Từ ngày 25-27/11, Trung Bộ mưa lớn, nguy cơ ngập lụt diện rộng

NDO - Dự báo, từ gần sáng 25 đến ngày 27/11, ở khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa có nơi hơn 600mm/đợt. Trong mưa dông đề phòng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của khối không khí lạnh ở phía bắc di chuyển lệch về phía đông xuống phía nam kết hợp với hoạt động của đới gió đông, từ gần sáng 25 đến ngày 27/11, ở khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, vùng tâm mưa có nơi hơn 600mm/đợt.

Ngoài ra, từ chiều tối 23 đến ngày 24/11, ở khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi hơn 70mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1.

Theo nhận định của các chuyên gia, đợt mưa này ít có khả năng xảy ra giống đợt mưa từ ngày 13-17/11 vừa qua. Tuy nhiên, do mưa xảy ra ở diện rộng, cục bộ có nơi mưa đặc biệt lớn, nên những tác động cần lưu ý là xảy ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập úng ở các đô thị và vùng ven sông. Khu vực ven biển cần đặc biệt đề phòng gió mạnh có thể gây ra sóng lớn và nước dâng.

Ngoài ra, sáng 23/11, trên vùng biển nam Biển Đông đã hình thành một vùng áp thấp có vị trí ở vào khoảng 6 độ vĩ bắc, 111 độ kinh đông. Vùng áp thấp này có xu hướng dịch chuyển chậm về phía tây và không loại trừ khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Triển khai lực lượng xung kích, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Kiểm tra, rà soát phương án vận hành bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.