UNESCO hành động vì bình đẳng giới trong thể thao

NDO - Nữ giới chiếm 40% trong cộng đồng thể thao toàn thế giới, nhưng thực tế chỉ có khoảng 4% các vận động viên nữ được nhắc tới trên các trang thông tin truyền thông. Vì vậy, UNESCO cho rằng, đó là một trong những vấn đề còn tồn tại trong thể thao cần được giải quyết vì một nền thể thao công bằng cho nữ giới.
0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm là cơ hội để những người phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực bóng đá cùng trao đổi về các vấn đề bình đẳng giới trong thể thao. (Ảnh: KHẢI HOÀN)
Tọa đàm là cơ hội để những người phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực bóng đá cùng trao đổi về các vấn đề bình đẳng giới trong thể thao. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Ngày 8/3, tại trụ sở UNESCO ở thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, diễn ra tọa đàm với chủ đề “Bóng đá - Ghi bàn cho phụ nữ”, nhằm trao đổi những thách thức toàn cầu và những cách tiếp cận sáng tạo trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong bóng đá và thông qua bóng đá.

Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, với hàng tỷ người hâm mộ và vận động viên tham gia trên mọi châu lục. Bóng đá có phạm vi tiếp cận toàn cầu và có tầm quan trọng đáng kể về kinh tế và văn hóa. Do vậy, UNESCO đã lựa chọn bộ môn thể thao này làm chủ đề thảo luận cho tọa đàm.

Theo bà Begoña Lasagabaster, Vụ trưởng phụ trách về bình đẳng giới của UNESCO, vẫn còn tồn tại hai vấn đề về khoảng cách lớn trong chi trả tiền lương cho các vận động viên trong mọi lĩnh vực của thể thao và cơ hội trao quyền tiếp cận tài chính cho các vận động viên vẫn chưa đồng đều.

Bà Begoña Lasagabaster lấy dẫn chứng thực tế rằng, trong mùa giải World Cup 2018, FIFA dành một khoản phần thưởng với tổng giá trị 30 triệu USD cho tất cả các đội tuyển bóng đá nữ tham gia trong mùa giải. Trong khi đó, tổng giá trị tiền thưởng mà tất cả các đội tuyển bóng đá nam có được trong năm đó lên tới 400 triệu USD.

UNESCO hành động vì bình đẳng giới trong thể thao ảnh 2

Bà Begoña Lasagabaster, Vụ trưởng phụ trách về bình đẳng giới của UNESCO cho rằng, số lượng hình ảnh các nữ vận động viên xuất hiện trên thông tin đại chúng vẫn còn ở mức khiêm tốn. (Ảnh: MINH DUY)

Chỉ riêng trong bóng đá, số lượng nữ giới tham gia vào bộ môn thể thao vua này có chiều hướng ngày một tăng lên. Dù có sự tăng trưởng như vậy, tỷ lệ nữ giới trong vai trò là huấn luyện viên và trọng tài vẫn còn thấp, chỉ có khoảng 5% là huấn luyện viên và 9% trọng tài là nữ.

Hiện nay, chỉ có 30% nữ giới nắm vị trí lãnh đạo trong giới thể thao, còn trong bộ môn thể thao được coi là hấp dẫn nhất hành tinh này thì tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều, chỉ có 12%. Con số này chẳng có nghĩa lý gì trong việc định hướng quyết sách và chủ trương đầu tư nào đó.

Về phía mình, bà Gabriela Ramos, Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách Khoa học Xã hội và Nhân văn của UNESCO, cho rằng, việc tiếp cận không bình đẳng trong các khía cạnh như nguồn lực, cơ hội và sự công nhận đối với phụ nữ trong bóng đá, càng làm tăng thêm sự phân biệt đối xử về giới. Ngoài ra, các chuẩn mực xã hội và định kiến văn hóa cũng góp phần vào việc chưa đánh giá đúng vai trò và cống hiến của nữ giới trong bóng đá, dẫn tới sự chênh lệch giữa giới tính ở mọi cấp độ của môn thể thao này.

Vì có sự đánh giá không đồng đều như vậy giữa các vận động viên nam và nữ, UNESCO tổ chức tọa đàm lần này để thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao.

Lãnh đạo UNESCO cho rằng, để giải quyết những bất bình đẳng trong lĩnh vực này, cần có những nỗ lực phối hợp để đối diện với những thành kiến đã ăn sâu, thúc đẩy tính toàn diện và thực hiện các chính sách bình đẳng giới. Có như vậy mới bảo đảm đối xử công bằng và cơ hội bình đẳng cho tất cả những người tham gia trong bất kỳ môn thể thao nào dù là nam hay nữ.

UNESCO hành động vì bình đẳng giới trong thể thao ảnh 3

Huỳnh Như kể về hành trình đến với bóng đá của mình từ những ngày thơ ấu. (Ảnh: MINH DUY)

Các khách mời nữ đều là những người có chuyên môn xuất sắc trong bóng đá tại nhiều quốc gia như: Amanda Gutierrez Dominguez, Chủ tịch Công đoàn Cầu thủ nữ Tây Ban Nha (FUTPRO), Kadia Sow Mbaye, Huấn luyện viên và Giám đốc vận hành Quỹ Futebol da Força, Maggie Murphy, Giám đốc điều hành Câu lạc bộ bóng đá Lewes (Vương quốc Anh), và Bouchra Karboubi, Trọng tài nữ bóng đá quốc tế.

Đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự tọa đàm “Bóng đá - Ghi bàn cho phụ nữ” là Huỳnh Như, cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ quốc gia và hiện đang thi đấu ở vị trí tiền đạo cho CLB Länk Vilaverdense (Bồ Đào Nha).

Theo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh, việc UNESCO mời một đại diện thể thao của Việt Nam tới để chia sẻ cùng tọa đàm thể hiện rõ sự công nhận của cơ quan Liên hợp quốc này đối với những nỗ lực và kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực thể thao. Đồng thời, điều này cũng thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào những nỗ lực chung, hành động chung của UNESCO. Đặc biệt, bình đẳng giới trong thể thao nói riêng và trong các lĩnh vực khác nói chung sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế và hòa bình.

UNESCO hành động vì bình đẳng giới trong thể thao ảnh 4

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh chụp ảnh lưu niệm cùng cầu thủ Huỳnh Như bên thềm tọa đàm. (Ảnh: MINH DUY)