Sau hơn một tháng khẩn trương chuẩn bị, đầu tháng 7/2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (đặt tại số 1 phố Kim Mã, quận Ba Đình).
Đây là một trong những giải pháp quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới.
Trong đó, giao thông thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể thành phố thông minh.
Trước đó, Hà Nội đã đưa vào khai thác một số tiện ích như: Tìm kiếm chỗ đỗ và thanh toán trông giữ xe không dùng tiền mặt; tìm kiếm lộ trình xe buýt; thí điểm thẻ vé điện tử trên một số tuyến buýt…
Tuy nhiên, các dự án này rời rạc, thiếu tính kết nối, cho nên hiệu quả chưa cao. Do đó, việc thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh đã khẳng định quyết tâm xây dựng, từng bước hình thành giao thông thông minh.
Đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết, Trung tâm Điều hành giao thông thông minh, với hệ thống phần mềm quản lý và thiết bị ngoại vi, có 12 chức năng cơ bản gồm: Giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng; quản lý vận tải; quản lý nhu cầu giao thông; mô phỏng giao thông trong công tác quản lý, khai thác và điều hành giao thông vận tải.
Trong giai đoạn thí điểm, hệ thống có chín chức năng (trong đó bảy chức năng hoạt động ngay và hai chức năng chờ tích hợp). Hệ thống được thiết kế sẵn sàng mở rộng, tích hợp đủ 12 chức năng khi các ứng dụng hoàn thiện, đủ điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Cụ thể, tại Trung tâm Điều hành giao thông thông minh sẽ có phần mềm quản lý và ghi hình luồng video có tính năng kết nối, quản lý camera an ninh; hiển thị hình ảnh linh hoạt theo thời gian thực; cảnh báo trạng thái thiết bị, cảnh báo vi phạm giao thông mới phát hiện…
Cùng với đó là các phần mềm đo đếm lưu lượng; giám sát vi phạm; điều khiển đèn tín hiệu giám sát giao thông…
Tại hai nút giao thông trên phố Phạm Văn Bạch sẽ được lắp đặt camera đo đếm mật độ lưu lượng phương tiện giao thông trên tuyến, tích hợp dữ liệu giao thông với ứng dụng bản đồ; camera đo tốc độ; camera dùng để ghi nhận, phát hiện các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông nhằm hỗ trợ xử lý vi phạm…
Ghi nhận thực tế tại hai nút giao phố Phạm Văn Bạch với phố Hoàng Quán Chi và với Ngõ 9 vào giờ cao điểm, giao thông diễn ra thuận lợi, an toàn; không xảy ra tình trạng ùn tắc, nhưng vẫn còn tình trạng xe máy vi phạm như vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, dừng trên vạch sang đường cho người đi bộ…
Anh Lê Văn Trung ở Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) cho biết, khi chưa có đèn tín hiệu tại khu vực này, nút giao Phạm Văn Bạch-Hoàng Quán Chi thường xuyên xảy ra xung đột giao thông. Thế nhưng hiện nay, vấn đề này đã được giải quyết, việc di chuyển thuận lợi hơn.
Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, khu vực Phạm Văn Bạch-Hoàng Quán Chi được lựa chọn thí điểm lắp đặt hệ thống giao thông thông minh vì có mật độ giao thông vừa phải. Thời gian của đèn tín hiệu sẽ tự điều chỉnh theo lưu lượng của xe.
“Chúng tôi lắp đặt để theo dõi, giám sát, thu thập thông tin quá trình tham gia giao thông của xe đi qua, đi về. Việc thí điểm ở vị trí có mật độ giao thông bình thường để từ đó sẽ nhân rộng ra, triển khai những vị trí khác”, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho hay.
Điểm ưu việt của hệ thống camera thông minh này là khả năng quét và lưu thông tin của tất cả phương tiện khi đi vào vùng camera soi chiếu với độ sắc nét cao, ngay cả vào ban đêm; đồng thời có thể lọc hành vi vi phạm giữa hàng trăm phương tiện giao thoa để thực hiện tái ghi hình từ trước thời điểm vi phạm và lưu dữ liệu.
Hiện nay, Sở Giao thông vận tải thành phố đang phối hợp Công an thành phố Hà Nội để xây dựng cơ chế phối hợp, truyền dữ liệu, tiến tới xử phạt nghiêm các trường hợp mắc lỗi.
Sau thời gian triển khai thí điểm, Sở Giao thông vận tải sẽ đánh giá hiệu quả để tiến hành mở rộng lắp đặt tại nhiều hơn các nút giao, phục vụ mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý giao thông trên địa bàn.