Tuy nhiên, những bộ phim nêu trên mới chỉ được chiếu rạp tại các thành phố lớn, còn ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa cả nước thì khán giả lại chưa bao giờ được xem. Theo bạn đọc, đây là một sự lãng phí lớn nguồn lực xã hội xét trên quan điểm phục vụ quần chúng. Từ đó, bạn đọc kiến nghị, các nhà làm phim truyện nhựa sau thời gian phát hành ngoài rạp, nên chăng phối hợp các đài truyền hình, các hãng in ấn băng đĩa nhân bản những bộ phim hay của Điện ảnh Việt Nam để khán giả trong cả nước có thể được xem, bảo đảm quyền thụ hưởng sản phẩm văn hóa.
Thống kê gần đây cho thấy, hiện cả nước có 58 rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý, 34 rạp của các công ty tư nhân Việt Nam, còn lại khoảng 140 rạp thuộc công ty liên doanh nước ngoài. Những rạp chiếu phim này tập trung tại các thành phố lớn trong khi tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại không có. Khán giả vùng sâu, vùng xa muốn xem phim cũng không có cách nào. Trong cơ chế thị trường, vấn đề bản quyền đang chi phối lớn và trở thành rào cản đưa các sản phẩm văn hóa đến với người dân.
Với các nhà sản xuất phim tư nhân, sau khi một bộ phim truyện điện ảnh được chiếu ngoài rạp, họ sẽ tiếp tục phát hành trên các kênh xem phim trực tuyến có thu phí như Netflix để bảo đảm thu hồi vốn và tối đa hóa lợi nhuận. Những bộ phim thuộc sở hữu nhà nước có thể chiếu miễn phí phục vụ người xem thì thời gian gần đây lại không nhiều. Chưa kể, việc thiếu những thiết chế văn hóa cơ sở, khiến khả năng tiếp cận các sản phẩm văn hóa của người dân bị hạn chế, dẫn đến khoảng cách thụ hưởng văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa so với đô thị có khoảng cách khá xa.
Từ lá thư bạn đọc có thể thấy, người dân có nhu cầu cao được thưởng thức các sản phẩm văn hóa (trong trường hợp này là sản phẩm điện ảnh). Chính vì vậy, trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, văn hóa là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt mà tất cả mọi người đều mong muốn tiếp cận và có quyền thụ hưởng bình đẳng. Các cơ quan quản lý văn hóa cần có giải pháp đa dạng hóa các kênh tiếp cận cho người dân. Trong thời đại chuyển đổi số, giải quyết vấn đề này chúng ta có nhiều phương thức khác nhau.
Được biết mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho triển khai quyết liệt đề án "Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến". Đây là một đề án có ý nghĩa rất quan trọng để đưa những tác phẩm giá trị của điện ảnh Việt Nam đến với khán giả bằng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu thưởng thức các bộ phim điện ảnh trên nền tảng trực tuyến. Hiện nay chúng ta có một kho tàng lớn phim Việt Nam đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam: 7.765 phim nhựa, tương đương 77.750 giờ phim, gồm các loại hình phim tài liệu, phim hoạt hình, phim truyện nhựa.
Những bộ phim phải "cất kho" trong khi nhu cầu xem phim của người dân rất lớn là một sự lãng phí lớn. Cho nên, số hóa khối lượng phim này sẽ mở ra cơ hội tiếp cận cho khán giả trên mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, đề án này còn góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Song song giải pháp số hóa, chúng ta cần có cơ chế khai thác từ nguồn xã hội hóa để các nhà sản xuất phim tư nhân có thể hài hòa được lợi ích của mình, sẵn sàng đưa những bộ phim hay lên các kênh truyền thông đại chúng, khi đó sự thụ hưởng sản phẩm văn hóa của người dân sẽ được bình đẳng và đầy đủ.