Dự hội nghị có đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang đã giới thiệu các nội dung mới tại các văn bản của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và của tỉnh liên quan đến lĩnh vực tài nguyên-môi trường; thông tin tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án của tổ chức, doanh nghiệp cần kiến nghị tháo gỡ, giải quyết.
Đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận, trao đổi các khó khăn, vướng mắc như: việc bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất cụ thể đối với một số công trình, dự án còn chậm; điều chỉnh thời hạn thuê đất một lần sang thuê hằng năm; chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tạo điều kiện cho hợp tác xã có trụ sở giao dịch và hoạt động; quá trình thực hiện còn có đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh về giá đất, giá trị tài sản được bồi thường.
Việc chậm giao đất tái định cư; việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, khoáng sản, môi trường có lúc chưa bảo đảm thời gian, vẫn còn hồ sơ chậm so với quy trình thực hiện; còn chưa thống nhất trong việc xác định hình thức giao đất, cho thuê đất.
Việc khảo sát, lập dự án đầu tư đối với nhiều công trình chưa xác định được cụ thể địa điểm bố trí tái định cư, điểm mỏ đất, vị trí đổ thải để khai thác làm vật liệu san lấp, đổ thải san gạt mặt bằng...
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã chỉ ra nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc được doanh nghiệp nêu tại hội nghị là do hệ thống pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất; chưa có hướng dẫn việc giải phóng mặt bằng triển khai các dự án sản xuất kinh doanh theo quy định tại Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013.
Việc xác định giá đất để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thường chưa sát với giá thị trường; chưa bố trí được nguồn vốn để giải phóng mặt bằng đối với các khu, cụm công nghiệp gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án; một số doanh nghiệp cùng một thời điểm đầu tư nhiều dự án, dẫn đến khó khăn trong bố trí nguồn lực; nhiều chủ đầu tư còn lúng túng trong việc lập hồ sơ, thủ tục; tài liệu điều tra cơ bản còn thiếu, cơ sở dữ liệu của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường…
Đồng chí đề nghị các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, triển khai thực hiện nghiêm các nội dung quy định tại Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Chủ động hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện lập các thủ tục theo quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và tham mưu thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các công trình, dự án bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật và thời gian cho phép sớm nhất. Thực hiện việc xác định giá đất bảo đảm kịp thời, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện bộ thủ tục hành chính về đất đai theo hướng đơn giản; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết. Tập trung hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thẩm định, quyết định giá đất bảo đảm theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu công việc để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Các nội dung trao đổi tại hội nghị đã góp phần quan trọng giải quyết các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, tăng cường quản lý trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đồng thời bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư; phát huy, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài nguyên gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.