Do đó, từ ngày 11-1, Bến xe Miền Ðông sẽ chính thức bán trước hàng chục nghìn vé cho hành khách đi lại từ ngày 27 đến 31-1 (từ ngày 24 đến 28 tháng Chạp). Có 16 tuyến từ TP Hồ Chí Minh đi đến các địa phương: Hà Nội, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Quy Nhơn... sẽ được bán vé trong đợt này. Với các tuyến từ TP Hồ Chí Minh đi Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðà Lạt, Buôn Ma Thuột không cần bán vé trước. Vào dịp Tết Nguyên đán, dự kiến lúc cao điểm, số lượng lượt khách sẽ tăng lên từ 50 nghìn đến 60 nghìn, do vậy Bến xe sẽ tăng cường thêm mười xe chất lượng cao của Hợp tác xã Miền Ðông phục vụ.
Từ ngày 13 đến ngày 28-1, Bến xe Miền Tây sẽ bắt đầu bán vé trước cho hành khách đi lẻ và bán vé tập thể từ ngày 24-1 đến ngày 1-2 (từ 21 đến 29 tháng Chạp); khách đi tập thể cùng tuyến đường từ 25 người trở lên, sẽ được phục vụ đưa đón tận nơi. Ước tính lượng khách đi lại tại Bến xe Miền Tây trong Tết sẽ cao hơn năm trước từ 5 đến 10%, ngày cao điểm có thể từ 53 nghìn đến 55 nghìn lượt, cần huy động gần hai nghìn xe và dự kiến sẽ điều 80 xe buýt phục vụ hai ngày 27 và 28 tháng Chạp.
* Sau khi giá vé tàu cánh ngầm tuyến TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu tăng từ 180 nghìn đồng lên 200 nghìn đồng/người/lượt khiến khách đi tàu hết sức bức xúc thì mới đây hàng loạt các hãng xe khách tuyến TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu và ngược lại cũng đều đồng loạt tăng giá vé.
Trao đổi với chúng tôi chiều 9-1, một nhân viên bán vé tại Bến xe Vũng Tàu cho biết, giá vé tuyến Vũng Tàu - TP Hồ Chí Minh và ngược lại đã được các hãng xe tăng thêm 5.000 đồng/người/lượt. Theo đó, các hãng xe Kumho - Rạng Ðông, Thiên Phú, Hoa Mai, Minh Thắng tăng giá vé lên thành 65.000 đồng/người/lượt; hãng xe Hoàng Sơn tăng giá vé lên thành 55.000 đồng/người/lượt.
Giải thích cho việc tăng giá vé, hầu hết các nhà xe hoạt động trên tuyến Vũng Tàu - TP Hồ Chí Minh đều cho rằng, việc tăng giá vé là để bù đắp chi phí đầu vào tăng cao trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia ngành giao thông vận tải, chi phí đầu vào lớn nhất của một doanh nghiệp vận tải là xăng dầu (thường chiếm từ 40 đến 50%). Trong khi giá xăng dầu đã được Chính phủ bình ổn trong suốt thời gian dài vừa qua, lý do các doanh nghiệp đưa ra để tăng giá vé là không hợp lý. Hơn nữa, giá vé xe khách trên tuyến Vũng Tàu - TP Hồ Chí Minh trước khi tăng cũng đã ở mức rất cao so với các tuyến khác, như tuyến Vũng Tàu - Long An có giá vé 55.000 đồng/người/lượt; tuyến Vũng Tàu - Bến Tre có giá vé 64.000 đồng/người/lượt. Cả hai tuyến này đều có cự ly dài hơn so với tuyến Vũng Tàu - TP Hồ Chí Minh.
Ðược biết, trước việc các hãng xe hoạt động trên tuyến Vũng Tàu - TP Hồ Chí Minh đồng loạt tăng giá vé, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cử cán bộ nắm tình hình và rà soát lại toàn bộ quy trình tăng giá vé của các doanh nghiệp để có hướng xử lý.