Tuần rừng Bù Gia Mập

Chúng tôi như đã vượt lên chính mình, sau trải nghiệm trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Thế nhưng, phải dành sự ngưỡng mộ và cảm phục cho việc đối mặt với những khó khăn, vất vả của những nhân viên kiểm lâm - người hằng ngày, hằng giờ đang làm công tác gìn giữ từng tấc đất, tấc rừng nơi đây...

Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập trên đường tuần tra bảo vệ rừng.
Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập trên đường tuần tra bảo vệ rừng.

Chuyến đi không định trước

Chúng tôi tới Bình Phước qua lời giới thiệu của một đồng nghiệp ở đây. Dù nghe anh nói sẽ đưa ra vùng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia nhưng trong suy nghĩ của mỗi người cũng chưa hình dung được mình sẽ đi những đâu, gặp gỡ những ai. Sau gần năm giờ đồng hồ di chuyển từ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi dừng chân tại Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Cảm giác của mỗi người lúc này chỉ là muốn nghỉ ngơi sau cả chặng đường dài dưới cái nắng oi gắt, tham quan và tìm hiểu khu vực bảo tồn động vật hoang dã cùng đời sống sinh hoạt của những nhân viên kiểm lâm tại đây. Thế rồi chỉ kịp ngồi xuống uống chén nước chè vối vừa mới pha vẫn còn bốc khói nghi ngút, chỉ kịp thoáng nhìn những gương mặt sạm đen của các nhân viên kiểm lâm, chúng tôi được Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng Kiều Ðình Tháp đề nghị chuẩn bị ngay đồ đạc để vào rừng luôn cho kịp khi trời vẫn còn nắng.

Tất cả vội vàng sắp xếp đồ dùng cá nhân cần thiết, máy ảnh và không quên một hộp xịt côn trùng, trước lúc anh Tháp xuất hiện. Tưởng như cuộc thám hiểm cánh rừng nguyên sinh lớn nhất của tỉnh Bình Phước sẽ bắt đầu ngay, nhưng rồi chúng tôi lại lên xe di chuyển thêm khoảng 20 km nữa theo Tỉnh lộ 741 xuyên qua Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Theo anh Tháp, Vườn quốc gia Bù Gia Mập có diện tích gần 26.000 ha, trong đó có 100 ha rừng trồng của 600 hộ. Ðây là nơi bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái, các nguồn gen quý hiếm của hệ động vật, thực vật đặc hữu cho miền Ðông Nam Bộ; là rừng phòng hộ đầu nguồn của các công trình thủy điện như: Thác Mơ, Cần Ðơn… cũng như phục vụ việc nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái.

Vừa giới thiệu, anh Tháp vừa chỉ cho chúng tôi xem những khoảng rừng lồ ô rộng lớn, lồ ô xen gỗ hay gỗ xen lồ ô. Rồi bóng dáng những con linh trưởng như khỉ đuôi lợn chạy ngang qua đường hay những loài chim đang chuyền cành. Anh Tháp cho biết thêm, tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập có sáu loài linh trưởng, trong đó có hai loài nằm trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) là vượn đen má vàng và chà vá chân đen.

Di chuyển một đoạn nữa, chúng tôi bắt gặp một loài hoa lạ mà khi hỏi ra mới biết đó là muồng hoa đào. Theo anh Tháp, muồng hoa đào có nguồn gốc từ rừng tự nhiên khu vực Ðông - Nam Á. Ở Việt Nam, cây phổ biến rộng rãi ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Ðác Lắc và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ như Tây Ninh, Ðồng Nai... Muồng hoa đào có chùm hoa lớn, dài khoảng 15 cm, có nhiều hoa, các hoa nằm trên một cuống chung, cánh xòe đều ra năm cánh có mầu trắng hồng trông thanh thoát, nhẹ nhàng rất đẹp mắt, nhị hoa có mầu vàng, nhụy cong. Nó thường ra hoa vào mùa hè (từ tháng 7 đến 11) tùy theo vùng, hoa đẹp, sai hoa nhưng mau tàn. Ðiều đáng chú ý như anh Tháp giới thiệu thì muồng hoa đào được xem là hoa chỉ dẫn cho mùa mưa sắp đến.

Chúng tôi dừng chân tại Trạm kiểm lâm số 3 nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Phước và Ðác Nông. Ðược gặp những nhân viên bảo vệ rừng thuộc cộng đồng nhận khoán thôn Bon Bu Răng tại đây nhưng một lần nữa, Tháp nhắc nhở chúng tôi phải di chuyển luôn nếu không trời sẽ tối.

Cuộc tuần rừng đầu tiên

4 giờ 15 phút chiều, chúng tôi bước xuống con dốc, con đường tuần tra hằng ngày của các cán bộ kiểm lâm, theo hướng dẫn của anh Tháp. Anh nói luôn, đây là hành trình ngắn nhất mà chúng tôi sẽ trải qua, khoảng 2 đến 3 km, tương đương 45 cho đến 60 phút đi bộ.

Nghe chỉ có vậy và được thông báo sẽ hạ trại ở một nơi như tiên cảnh, chúng tôi vội vã rảo chân, trước khi nhận ra rằng, đây hoàn toàn không phải là một cuộc đi bộ thông thường. Cảm giác phải xuống dốc ngay khiến những đôi chân của chúng tôi bắt đầu run lên bần bật. Dĩ nhiên rồi cảm giác này cũng nhanh chóng biến mất nhưng sau dốc xuống lại là dốc lên, cứ như thể tất cả vừa được xả hơi lại phải căng sức leo tiếp.

Như hiểu được tình trạng của chúng tôi, anh Tháp vừa đi vừa trò chuyện, giới thiệu hệ sinh thái của rừng như để chúng tôi quên đi sự mệt mỏi và câu hỏi thường trực trên môi của tất cả là bao giờ sẽ tới điểm hạ trại. Ðiều bất ngờ và khó tin khiến chúng tôi phải đặt câu hỏi là không biết anh Tháp đã đi qua con đường này bao nhiêu lần kể từ khi anh bắt đầu công việc vào năm 2005. Quen thuộc đến nỗi chàng trai người gốc Hà Tây cũ biết rõ từng ngọn cây, ngọn cỏ, từng bông hoa. Tháp kể, anh sinh ra và lớn lên ở Hà Tây, theo học ở Trường đại học Lâm nghiệp trước khi vào Bình Phước sinh sống. Tính ra, chàng trai 38 tuổi này cũng đã có 14 năm gắn bó với rừng. Vợ anh là người cùng quê và cũng làm việc tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Tuần rừng Bù Gia Mập ảnh 1

Chà vá chân đen sinh sống ở Vườn quốc gia.

Chúng tôi tự hỏi, chẳng biết hai đứa con của anh Tháp, đứa đầu 5 tuổi và đứa sau mới được 20 tháng, có theo chân cha mẹ ở lại Vườn quốc gia Bù Gia Mập hay không, bởi chỉ riêng những công việc thường ngày của họ đã đòi hỏi một sự kiên trì và dẻo dai đáng nể. Không ngưỡng mộ và thán phục sao được khi những người như anh phải đi bộ hàng chục ki-lô-mét trong mỗi cuộc tuần rừng, bất kể trời mưa hay nắng, ngày cũng như đêm. Rừng có được nguyên vẹn, bị cháy do nắng nóng, bị lâm tặc tàn phá hay không là đều phụ thuộc vào họ. Vậy nhưng họ tự nguyện và yêu mến công việc, sự vất vả đó. Trong suy nghĩ của anh Tháp vẫn chỉ là từng loại động, thực vật, những con số ghi chép và cảm giác háo hức khi được nghe tiếng động của một con vật nào đó sột soạt trong đám cây hay được thấy một loại nấm mọc bên đường, một nhành lan có thể anh chưa gặp bao giờ…

Sau khi dừng chân tại Trạm kiểm lâm Ðác Manh, chúng tôi đi khoảng 10 phút nữa thì tới điểm hạ trại nằm bên dòng suối Ðác K’me. Lúc này là gần 6 giờ tối và tính ra thì chúng tôi đã mất một giờ ba mươi phút cho quãng đường tưởng chừng ngắn ngủi đó. Ðón chúng tôi là anh Ðiểu Hùng và Ðiểu Ba, những nhân viên bảo vệ rừng thuộc cộng đồng nhận khoán thôn Bon Bu Răng. Họ đã vào rừng từ sáng để chuẩn bị trại, lương thực cho bữa chiều của chúng tôi.

Sau khi nghỉ ngơi và thưởng thức cơm lam, thịt lợn kho trứng, canh thụt, một món ăn truyền thống của vùng Tây Nguyên được những người dân ở đây nấu trong các ống lồ ô, chúng tôi lại được nghe Tháp kể về dòng suối Ðác K’me. Ðây là một trong 20 dòng suối ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập, bên cạnh đó là hơn 20 thác nước lớn nhỏ khác nhau và một trong số đó sẽ xuất hiện trên con đường trở về của chúng tôi.

Nghĩa là chúng tôi sẽ di chuyển về Trạm kiểm lâm số 3 men theo suối. Kế hoạch là vậy nhưng bất chợt từ đằng xa bỗng nghe tiếng sấm báo hiệu mưa sắp tới khi thời tiết ngày càng oi và ngột ngạt hơn. Vào thời điểm này trong năm, Bình Phước đang ở giai đoạn chuyển tiếp giữa mùa khô và mùa mưa. Chính vì thế, anh Tháp quyết định để chúng tôi nhổ trại và trở về luôn.

Về trong đêm tối

Ý nghĩ phải tới Trạm kiểm lâm số 3 khiến chúng tôi đi nhanh hơn nhưng điều đó đồng nghĩa chúng tôi sẽ mất rất nhiều sức. Phía trước là màn đêm đen kịt, phía sau cũng không thấy gì. Trong khoảng không gian đó, chúng tôi chỉ nghe thấy lá sột soạt dưới chân, tiếng thở gấp của chính mình và tiếng côn trùng rả rích. Ðáng sợ hơn là khi mồ hôi thoát ra nhiều và thân nhiệt mỗi người nóng lên, đó là cơ hội lý tưởng cho muỗi và vắt xuất hiện. Sự mệt mỏi đã khiến chúng tôi mất cả cảm giác bị vắt bám vào chân. Chỉ đến lúc thấy đau buốt và rọi đèn xuống thì đã thấy con vắt no máu nằm đó. Cứ như thế, mỗi một đoạn đường đi, chúng tôi lại phải dừng lại để xử lý một vết thương mới.

Chắc chắn, đây là những điều mà mỗi người không nghĩ đến khi cho rằng, chúng tôi có thể trở ra nhanh hơn lúc vào vì đã biết rõ địa hình. Tiếng sấm ngày một gần hơn, càng thúc giục chúng tôi đi vội vã và tiếng thở cũng ngày một gấp hơn. Chúng tôi chẳng thể dừng lại quá lâu để nghỉ ngơi, bởi nếu dừng lại sẽ càng khiến mình mệt thêm. Lúc này mỗi người đều có những cảm giác khác nhau, người mệt quá buộc phải ngồi bệt xuống tảng đá hay cành cây trên đường; người dựa lưng vào cây hay cúi xuống để thở hoặc bám vào bất cứ cái gì nhô ra để làm chỗ tựa. Không ai nói ra, tất cả đều nghĩ sẽ chẳng thể leo được lên con dốc cuối cùng để về điểm xuất phát ban đầu dù đoạn đường trước mặt chỉ khoảng 50 m.

Thật may mắn là tất cả từng người một rồi cũng "bò" được về điểm tập kết. Ai cũng ớn lạnh vì mồ hôi chẳng còn để thoát ra mà thấm ngược trở lại khi chiếc áo đang mặc trên người đã ướt sũng. Lúc này, trời đã gần đêm.

Chúng tôi rời Vườn quốc gia Bù Gia Mập trong tiếng mưa rơi nặng hạt. Mọi người đều cảm thấy thật may mắn vì không phải đi rừng dưới trời mưa nhưng rồi cũng chợt nghĩ, trong điều kiện thời tiết như vậy, không hiểu làm sao những người như các anh Tháp, Hùng hay Ba vẫn có thể vượt qua các cuộc tuần rừng gian nan đó. Chắc chắn, phải có tình yêu thật sự với rừng, họ mới gắn bó như vậy với công việc này, không chỉ qua mỗi ngày hay từng tuần, từng tháng mà hằng năm trời.