Tổ chức thi 34 nghề
Tại buổi họp báo do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức sáng 23-9, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng GDNN Nguyễn Thị Việt Hương cho biết, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 sẽ tuyển chọn ra được những thí sinh có năng lực nhất tham gia đội tuyển quốc gia để huấn luyện chuẩn bị tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN lần thứ 13 và kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 46 năm 2021. Thông qua đó, chương trình nhằm tăng cường hội nhập quốc tế và phát triển kỹ năng nghề và GDNN tại Việt Nam.
Chia sẻ về những điểm mới của kỳ thi năm nay, Vụ trưởng Kỹ năng nghề (Tổng cục GDNN) Nguyễn Chí Trường cho biết, kỳ thi có nhiều nội dung đổi mới gắn với việc triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới và phù hợp với xu thế thay đổi trong nước và khu vực, thế giới về khoa học kỹ thuật và phát triển kỹ năng nghề. Vì vậy, kỳ thi được đổi tên thành Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, thay cho tên gọi trước đó là Kỳ thi Tay nghề quốc gia.
Đồng thời, đây cũng là kỳ thi có số nghề tổ chức thi lớn nhất từ trước đến nay với 34 nghề, tăng tám nghề so với số nghề tổ chức ở kỳ thi năm 2018 chỉ là 26 nghề. Trong đó, có bảy nghề lần đầu tiên được tổ chức, là: Phay CNC, Tiện CNC, Dịch vụ lễ tân, Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội và ba nghề trình diễn (gồm: Điều khiển công nghiệp, Thiết kế thời trang kỹ thuật số và Công nghệ nước).
Đặc biệt, lễ khai mạc kỳ thi được tổ chức ngày 4-10, tại Hà Nội. Tại sự kiện này, dự kiến sẽ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nNgày Kỹ năng Lao động Việt Nam (ngày 4-10). Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ký quyết định công nhận ngày 4-10 hằng năm là “Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam”.
Kỳ thi này có tổng số 505 thí sinh đến từ 50 đoàn đăng ký dự thi, trong đó có bốn bộ, ngành; một tập đoàn; một hiệp hội; một tổng công ty và 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sẽ có sáu hội đồng thi, trong đó năm hội đồng thi được tổ chức tại năm trường cao đẳng tại Hà Nội và một hội đồng thi được tổ chức tại Lạng Sơn.
Đồng thời, do đề thi được tiệm cận với kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN, nên thời gian thi tăng lên thành 12 đến 15 tiếng. Trước đây, thời gian thi của thí sinh kéo dài không quá tám tiếng.
Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ban tổ chức thi đã bổ sung những quy định về công tác phòng. chống Covid-19 trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này.
Đặc biệt, Kỳ thi có sự tham gia của đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an để bảo đảm tính công bằng, minh bạch, khách quan cho kỳ thi.
Tuyên dương học sinh, sinh viên nghề xuất sắc
Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Trần Minh Huyền cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng giao Tổng cục GDNN tổ chức Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên GDNN xuất sắc, tiêu biểu năm 2020.
Đây là lần đầu tiên tổ chức Lễ tuyên dương dành cho học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu trong các cơ sở GDNN, với hai nhóm tiêu chuẩn về học tập và đạo đức lối sống.
Các học sinh, sinh viên được tuyên dương là những em có thành tích xuất sắc toàn diện trong học tập và phải đạt một trong các tiêu chí: có đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải nhất, nhì, ba cấp trường trở lên hoặc có sáng kiến trong học tập, lao động; có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị được áp dụng, hoặc có sản phẩm sáng tạo được cấp bằng sáng chế, cấp giấy phép xuất bản hoặc đạt giải nhất, nhì, ba các cuộc thi cấp tỉnh…
Qua ba vòng xét chọn từ cấp trường, cấp sở, Hội đồng xét chọn cấp toàn quốc đã lựa chọn 130 học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu nhất.
Trong số này, có 112 sinh viên, 18 học sinh của 70 cơ sở GDNN thuộc 28 tỉnh, thành phố.
Lễ tuyên dương sẽ diễn ra trong hai ngày 8 và 9-10 tại Hà Nội với các hoạt động chính như: báo công dâng Bác tại Quảng trường Ba Đình, dâng hương Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội tặng quà...