọn thời điểm tối ưu chuyển phôi. Kết quả, Chị Hoa thụ thai thành công ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên và đã sinh con khỏe mạnh.

Khi chưa có những kỹ thuật cao cấp hiện đại, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, ít trứng, không có tinh trùng, đặc biệt là thất bại làm tổ nhiều lần rất khó có con.

Một trường hợp khác được thụ tinh ống nghiệm thành công khi số lượng tinh trùng là con số không, cũng nhờ phần lớn “công sức” của trí tuệ nhân tạo được ứng dụng hiệu quả.

Anh H.T.H (30 tuổi) được chẩn đoán vô tinh (không có tinh trùng) khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, đồng nghĩa với việc không thể “có con chính chủ”.

Nhưng khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, H. được chỉ định mổ tìm kiếm tinh trùng bằng phương pháp vi phẫu dưới kính hiển vi có độ phóng đại lên tới 200 lần (micro-TESE), tìm thấy 5 tinh trùng khỏe mạnh. Số lượng tinh trùng ít ỏi này trữ đông bằng kỹ thuật thủy tinh hóa, trữ tinh trùng số lượng ít.

Vợ của anh có dự trữ buồng trứng thấp nên được kích thích buồng trứng nhiều lần, gom noãn và tiến hành thụ tinh tạo được 3 phôi. Tất cả kinh nghiệm, tâm huyết của bác sĩ, kỹ thuật viên và công nghệ nuôi phôi ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã được áp dụng, giúp hạn chế tối đa nguy cơ hư hỏng phôi qua quá trình tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSC).

Phôi được nuôi trong môi trường mô phỏng tử cung người mẹ với camera chuyên dụng quan sát 360 độ, phần mềm AI đánh giá, sàng lọc phôi tốt nhất. Kết quả, chỉ sau 6 tháng điều trị hiếm muộn, chị Hà đã mang thai và chuẩn bị chào đón con chào đời.

Bác sĩ Như cho biết, trước đây, khi chưa có những kỹ thuật cao cấp hiện đại, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, ít trứng, không có tinh trùng, đặc biệt là thất bại làm tổ nhiều lần như trên rất khó có con.

Nhưng sau 25 ứng dụng các phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn, nhiều cha mẹ đã vỡ òa hạnh phúc khi được chào đón con đầu lòng.

“25 năm ‘thay da đổi thịt’ của ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam vừa là hành trình nâng cao trình độ của y, bác sĩ, cũng là hành trình nâng cấp công nghệ, kỹ thuật từ thô sơ đến hiện đại. Chúng tôi đã tiếp cận bình đẳng, thậm chí đi trước nhiều nước trong khu vực về máy móc và công nghệ trong khám và điều trị hiếm muộn lâu năm, giúp tỷ lệ IVF thành công của Việt Nam cao hàng đầu thế giới”, bác sĩ Như chia sẻ.

Xu thế tất yếu của IVF là ứng dụng công nghệ. Tại hệ thống trung tâm IVFTA-HCMC, bệnh nhân được siêu âm, chụp tử cung, vòi trứng, xét nghiệm với những thiết bị hiện đại bậc nhất, tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo để đưa ra những đánh giá toàn diện, chuyên sâu. Từ đó, bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý, nguyên nhân vô sinh. Theo các chuyên gia, chẩn đoán chính xác đã giúp bảo đảm 59% khả năng thành công.

Hiện nay, IVFTA-HCMC là một trong số ít trung tâm Hỗ trợ sinh sản đạt tiêu chuẩn quốc tế trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (RTAC) do Australia cấp. Trình độ đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là việc ứng dụng thuần thục các kỹ thuật, phương pháp hiện đại với các máy móc thiết bị ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngay tại IVFTA đã thu hút nhiều Việt kiều và người nước ngoài từ Mỹ, Nhật Bản, Singapore.