UAE, Mỹ, Trung Quốc chuẩn bị phóng tàu thăm dò sao Hỏa

NDO -

Vào rạng sáng mai, 15-7 theo giờ Việt Nam, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) sẽ lần đầu tiên chinh phục sao Hỏa với tàu thăm dò không người lái mang tên Hope (Hy vọng). Cũng trong tháng 7, Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ phóng hai tàu thăm dò khác lên hành tinh Đỏ.

Tàu thăm dò Hope sẽ quay quanh sao Hỏa trên quỹ đạo 55 ngày để phân tích bầu khí quyển. Ảnh: MBRSC.
Tàu thăm dò Hope sẽ quay quanh sao Hỏa trên quỹ đạo 55 ngày để phân tích bầu khí quyển. Ảnh: MBRSC.

Tàu thăm dò mang tên Hy vọng của UAE

Sứ mệnh đưa tàu vũ trụ lên sao Hỏa của UAE sẽ được triển khai vào 1 giờ 51 phút ngày 14-7 theo giờ Thái Bình Dương, tức 3 giờ 51 phút sáng 15-7 theo giờ Việt Nam. 

Tàu vũ trụ Hope sẽ được phóng từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, phía Tây nam Nhật Bản bằng tên lửa đẩy Mitsubishi MH-IIA. Tên lửa đẩy của Nhật Bản không nổi tiếng như tên lửa Falcon 9 hay Falcon Heavy của SpaceX, nhưng nó có một lịch sử phóng dày dạn, với hơn 40 lần phóng thành công, chủ yếu là các hệ thống vệ tinh của Nhật Bản.

Tàu thăm dò dự kiến sẽ đi vào quỹ đạo quanh hành tinh Đỏ vào tháng 2-2021, đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập UAE. Ở đó, tàu Hope sẽ thu thập dữ liệu về bầu khí quyển của sao Hỏa, bao gồm xem xét mối quan hệ giữa tầng trên và tầng dưới của bầu khí quyển và quan sát cách mà bầu khí quyển thay đổi giữa các mùa, mang đến cái nhìn toàn diện về cách khí hậu của sao Hỏa thay đổi trong năm. 

Tàu vũ trụ không người lái mà UAE thực hiện phóng lên sao Hỏa lần này có khối lượng 1.500 kg bao gồm cả nhiên liệu và chiều dài chưa đến 3 mét. Nó được trang bị ba cánh pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho việc sạc pin, tổng công suất hoạt động chỉ 477 watt.

Tàu thăm dò Hope là sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên do một quốc gia A-rập thực hiện. Nếu thành công, trên thế giới sẽ có thêm một quốc gia được ghi tên vào danh sách các nhà thám hiểm sao Hỏa.  

UAE, Mỹ, Trung Quốc chuẩn bị phóng tàu thăm dò sao Hỏa -0

Bà Sarah al-Amiri, Bộ trưởng Khoa học Cao cấp kiêm phó quản lý dự án nói về dự án vào tháng 5-2015.

Bà Sarah al-Amiri, Bộ trưởng Khoa học Cao cấp kiêm phó quản lý dự án tàu thăm dò sao Hỏa cho biết: "Ý định của chúng tôi không phải là đưa ra một thông điệp hay tuyên bố với thế giới, mà là một sự củng cố nội bộ về những gì UAE nói và làm". Sự ra mắt lịch sử dự kiến sẽ được phát trực tiếp trên toàn cầu. 

Tàu thăm dò Hope sẽ nghiên cứu các kết nối giữa bầu khí quyển của sao Hỏa và kiểm tra nguyên nhân gây mất hydro và oxy vào không gian. Nó sẽ thu thập dữ liệu trong hai năm, bắt đầu vào tháng 2-2021. Tàu Hope cũng có thể được gia hạn sứ mệnh đến năm 2025.

Tàu Hope được trang bị ba công cụ cho phép tàu thăm dò nghiên cứu bầu khí quyển sao Hỏa mạnh mẽ hơn. Tàu cũng trang bị nhiều camera, bao gồm thiết bị cực tím và hồng ngoại, được thiết kế để theo dõi và phân tích khí hậu. Con tàu sẽ không hạ cánh xuống bề mặt hành tinh Đỏ. 

Tháng 7 – tháng lý tưởng để tiếp cận sao Hỏa

Trong tháng 7, không chỉ có UAE mà Mỹ và Trung Quốc cũng tận dụng khoảng thời gian lý tưởng trong năm để đưa tàu vũ trụ tới khám phá hành tinh Đỏ.

Vị trí và khoảng cách giữa Trái đất và sao Hỏa không cố định nên giai đoạn thích hợp nhất để bay từ Trái đất đến hành tinh Đỏ chỉ lặp lại sau 26 tháng, khi sao Hỏa và Trái đất nằm thẳng hàng cùng một phía của mặt trời. Tháng 7 đến tháng 8 năm nay chính là giai đoạn không thể bỏ lỡ. 

UAE, Mỹ, Trung Quốc chuẩn bị phóng tàu thăm dò sao Hỏa -0

Robot Perseverance có nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết sự sống trên sao Hỏa. Ảnh: NASA. 

NASA dự kiến phóng robot Perseverance tới sao Hỏa trong giai đoạn từ 30-7 đến 15-8. Perseverance sẽ hạ cánh xuống hố trũng Jezero rộng 45 km vào ngày 18-2-2021. Robot này có nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết sự sống trên sao Hỏa, thu thập mẫu đất đá và thực hiện một số nghiên cứu khác. Nó cũng mang theo trực thăng tự động nhỏ Ingenuity. Đây sẽ là phương tiện bay đầu tiên cất cánh trên thiên thể khác ngoài Trái đất.

Nhiệm vụ khám phá sao Hỏa của Trung Quốc mang tên Thiên Vấn 1, dự kiến khởi hành khoảng từ ngày 20 đến 25-7. Thiên Vấn 1 gồm tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo, trạm đổ bộ và robot thám hiểm. Robot nhỏ hơn nhiều so với Perseverance và mang theo sáu thiết bị khoa học. Nó sẽ lăn bánh trên bề mặt sao Hỏa, trong khi tàu quỹ đạo nghiên cứu ở khoảng cách xa hơn với tầm nhìn rộng hơn. Con tàu cũng đóng vai trò là trạm chuyển tiếp thông tin liên lạc. Thiên Vấn 1 sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu về đất, cấu trúc địa chất, môi trường và khí quyển của hành tinh Đỏ.

UAE, Mỹ, Trung Quốc chuẩn bị phóng tàu thăm dò sao Hỏa -0

Hình minh họa trạm đổ bộ của Trung Quốc trên bề mặt sao Hỏa. Nguồn: CNN. 

Sao Hỏa từ lâu đã có một sức hút mãnh liệt và mơ ước chinh phục của nhiều quốc gia, nhưng thực tế cho thấy nhiều lần nhiệm vụ này đã thất bại. Tàu vũ trụ đã nổ tung, bị đốt cháy hoặc rơi xuống đất, với tỷ lệ thất bại vượt quá 50% trong nhiều thập kỷ qua. Nỗ lực gần đây nhất của Trung Quốc hợp tác với Nga vào năm 2011 cũng đã kết thúc trong thất bại.

Trên thế giới hiện chỉ có Mỹ đã tám lần đưa thành công tàu vũ trụ lên sao Hỏa. Hai tàu đổ bộ của NASA hiện đang hoạt động ở đó là InSight và Curiosity. Hiện có sáu tàu vũ trụ khác đang khám phá hành tinh Đỏ từ quỹ đạo gồm: ba tàu của Mỹ, hai tàu của châu Âu và một từ Ấn Độ.