Tỷ lệ phản ứng sau tiêm từ 14-20%
Vaccine là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền hiễm nguy hiểm. Các vaccine phòng Covid-19 hiện nay có hiệu quả bảo vệ từ hơn 60 đến hơn 90%.
PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Việt Nam đã hoàn thành hai đợt tiêm chủng, sử dụng an toàn, hiệu quả và kịp thời trong số vaccine đã được cung ứng.
Với vaccine được phân bổ đợt 3, các tỉnh cũng đang thực hiện tiêm chủng theo kế hoạch và đã tiêm chủng được khoảng 30% số vaccine được nhận. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì tất cả các địa phương cần hoàn thành tiêm chủng đợt 3 sớm ngay trong tháng 6-2021.
Về tỷ lệ phản ứng sau tiêm, bà Hồng cho biết, vaccine phòng Covid-19 cũng như bất kỳ một loại vaccine nào, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định bao gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh; và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời.
Cho đến nay, với hơn 1,5 triệu liều vaccine sử dụng Việt Nam đã ghi nhận số trường hợp phản ứng thông thường từ khoảng 14-20% tùy theo từng địa phương. Tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO.
Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine đã xảy ra, các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Hiệu quả và thời gian bảo vệ của vaccine vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá
Đánh giá về hiệu quả bảo vệ với biến chủng mới, theo bà Hồng, vaccine phòng Covid-19 hiện nay đều là vaccine mới. Do đó, theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất, việc theo dõi về hiệu quả và thời gian bảo vệ của vaccine vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy vaccine Covid-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh với một số biến chủng của virus SARS-CoV-2.
"Thực tế cho thấy các biến chủng của virus không thể ngay lập tức làm vô hiệu hóa hiệu quả của vaccine. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khuyến cáo tiêm chủng vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả phòng, chống bệnh Covid-19", bà Hồng cho hay.
Vì thế, bà Hồng nhấn mạnh, vaccine phòng Covid-19 ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh và giảm số phải nhập viện điều trị và tử vong. Vaccine phòng Covid-19 nói chung và vaccine Astra Zeneca nói riêng không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và kinh tế phát triển.
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, vaccine là vũ khí hiệu quả và phòng chống bệnh truyền nhiễm một cách bền vững nhất. Bình thường sản xuất vaccine mất từ 4-5 năm, thậm chí 10 năm. Riêng vaccine ngừa Covid-19 sản xuất chưa đầy một năm và được cấp phép sử dụng theo điều kiện khẩn cấp và các vaccine khác nhau có hiệu quả phòng bệnh khác nhau.
"Chúng ta chưa rõ tiêm xong bao lâu có hiệu quả phòng bệnh, chưa rõ việc hiệu quả ngăn cản quá trình lây lan dịch bệnh. Hiện nay, các nhà nghiên cứu mới chắc chắn giảm triệu chứng nặng và giảm tử vong. Do đó, người dân không được chủ quan, vẫn phải áp dụng 5K", ông Phu nhấn mạnh.
Để tạo được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần tiêm ít nhất cho khoảng 70% dân số. Khi tạo miễn dịch cộng đồng, lúc đó Việt Nam có thể không phải giãn cách xã hội.
Ông Phu nhận định: "Chúng ta cố gắng tiêm nhanh và tiêm nhiều để đạt miễn dịch cộng đồng nhưng còn phụ thuộc vào vaccine mà chúng ta có (nguồn nhập khẩu hoặc sản xuất). Theo tôi, có thể từ giờ đến cuối năm chưa thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải duy trì chiến lược: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả. Đồng thời, thực hiện thông điệp 5K+vaccine".