Từ thiện Phật giáo, cầu nối gắn kết tấm lòng

40 năm phát triển, hội nhập cùng đất nước, đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài ngày càng phát triển với gần 55 nghìn Tăng ni, 18 nghìn ngôi chùa và tự viện cơ sở Phật giáo, hàng chục triệu tín đồ Phật tử. Hội đồng Chứng minh là biểu tượng tinh thần Đạo pháp, Hội đồng Trị sự điều hành 13 Ban, Viện và 63 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG) tỉnh, thành phố. Giáo hội Phật giáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xiển dương đạo pháp, phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo.
Phật tử hiến máu cứu người tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. (Ảnh MỸ HÀ)
Phật tử hiến máu cứu người tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. (Ảnh MỸ HÀ)

Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn coi trọng hoạt động từ thiện dưới nhiều góc độ khác nhau, như: xây dựng trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa, phòng khám Đông y; trung tâm tư vấn và nuôi dưỡng người mắc HIV/AIDS... Những hoạt động đó góp phần khẳng định vai trò của Phật giáo trước vấn đề xã hội của đất nước, đồng thời khẳng định giáo lý của Đức Phật là nhân văn, nhân ái vì con người.

Những hoạt động thấm đậm nhân văn, nhân ái

Ngay trước thềm Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, các hoạt động nhân đạo, từ thiện được Phật giáo cả nước liên tục tổ chức, với những công việc cụ thể, thiết thực.

Theo thông tin từ Trung ương GHPG Việt Nam, Trung ương Giáo hội vừa tổ chức chuyến thăm hỏi, tặng quà đồng bào miền núi tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ. Đoàn từ thiện do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Trưởng ban Trị sự GHPG tỉnh Nghệ An làm trưởng đoàn. Chiêu Lưu là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng trong đợt lũ lịch sử vừa qua.

Trung ương Giáo hội đã tổ chức Đoàn công tác vào tận nơi để thăm hỏi, động viên và tặng quà, góp phần giúp người dân khắc phục hậu quả sau lũ, đồng thời tặng quà một số người dân thuộc diện khó khăn nơi đây. Trong chuyến đi này, Chư tôn đức Trung ương GHPG Việt Nam đã tặng 500 phần quà, mỗi phần gồm một thùng mì ăn liền và 500 nghìn đồng.

Trước đó, đoàn từ thiện chùa Thanh Lâm, Pháp Huyền, Câu lạc bộ “Mái ấm yêu thương” tỉnh Bình Phước, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước có mặt tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An để hỗ trợ người dân khó khăn ảnh hưởng bởi bão số 4. Đoàn trao 300 phần quà, gồm: gạo, mì, nước mắm và mỗi hộ số tiền 200 nghìn đồng đến 300 gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 4. Đoàn cũng đã vượt qua nhiều đoạn đường khó khăn, trao tận tay 52,5 triệu đồng hỗ trợ 39 hộ dân bị trôi hoàn toàn nhà do hoàn lưu cơn bão gây ra.

Ban Từ thiện xã hội Phật giáo huyện Châu Thành cùng Chư tôn đức Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang cùng chính quyền địa phương tổ chức khánh thành đưa vào hoạt động cầu nông thôn tọa lạc tại xã Long Định và xã Vĩnh Kim. Cây cầu tại xã Vĩnh Kim có chiều dài 20 mét, đường dẫn 15 mét, bề rộng 3,5 mét, tải trọng 3,5 tấn, thời gian thi công khoảng 2 tháng, với tổng kinh phí xây dựng dự toán khoản 1 tỷ đồng. Tại xã Long Định, cây cầu được thiết kế xây dựng bằng xi-măng cốt thép với chiều dài 18 mét, bề rộng 4 mét, tải trọng 5 tấn, thời gian thi công hoàn thiện một tháng, do nhóm Từ thiện chùa Phước xây dựng, tổng kinh phí hơn 250 triệu đồng.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam khẳng định: Giáo hội đã có những đóng góp rất đáng tôn vinh, mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng được ủng hộ cho các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, chăm sóc y tế cộng đồng. Trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, ngoài ủng hộ trang thiết bị y tế, thuốc men, quỹ vắc-xin phòng Covid-19, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, còn có những Tăng ni đã cởi áo cà sa khoác áo blouse, tình nguyện vào tuyến đầu tham gia chống dịch.

Phật giáo là một trong những tôn giáo có đóng góp to lớn trong việc xã hội hóa các hoạt động từ thiện xã hội, ủng hộ chương trình gây Quỹ vì người nghèo do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Bên cạnh đó, công tác cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, được quan tâm sâu sắc. Các cơ sở Phật giáo trong cả nước đã ban hành Thông bạch vận động cứu trợ đồng bào khó khăn, xây dựng các Tuệ Tĩnh đường, phòng chẩn trị y học dân tộc, phòng khám Đông y, Tây y, xây dựng trường lớp, nhà dưỡng lão, cơ sở nuôi trẻ mồ côi...

Một trong những việc làm thể hiện tinh thần “Đồng hành cùng dân tộc” của Phật giáo, là khi đất nước ta trải qua thời kỳ dịch Covid-19. Tăng ni, Phật tử trên cả nước không chỉ chấp hành nghiêm chỉnh việc phòng, chống dịch, ngừng tổ chức các hoạt động mà còn là những tấm gương sáng về tinh thần yêu thương, sẻ chia sâu sắc đối với đồng bào.

Một số chùa thành lập đội thiện nguyện phát nhu yếu phẩm tặng người dân; lập cây ATM phát gạo miễn phí và tặng máy thở cho các bệnh viện để ứng phó với dịch bệnh. GHPG các quận, huyện, thành phố ban hành thư kêu gọi các chùa tham gia phong trào toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch. Trung ương GHPG Việt Nam, GHPG các tỉnh, thành phố đã có đóng góp to lớn về vật chất, cùng Nhà nước và các cấp chính quyền tham gia phòng, chống dịch.

Chung sức, chung lòng vì cộng đồng

Từ thiện xã hội là một trong những nội dung của an sinh xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác của Phật giáo, là hoạt động mang tính “nhập thế” của Phật giáo. Các lĩnh vực như chăm sóc thương bệnh binh, trợ giúp và đỡ đầu các gia đình có công với cách mạng, ủng hộ các công trình xã hội, tặng quà tình nghĩa cho người nghèo, già cả, neo đơn, khám chữa bệnh, khen thưởng, tặng học bổng cho các cháu học sinh giỏi... được tiến hành thường xuyên.

Hoạt động từ thiện không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn của tín đồ Phật giáo mà còn là một biểu hiện quan trọng chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo. Ở đây, không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ con người bằng các liệu pháp tinh thần, mà còn biểu hiện thông qua những hành động mang tính thực tiễn, nổi bật là sự hỗ trợ vật chất trong hoạt động hành đạo, góp phần trong công tác an sinh xã hội.

Bắt đầu từ nhiệm kỳ I (1981-1987) cho đến nay, với tinh thần “nhân sinh”, từ thiện xã hội của Đức Phật được Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các chư tăng hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư và tín đồ Phật giáo luôn quán triệt và vận dụng vào cuộc sống hằng ngày. Hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng được coi trọng và phát huy tính tích cực của triết lý nhân sinh Phật giáo vào trong đời sống xã hội.

Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Từ thiện xã hội Trung ương, các Phân ban Trung ương và Ban Từ thiện xã hội các tỉnh, thành phố đã ủng hộ được hơn 12.000 tỷ đồng. Hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo được sự chỉ đạo của Ban Từ thiện xã hội Trung ương GHPG Việt Nam, luôn tuân theo chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, phù hợp với chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hiểu rõ vai trò của Phật giáo trong việc tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện, Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi để Đạo Phật có thể phát huy vai trò của mình, được cụ thể hóa thông qua văn bản, nghị quyết, luật. Chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo Việt Nam trong đó có Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển theo tinh thần tốt đời, đẹp đạo.

Với sự nỗ lực không ngừng, GHPG trong cả nước luôn đoàn kết, đồng lòng gắn chặt tư tưởng từ bị, nhân văn của Đức Phật vào cuộc sống. Vì thế Đạo Phật ở Việt Nam trong công tác từ thiện xã hội mang truyền thống dân tộc Việt Nam rõ rệt. Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc. Trải qua hơn 40 năm thành lập và phát triển, qua 8 kỳ đại hội, trong đường hướng hoạt động, GHPG Việt Nam luôn coi trọng hoạt động từ thiện, đây là cơ sở để góp phần bảo đảm an sinh xã hội hiệu quả và bền vững của đất nước.