Từ Quảng Bình đến Quảng Nam cấm biển để chống bão

NDO -

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã cấm biển từ ngày 16-9. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi dự kiến cấm biển vào ngày 17-9 để chống bão số 5. 

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp.

Sáng 17-9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp ứng phó với bão số 5.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão số 5 di chuyển nhanh, cường độ mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 14. Vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có khả năng gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Ngày 18-9, bão số 5 ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ, trọng tâm là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Mưa lớn tập trung ở Trung Bộ từ chiều 17 đến đêm 18-9 với lượng mưa rất lớn, trong thời gian ngắn. Lũ cao nhất có khả năng lên báo động 2 ở các tỉnh Trung Bộ kèm theo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.

Theo báo cáo nhanh, các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng có kế hoạch sơ tán 295.859 hộ/1.177.486 người với kịch bản bão cấp 10, 11. Trong đó: Quảng Bình: 208.979 hộ/835,917 người; Quảng Trị: 23,522 hộ/94,089 người; Thừa Thiên - Huế: 28,128 hộ/106,612 người; Đà Nẵng: 35,229 hộ/ 140,868 người. Các tỉnh đang tiếp tục rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân theo diễn biến thực tế của bão.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 17-9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 tàu/ 285.384 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hoạt động tại khu vực khác 9.785 tàu/66.704 lao động; neo đậu tại các bến 48.049 tàu/ 218.934 lao động.

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai cho biết, các địa phương, bộ ngành đã ra quân chỉ đạo quyết liệt, quân đội đã bố trí lực lượng lớn sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết tại những vị trí xung yếu.

Ông Hoài cũng đề nghị cơ quan dự báo đưa ra những bản tin sát tỉnh hình thực tế, cung cấp số đo thực tế cấp độ gió trên một số đảo để biết diễn biến thực tế, giúp Ban chỉ đạo có những chỉ đạo kịp thời. Đề nghị các đài truyền hình, cơ quan thông tin đại chúng phát chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện với tần suất tăng cường. Ông cũng cho biết hiện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai đã kích hoạt hệ thống gửi tin nhắn đến hàng triệu thuê bao trong vùng ảnh hưởng của bão số 5 để cảnh báo người dân.

Ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý Đê điều, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Trưởng ca trực Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai, hiện có 49 vị trí đê điều xung yếu từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ; 16 công trình đê điều đang thi công trên các tuyến đê biển, đê cửa sông. Các địa phương thực hiện gia cố công trình đang thi công và sẵn sàng phương án bảo vệ.

Bộ trưởng, Phó trưởng ban thường trực Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương, Bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm tục Công điện số 1258/CĐ-TTg ngày 16-9 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó những nội dung trọng tâm tập trung triển khai thực hiện như sau:

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các địa phương rà soát, cập nhật, thông báo chính thức số liệu tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền di chuyển bảo đảm an toàn.

Rà soát, thông báo, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho khách du lịch nhất là khách du lịch trên các đảo và vùng ven bờ.

Tổng kiểm tra, đôn đốc sơ tán người dân trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản.

Bộ Giao thông vận tải thông báo cho các cảng vụ, địa phương, chủ phương tiện, thuyền trưởng để bảo đảm an toàn cho tàu vận tải. Rà soát sẵn sàng phương tiện tại Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Đà Nẵng; bố trí tàu tìm kiếm cứu nạn chốt tại khu vực cửa sông Gianh – Quảng Bình để sẵn sàng cứu hộ tàu thuyền khi lũ, bão.

Các địa phương chủ động thực hiện cấm biển chậm nhất trong ngày hôm nay (17-9), nhất là năm tỉnh trọng điểm.

Căn cứ vào diễn biến bão số 5, các địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.

Các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi.

Tổng kiểm tra, rà soát việc vận hành và bảo đảm an toàn cho hồ, đập; Tiếp tục cử đoàn công tác trực tiếp kiểm tra tại địa phương.

Rà soát, tổ chức sơ tán dân các khu vực nguy hiểm, nhất là vùng ven biển, trên các đảo, tránh tư tưởng chủ quan cũng như không để gây hoang mang trong nhân dân.

Tổ chức tổng kiểm tra, rà soát công tác chỉ huy, điều hành của các địa phương.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo; tăng dày tần suất phát bản tin bão; phối hợp với cơ quan truyền thông đưa tin kịp thời tới các địa phương và người dân.

Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện ứng phó với bão số 5 đến tận cơ sở.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó với bão số 5.