Trong cuộc họp giữa Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và bộ trưởng nông nghiệp các nước được tổ chức tháng 1 vừa qua, các đại biểu đã chỉ ra hàng loạt thách thức phải đối mặt trong nỗ lực chuyển đổi hệ thống lương thực như tác động của đại dịch, xung đột và biến đổi khí hậu cũng như khả năng tiếp cận lương thực và các chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Hệ thống lương thực tại nhiều nước hiện rất mong manh và dễ bị sụp đổ. Thậm chí có dự báo đưa ra rằng năm 2030 thế giới vẫn đối mặt nạn đói ở mức tương tự như hồi năm 2015, thời điểm Liên hợp quốc thông qua các mục tiêu vì sự phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, sản xuất lương thực toàn cầu kém hiệu quả chính là nguyên nhân dẫn đến nạn đói gia tăng, cũng như dẫn đến gần một phần ba tổng lượng khí thải và 80% mất đa dạng sinh học. Một phần ba diện tích đất trồng trọt trên trái đất được sử dụng để sản xuất thức ăn cho gia súc, góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên mất đa dạng sinh học thông qua suy thoái môi trường sống, biến đổi khí hậu, khai thác quá mức và ô nhiễm.
Một năm trước, Liên hợp quốc đã thành lập Trung tâm Ðiều phối các hệ thống lương thực. Dưới điều hành của FAO và sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Văn phòng Ðiều phối phát triển Liên hợp quốc (UNDCO), nhiệm vụ chính của trung tâm này là hỗ trợ các nước đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi hệ thống nông sản quốc gia thông qua việc cung cấp chuyên môn kỹ thuật và các giải pháp cho những thay đổi.
Một hội nghị cấp cao về hệ thống lương thực thế giới sẽ được Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 7 tới tại Rome của Italia, nơi đặt trụ sở của FAO. Liên hợp quốc kỳ vọng, tại hội nghị các quốc gia sẽ tích cực đưa ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi hệ thống lương thực trên toàn thế giới, thông qua việc xem xét lại cách thế giới sản xuất, tiêu thụ và suy nghĩ về thực phẩm. Những câu chuyện thành công và những kết quả tích cực từ sự chuyển đổi ban đầu của hệ thống lương thực tại các nước giúp duy trì động lực cần thiết để bảo đảm hệ thống lương thực có khả năng phục hồi tốt hơn.
Sự kiện cấp cao về hệ thống lương thực toàn cầu được tổ chức vào nửa chặng đường mà Liên hợp quốc đặt ra để hoàn thành Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo và đưa thế giới hướng tới hòa bình, thịnh vượng và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed (A-mi-na Mô-ha-mét) nhấn mạnh rằng, chuyển đổi hệ thống lương thực là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững. Các hệ thống lương thực bền vững, công bằng, lành mạnh và có khả năng phục hồi tốt hơn sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân và sinh kế khi thế giới cùng nhau cố gắng vì một tương lai tốt đẹp hơn cho con người và cho hành tinh ■