UNFPA đồng hành cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19

NDO -

Ngày 15/12, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã bàn giao đồ dùng bảo hộ cá nhân và thiết bị y tế cho các cơ sở y tế tại 23 tỉnh, thành phố, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Lễ trao tượng trưng thiết bị và vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 của UNFPA cho đại diện Bộ Y tế. (Ảnh : UNFPA)
Lễ trao tượng trưng thiết bị và vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 của UNFPA cho đại diện Bộ Y tế. (Ảnh : UNFPA)

Các đối tượng thụ hưởng bao gồm cán bộ y tế, tình nguyện viên chăm sóc và lực lượng phòng, chống Covid-19 trong cộng đồng nhằm bảo vệ phụ nữ mang thai, người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực gia đình.

Với tổng giá trị giá 450.000 USD, các thiết bị y tế của Quỹ Dân số Liên hợp quốc nhằm mục đích bảo đảm quyền và sự an toàn cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương ở Việt Nam và cung cấp các dịch vụ chất lượng về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, chăm sóc người cao tuổi và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới khi đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn.

Trên thế giới, đại dịch Covid-19 đã trở thành một thảm họa đối với phụ nữ và trẻ em, những người vốn đã và đang phải đối mặt với một đại dịch khác, đó là bạo lực và phân biệt đối xử. Cứ ba phụ nữ thì có một người phải trải qua bạo lực thể chất hoặc bạo lực tình dục trong đời; một phần năm số trẻ em gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi; hàng trăm triệu phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên có nhu cầu tránh thai nhưng không thể tiếp cận các phương pháp kế hoạch hóa gia đình hiện đại và đáng tin cậy.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 14/12, Việt Nam ghi nhận 1,4 triệu ca nhiễm Covid-19 và 28.000 ca tử vong (tương đương 2% tổng số ca dương tính trên toàn quốc).

Việc mang thai và sinh con không ngừng lại trong bối cảnh đại dịch, xung đột hay thảm họa. Một nghiên cứu mẫu do Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện vào năm 2020 cho thấy Covid-19 sẽ khiến tỷ lệ tử vong ở bà mẹ gia tăng từ 44% đến 65%. Khả năng này, nếu xảy ra, sẽ đảo ngược những thành tựu phát triển mà Việt Nam đã đạt được trong 10 năm qua và đe dọa khả năng thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 3.   

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định rằng việc ưu tiên nhu cầu của các nhóm dân số dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên có nguy cơ bị bạo lực chính là yêu cầu tất yếu về quyền con người.

“UNFPA đang tiếp tục nỗ lực để giúp Việt Nam trở thành quốc gia không có ca tử vong bà mẹ có thể phòng ngừa nào, không có nhu cầu kế hoạch hóa gia đình nào không được đáp ứng, không có bạo lực trên cơ sở giới cũng như các thực hành có hại khác đối với phụ nữ và trẻ em gái”, bà Naomi Kitahara cho biết trong bài phát biểu tại lễ bàn giao.