Từ vụ bỏ cọc đấu giá biển số xe 51K-888.88, đề nghị phạt tiền nặng nếu bỏ cọc

NDO - Từ vụ việc một cá nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh đã trúng đấu giá biển số 51K-888.88 với giá trên 32 tỷ đồng rồi không nộp tiền mà bỏ cọc, đại biểu Quốc hội đề nghị phải phạt tiền gấp nhiều lần.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)

Phạt tiền nặng nếu bỏ cọc

Chiều ngày 8/11, tại phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), đề nghị xem xét bổ sung quy định xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan tại Điều 70 Luật Đấu giá tài sản mà bỏ cọc.

Đại biểu Yến dẫn chứng, một cá nhân ở thành phố Hồ Chí Minh đã trúng đấu giá biển số 51K-888.88 với giá hơn 32 tỷ đồng vào ngày 15/9, nhưng do không nộp tiền trúng đấu giá, người này đã chịu mất tiền cọc đã nộp trước là 40 triệu đồng. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, phải có biện pháp phạt tiền gấp nhiều lần.

Đây cũng không phải là vụ việc duy nhất người trúng đấu giá không nộp tiền mà bỏ cọc. Trước đó, công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt (đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã có văn bản chính thức xin bỏ cọc mua bán quyền sử dụng lô đất số 3-12 tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) và bỏ số tiền đặt cọc gần 600 tỷ đồng.

Hiện tại, Luật Đấu giá tài sản chưa có chế tài cho vấn đề này. Do đó, người đấu giá hoàn toàn có quyền bỏ cọc. Luật chỉ quy định người đã trúng đấu giá mà không đóng tiền, thì mất tiền cọc theo Điều 19 Nghị định 39/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Vì vậy, đại biểu Yến đề nghị bổ sung quy định, khi đấu giá, người đấu giá không được bỏ cọc các tài sản do Nhà nước quản lý. Nếu bỏ cọc, có thể phạt tiền gấp nhiều lần hoặc phạt 30% giá trị tài sản đấu giá. Theo đại biểu Yến, quy định này sẽ tránh được tình trạng đấu giá thành rồi bỏ cọc.

"Bỏ của chạy lấy người"

Chỉ ra hậu quả của tình trạng bỏ cọc, đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội) nhận định: Điều này sẽ gây ra sự mất niềm tin và thất thoát lớn đối với việc đầu tư vào dự án, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư khác. Do đó, đại biểu Trung đề nghị dự án Luật cần có quy định chi tiết và rõ ràng hơn về việc xử lý nhà đầu tư trúng thầu một dự án nhưng sau đó "bỏ của chạy lấy người".

Từ vụ bỏ cọc đấu giá biển số xe 51K-888.88, đề nghị phạt tiền nặng nếu bỏ cọc ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội). (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, tinh thần sửa đổi Luật cần chặt chẽ tránh để nhà đầu tư, người dân lợi dụng để trục lợi. Ông nhấn mạnh rằng, cần công khai và minh bạch thông tin liên quan đến đấu giá tài sản, bao gồm thông tin đấu giá và thông tin trao đổi với người đấu giá. Đồng thời, đại biểu Cường đề xuất việc cấm tiết lộ thông tin về người đấu giá, người sở hữu tài sản và tổ chức đấu giá.

Trong việc ngăn chặn việc trục lợi trong hoạt động đấu giá, một số ý kiến cho rằng cần tăng tiền đặt cọc đấu giá tài sản. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc đặt cọc tài sản quá cao có thể hạn chế số lượng người tham gia đấu giá. Do đó, ông cho rằng tư cách của người đấu giá rất quan trọng và tổ chức đấu giá cần chứng minh được tài sản bảo đảm của người tham gia đấu giá.

Với sự phổ biến ngày càng tăng của hình thức đấu giá trực tuyến, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị dự án Luật sửa đổi cần có quy định rõ ràng về việc đưa những tài sản nào vào đấu giá trực tuyến, nhằm tránh việc bị lợi dụng.