Tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở Thanh Hóa chưa đạt yêu cầu tỉnh đề ra

Ngày 24/6, theo báo cáo tại Phiên họp thường kỳ tháng 6 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến ngày 17/6 đạt 5.352,9 tỷ đồng, bằng 41,7% kế hoạch vốn đã giao chi tiết và cao hơn 12,6% so với cùng kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành kiểm tra tiến độ thi công công trình giao thông.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành kiểm tra tiến độ thi công công trình giao thông.

Dù vậy, tiến độ thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 và một số dự án đầu tư lớn, trọng điểm chưa bảo đảm theo yêu cầu, như: tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn-Hoằng Hóa; Hoằng Hóa-Sầm Sơn và Quảng Xương-Tĩnh Gia; đường giao thông từ khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn-Hoằng Hóa; các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của một số đơn vị đạt thấp so với tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân 4,7%, thị xã Nghi Sơn đạt 14,6%, huyện Ngọc Lặc đạt 15,7%, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đạt 15,8%, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đạt 17,4%; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 18,3%, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 18,7%, huyện Mường Lát giải ngân đạt 26,3%, huyện Hà Trung đạt 30,4% so với tổng vốn đầu tư công được phân bổ.

Ngoài một số quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, đấu thầu chưa thống nhất, chưa phù hợp nhưng chậm được sửa đổi; nhu cầu vốn để giải phóng mặt bằng, đầu tư các dự án hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; nguyên nhân chủ quan là một số chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao, thiếu chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; một số nhà đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn năng lực còn hạn chế, chưa thực hiện theo cam kết trong hồ sơ dự thầu, chủ trương đầu tư, còn sai phạm trong đấu thầu.

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở Thanh Hóa chưa đạt yêu cầu tỉnh đề ra ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại phiên họp.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn thẳng thắn chỉ rõ tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu của tỉnh do công tác lãnh, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa sâu sát, quyết liệt; tiến độ thực hiện Nhà máy xử lý rác thải của thành phố Thanh Hóa ở xã Đông Nam, huyện Đông Sơn và Nhà máy xử lý rác thải ở thị xã Bỉm Sơn quá chậm, còn để xảy ra một số điểm ô nhiễm môi trường, một số dự án lớn trong lĩnh vực văn hóa triển khai rất chậm.

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở Thanh Hóa chưa đạt yêu cầu tỉnh đề ra ảnh 2

Phương tiện cơ giới và văn phòng điều hành một mũi thi công đường bộ ven biển Nga Sơn- Hoằng Hóa.

Thanh Hóa tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; tăng cường đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, nguyên vật liệu, thiết bị, bổ sung các mũi thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; kiên quyết xử lý nghiêm nhà thầu xây lắp, đơn vị tư vấn không thực hiện theo đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu; tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tăng tốc, bảo đảm khối lượng, đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất.

Đi đôi với triển khai, thực hiện Luật Đất đai năm 2024, Thanh Hóa tập trung giải quyết các “nút thắt” để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch giải phóng mặt bằng; tăng cường đối thoại với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết phản ánh, kiến nghị, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.