Từ ngày 22/3, khu vực Thanh Hóa-Quảng Ngãi nắng nóng gay gắt, có nơi hơn 39 độ C

NDO - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 22/3, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất 35-38 độ C, có nơi hơn 39 độ C.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng gió phơn, ngày mai (22/3), ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi hơn 37 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 35-50%.

Khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi hơn 39 độ, độ ẩm tương đối thấp nhất 35-50%.

Các nơi khác ở Bắc Bộ và khu vực từ Bình Định đến Phú Yên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi hơn 36 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 45-55%.

Khu vực miền Đông Nam Bộ tiếp tục xảy ra nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 40-50%.

Cảnh báo, nắng nóng diện rộng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Sơn La, Hòa Bình từ ngày 24/3 giảm dần; khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và miền Đông Nam Bộ từ ngày 25/3 nắng nóng dịu dần.

Ngoài ra, trong những ngày tới, chỉ số UV tại các tỉnh, thành phố trên cả nước được dự báo ở mức gây hại rất cao, xảy ra trong khoảng từ 10 giờ đến 14 giờ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân khi ra đường vào thời điểm chỉ số UV đạt đỉnh trong ngày từ 10 giờ đến 14 giờ cần đội mũ rộng vành, đeo mắt kính màu sậm, bịt kín khẩu trang và tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát để hạn chế tác động từ tia UV.

Cùng với đó, mọi người nên bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím; uống bù đủ nước khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày; sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.