Tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề già hoá dân số

Đây là một trong những khó khăn và thách thức lớn của dân số Việt Nam đang gặp phải. Thông tin này được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đưa ra tại buổi mít - tinh hưởng ứng ngày Dân số thế giới (11-7) sáng 10-7, tại Hà Nội.

Số liệu thống kê của Tổng cục DS - KHHGĐ cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi ( NCT) của Việt Nam tăng nhanh trong những năm đầu của thế kỷ 21 khi con số này lên tới 9,45% năm 2007 (so với 8,2% năm 1999) và dự báo đến năm 2020 sẽ lên tới 11,4% và đến năm 2050 sẽ đạt tới 26%. Số lượng NCT cũng tăng từ 3,71 triệu người năm 1979 lên 8,05 triệu người năm 2007 và sẽ lên tới 29,77 triệu người vào năm 2050. Trong những năm đầu của thế kỷ 21 (2000 - 2007), NCT tăng thêm 1,86 triệu người (tỷ lệ tăng bình quân 4,3%/năm) và sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

 Dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng bình quân mỗi năm trên 1 triệu người, tương đương với quy mô dân số của một tỉnh có số dân trung bình; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) tiếp tục tăng. Cứ một người bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ thì có khoảng 2 người bước vào độ tuổi sinh đẻ.

Cơ cấu dân số Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn “Dân số trẻ” sang giai đoạn “Dân số vàng”. Tỷ lệ người già (60 tuổi trở lên) ở mức 9,9 % dân số vào năm 2008, và trong tương lai Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề già hoá dân số. Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ em trai/100 trẻ em gái) tăng từ 107 ( năm 1999) 112 ( năm 2008). Dự báo sẽ còn tiếp tục tăng ở những năm tới. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở các vùng sâu vùng xa, vùng nghèo còn ở mức cao.

Để làm tốt các mục tiêu, chính sách về dân số, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp như: Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, đặc biệt chú trọng đến những người dân ở vùng biển, đảo, vùng sâu, vùng xa và vùng nghèo.

Hoàn thiện và nâng cao năng lực bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ các cấp; Đẩy mạnh hoạt động thử nghiệm tư vấn và kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân, sáng lọc trước sinh và sơ sinh, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi, khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính.

Xây dựng và bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản phù hợp với nhiệm vụ triển khai toàn diện công tác dân số cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng…    

Bạn có biết

Trên toàn thế giới, hằng năm hơn 500.000 phụ nữ tử vong trong quá trình mang thai và sinh đẻ. Số phụ nữ gặp biến chứng liên quan tới mang thai cao gấp 30 lần con số trên. Hơn 350 triệu cặp vợ chồng chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ KHHGĐ

2/3 số người mù chữ trên thế giới là phụ nữ. Hàng trăm triệu thanh thiếu niên không biết đọc, biết viết và hàng trăm triệu trẻ em không được đến trường.

 Mỗi ngày có 30.000 trẻ em tử vong ( khoảng 10 triệu trẻ em chết trong một năm vì các bệnh lý có thể ngăn chặn được.