Từ phố thị đến buôn làng

Tục phổ biến ở các buôn làng Tây Nguyên trong đời sống lứa đôi là tục bắt chồng, do các tộc người như Chu Ru, Cơ Ho Cil, Lạch... vẫn còn giữ chế độ mẫu hệ.
0:00 / 0:00
0:00
Từ phố thị đến buôn làng

Ngày nay, cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, điều kiện về văn hóa tinh thần cũng được nâng lên, những tưởng rằng hủ tục trong đời sống đồng bào đã được xóa bỏ, nhưng thực tế các hủ tục ấy đã có những biến thái ở một số buôn làng, nhất là tục thách cưới. Cộng đồng người Chu Ru ở thôn Kan Kil, xã Próh (Đơn Dương), hay ở xã Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng) vẫn tồn tại hủ tục thách cưới nặng nề mỗi khi người phụ nữ tuổi cập kê đi “kiếm tấm chồng”.

Một vị trưởng thôn cho biết: Bây giờ, nhiều nhà người Chu Ru trong thôn vẫn còn thách cưới cao, từ một đến hai cây vàng, hoặc chí ít cũng năm chỉ vàng trở lên. Những người mẹ khác như Tu Prong Mapia, Jơ Lâng Ma Ních ở thôn này đã khuynh gia bại sản để cho 5-6 cô con gái của họ được...“bắt chồng”…

Phần lớn người Chu Ru ở Đơn Dương hiện nay không cho nhà gái tổ chức đám cưới, nếu chưa giao đủ lễ vật. Tất cả những trường hợp nợ do bắt chồng trước đây, nếu để qua ba đời mà không trả được, khi “con nợ” chết gia đình vẫn phải làm thịt trâu, bò để cúng.

Còn với tộc người Cơ Ho, luật tục cho phép trong hoàn cảnh quá ngặt nghèo gia đình phía vợ được nợ các lễ vật trong đám cưới. Họ có thể trả dần và dĩ nhiên đôi vợ chồng trẻ phải nai lưng ra làm để trả. Trong trường hợp cặp vợ chồng này không trả hết thì đến đời con, đời cháu phải trả.

Hiện nay, ở các buôn làng Tây Nguyên, rất nhiều phụ nữ độc thân không bắt chồng được vì nghèo, không có tiền, vàng, vì hình thức không đẹp, vì cha mẹ không có con trai để trao đổi cho nhau.

Chế độ mẫu hệ, phụ nữ có quyền lực và được quý trọng hơn nam giới, nhưng trước gánh nặng của tập tục thách cưới, giờ đây nhiều gia đình dân tộc thiểu số muốn sinh cả con trai, con gái để thực hiện “giải pháp” có qua, có lại. Tục bắt chồng, thách cưới đã gây hệ lụy đến kế hoạch hóa gia đình. Và hơn hết, hủ tục đã làm cho sự nghèo túng mãi mãi đeo bám trên những mái nhà, những buôn làng cao nguyên…