Thủ tục hành chính: Cải thiện nhưng còn chậm

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; nguyên tắc "lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy".
0:00 / 0:00
0:00
Vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (Ảnh TRẦN HÀ)
Vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (Ảnh TRẦN HÀ)

Song thực tế, thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn những rào cản, nhất là trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước; các bất cập về thủ tục thuế, phí, đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư công,… cần được sớm nhận diện và loại bỏ thời gian tới.

Là chủ của một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng quần áo thời trang nhập khẩu có trụ sở tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), vừa qua chị Bùi Thị Hồng Hạnh đã đến văn phòng một cửa của UBND quận Cầu Giấy để làm thủ tục tiếp tục kinh doanh sau một thời gian dài dừng hoạt động vì gặp khó khăn trong thời kỳ dịch Covid-19.

Trước khi đến làm lại giấy tờ, hồ sơ, ban đầu chị Hạnh khá ngần ngại và lo lắng về sự phức tạp của các thủ tục hành chính do công ty đã dừng hoạt động khá lâu. Thế nhưng, chị Hạnh chia sẻ: "Chỉ sau chưa đầy 15 phút làm thủ tục theo sự hướng dẫn tận tình của các công chức tại đây, tôi cảm thấy khá hài lòng bởi tất cả các thủ tục hành chính đều có những hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết. Mọi vấn đề liên quan việc xin cấp phép hoạt động trở lại đều thực hiện tại chỗ ở văn phòng một cửa, không còn phải chạy đôn đáo đi nhiều nơi để xin xác nhận như trước kia".

Anh Lương Trung Anh mới mua căn hộ chung cư đã qua một đời chủ tại huyện Gia Lâm (Hà Nội). Đã làm các thủ tục mua bán sang tên xong, nhưng sau hơn hai tháng sửa căn hộ anh mới tá hỏa vì biết cơ quan điện lực sẽ "cắt" điện căn hộ này của anh do đã chậm thanh toán tiền điện hai tháng. Quá bất ngờ và khi tìm hiểu anh mới được biết, do thông báo tiền điện hằng tháng được gửi qua zalo về số điện thoại của người đứng tên hợp đồng (là chủ cũ) nên anh Trung Anh phải làm thủ tục chuyển tên chủ sử dụng điện tại căn hộ từ người chủ cũ sang tên mình.

Nghe đến đây, cứ ngỡ sẽ phải đến các trụ sở của đơn vị cung cấp điện lực để làm một đống thủ tục hoặc tìm gặp chủ cũ để xin xác nhận chuyển giao hợp đồng rất phiền hà và phức tạp, nhưng qua một hồi hướng dẫn, hóa ra anh chỉ cần ngồi một chỗ "gõ phím" là được. Theo lời anh Trung Anh: "chỉ chưa đầy 3 ngày sau khi nộp hồ sơ online tại website của ngành điện và chờ thẩm định, tôi đã được chuyển đổi thành công tên hợp đồng mua bán điện từ người chủ cũ sang tên tôi".

Theo Văn phòng Chính phủ, các quy định kinh doanh đã được các bộ công khai, cập nhật 17.830 quy định về kinh doanh, gần 150 quy định chuẩn bị ban hành và cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Đồng thời, đến nay các bộ, ngành đã tích cực triển khai việc cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10, bộ, cơ quan; theo đó phải sửa đổi, bổ sung 197 văn bản; các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 396 quy định kinh doanh tại 54 văn bản.

Thủ tục hành chính: Cải thiện nhưng còn chậm ảnh 1
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận 1 cửa xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. (Ảnh AN KHÁNH)

Ngoài ra, có 25,9% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng (tăng 5 lần so tháng 9/2022); 62,7% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa, trong đó có 25% được số hóa hoàn toàn quá trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả (tăng 4 lần so tháng 9/2022).

Có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia với hơn 6 triệu tài khoản đăng ký,… Kết quả này có sự đóng góp, tổ chức triển khai tích cực, hiệu quả của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia và hiệp hội doanh nghiệp, thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản; việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm; một số bộ chưa trình Thủ tướng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; chưa khai thác hiệu quả Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; chưa tích cực phản hồi ý kiến của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, thiếu chủ động, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền được giao; đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác,… dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành tại chính quyền các cấp.

Cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin trong doanh nghiệp, người dân đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công chia sẻ, tại báo cáo PCI 2022 cũng đã chỉ ra, tuy chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung có chuyển biến tích cực khi giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật, nhưng tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến nhất ở các lĩnh vực thuế phí (35%), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%). Đặc biệt, chất lượng thực thi chính sách ở cấp chính quyền cơ sở vẫn là một hạn chế đáng chú ý và cần cố gắng hơn nữa để cải thiện chất lượng điều hành có kết quả đồng bộ.

Vấn đề được các doanh nghiệp và người dân quan tâm và cần tiếp tục tháo gỡ là tình trạng ách tắc trong giải quyết hồ sơ về đất đai khiến thời gian xử lý kéo dài hơn so với quy định. Điều này đã tạo ra "điểm nghẽn" lớn với nhiều doanh nghiệp và đang là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Đây cũng là vấn đề từng được chỉ ra trong các báo cáo PCI trước đây nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Vấn đề được các doanh nghiệp và người dân quan tâm và cần tiếp tục tháo gỡ là tình trạng ách tắc trong giải quyết hồ sơ về đất đai khiến thời gian xử lý kéo dài hơn so với quy định. Điều này đã tạo ra "điểm nghẽn" lớn với nhiều doanh nghiệp và đang là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa và áp dụng số hóa triệt để quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định nhằm giảm gánh nặng tuân thủ.

Phát biểu tại phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn coi cải cách hành chính là nhiệm vụ đột phá chiến lược; thường xuyên chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện, trong đó có cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số.

Theo kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2022, mức độ hài lòng của người dân được khảo sát đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước là 80,08%. Trong đó, mức độ hài lòng đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách là 79,72%, mức độ hài lòng đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công là 80,43%. Trong 63 địa phương, tỉnh có chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất là Quảng Ninh (87,59%) và tỉnh có chỉ số thấp nhất là Bình Thuận (72,54%).

Nguồn: Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ