Quyền năng của bình đẳng giới

Theo báo cáo hằng năm mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 5/3, việc chấm dứt các quy định và những hành vi phân biệt đối xử, vốn cản trở vai trò của nữ giới trong công việc cũng như khởi nghiệp, có thể giúp tăng tới… hơn 20% GDP toàn cầu, trong thập niên tới.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ sở hữu sức mạnh thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
Phụ nữ sở hữu sức mạnh thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

VẤN đề là, để đi tới được dự báo đầy khích lệ đó, các kết quả khảo sát mà WB thực hiện cũng đã phải rọi vào những thực trạng vẫn còn đang tương đối u tối. Lần đầu đánh giá việc thực hiện các luật hiện hành để bảo vệ phụ nữ ở 190 quốc gia, WB nhấn mạnh: Khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn là "gây sốc".

Theo báo cáo thường niên lần thứ 10 của WB về Phụ nữ, Kinh doanh và Pháp luật này, trung bình phụ nữ chỉ được hưởng 64% sự bảo vệ pháp lý so với nam giới, thấp hơn mức ước tính 77% trước đó. Đơn cử, tại 190 quốc gia được tiến hành khảo sát, phụ nữ chỉ nhận được khoảng 30% sự bảo vệ pháp lý cần thiết trước tình trạng bạo lực gia đình, quấy rối tình dục, tảo hôn và nạn diệt chủng.

Riêng ở khía cạnh kinh tế, những trở ngại mà phụ nữ phải đối mặt khi tham gia lực lượng lao động toàn cầu được chỉ ra bao gồm: các rào cản đối với việc khởi nghiệp kinh doanh, tình trạng chênh lệch lương dai dẳng, hoặc cấm làm các công việc được cho là "nguy hiểm" (điều thật ra cũng có thể nói là hợp lý, nếu xét từ góc độ thể chất thiên bẩm nói chung).

PHỤ nữ sở hữu sức mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu, song những cải cách nhằm ngăn chặn phân biệt đối xử đã chậm lại đáng kể trong thời gian gần đây, đó là thông điệp chính mà Indermit Gill - nhà kinh tế trưởng của WB - nhấn mạnh.

Làm rõ hơn, bà Tea Trumbic (tác giả chính của báo cáo) cho biết: Chỉ 50% nữ giới tham gia lực lượng lao động toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là gần 75%. Và theo bà, điều này không chỉ không công bằng mà còn gây lãng phí nguồn lực.

Cũng theo WB, phụ nữ dành trung bình nhiều hơn nam giới 2,4 giờ mỗi ngày, để làm những công việc không được trả lương, phần lớn là chăm sóc con cái. Báo cáo còn chỉ ra rằng nhiều quốc gia thiếu các hệ thống cần thiết để bảo đảm thực thi đầy đủ những quyền lợi dành cho phái nữ. Tiêu biểu, 98 nền kinh tế có luật trả lương bình đẳng, nhưng chỉ có 35 nền kinh tế đề ra các biện pháp thanh toán minh bạch hoặc cơ chế thực thi cụ thể, để giải quyết tình trạng chênh lệch về lương.

MỚI hồi tháng 1, tại Diễn đàn Davos 2024, một báo cáo dài 42 trang (do Ferring Pharmaceuticals và Viện Y tế McKinsey của Thụy Sĩ phối hợp thực hiện) cũng chỉ ra: Sự chênh lệch đáng kể về chăm sóc sức khỏe giữa hai giới đang gây thiệt hại 1.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu mỗi năm.

Nghĩa là, ngược lại, nếu bình đẳng giới được thực hiện bình đẳng trong lĩnh vực này, mỗi năm, nền kinh tế toàn cầu sẽ có thêm 1.000 tỷ USD, tương đương Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng thêm 1,7%, nhờ những đóng góp của nữ giới. Bởi, mỗi USD đầu tư vào chăm sóc sức khỏe phụ nữ sẽ đóng góp ba USD vào tăng trưởng kinh tế, do người phụ nữ tham gia trở lại lực lượng lao động.

Do đó, Trưởng bộ phận y tế của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Shyam Bishen, khẳng định: Đầu tư vào sức khỏe phụ nữ phải là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia. WEF cũng đang xúc tiến thành lập Liên minh Toàn cầu về Sức khỏe phụ nữ, với cam kết đầu tư 55 triệu USD.

Ở khía cạnh chuyên môn thuần túy, theo những số liệu đã được công bố nêu trên, hiển nhiên, việc thúc đẩy bình đẳng giới một cách toàn diện có thể được xem là những khoản đầu tư đáng giá nhất, cho mọi quốc gia, mọi xã hội, mọi cộng đồng, mọi nền kinh tế…

Nhưng cao hơn thế, hơn cả việc khai mở những quyền năng kỳ diệu mà phụ nữ sở hữu, thu hẹp khoảng cách về giới còn là một nhiệm vụ của lương tri