Phim truyền hình Việt:

Sự chuyển mình mạnh mẽ

Những năm gần đây, phim truyền hình Việt Nam đã từng bước lấy lại cảm tình của khán giả. Từ “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, gần đây là “Hướng dương ngược nắng”, “Mùa hoa tìm lại”, “Hương vị tình thân”, “11 tháng 5 ngày”, và cho đến nay là “Phố trong làng”, “Thương ngày nắng về”, “Mặt nạ gương” … rất nhiều phim đã được khán giả vô cùng yêu thích, thậm chí gây sốt. Phim truyền hình Việt Nam đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của khán giả vào mỗi buổi tối quây quần bên gia đình. Vị thế của phim truyền hình Việt cũng đã được nâng cao.


Phim truyền hình lên ngôi

Nếu như thời gian trước đây, phim truyền hình Việt Nam thường là lựa chọn cuối của khán giả, bởi những thảm họa giờ vàng đã lấy đi lòng tin và sự kiên nhẫn, thì khoảng hơn 10 năm trở lại đây, hàng loạt phim Việt "đổ bộ" các khung giờ chính trên các kênh sóng của VTV đã hoàn toàn làm thay đổi quan niệm này.

Điều này có được là do quyết tâm thay đổi của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) để kéo khán giả trở lại với phim Việt. Khởi đầu là dòng phim mang dấu ấn riêng trên kênh VTV1 với các phần tiếp theo của “Cảnh sát hình sự” là “Đột kích” và “Giấu mặt” (khoảng năm 2007), cùng với “Ma làng” (năm 2008), “Luật đời” (năm 2007) … Những bộ phim chính luận được đầu tư nghiêm túc, bài bản từ kịch bản, diễn viên đến hậu kỳ đã dần dần thu hút khán giả.

Hàng loạt phim ở các thể loại từ tình cảm, gia đình, hài hước được đồng loạt tung vào các kênh sóng của VTV vào các khung giờ vàng. Phong phú về đề tài, đa dạng về cách thể hiện, cùng với dàn diễn viên ngoại hình đẹp và diễn xuất tốt, không chỉ những diễn viên lâu năm mà cả những diễn viên trẻ, mới, chưa được đào tạo bài bản nhưng đã cũng đầu tư rất công phu cho từng nhân vật của mình…, đó là những yếu tố không những “kéo lại” mà còn giữ chân được khán giả trong từng buổi tối.

Là người gắn bó lâu nhất với các bộ phim của Đài Truyền hình Việt Nam, đạo diễn, NSND Khải Hưng cho rằng, phim truyền hình Việt Nam thời gian gần đây đã lôi cuốn được đông đảo người xem, giữ chân được khán giả ngồi lại trước màn hình và mong chờ đến giờ chiếu mỗi tập phim. Điều này cho thấy rõ được sự thắng lợi và bước tiến của dòng phim truyền hình Việt Nam.

NSND Trọng Trinh, một người cũng gắn bó với nhiều dự án phim truyền hình của VFC chia sẻ, những bộ phim gần đây đã có ít nhiều tiếng vang và được lan tỏa, được công chúng đón nhận không chỉ miền bắc mà cả trong nam. “Tôi đã có những chuyến đi công tác vào trong nam, nhiều khán giả trong đó quan tâm và hỏi nhiều về những bộ phim truyền hình ngoài bắc. Các đồng nghiệp của chúng tôi cũng nhận ra rằng, phim truyền hình Việt Nam hiện nay đã có rất nhiều thay đổi, rất khác trước đây, và quan trọng nhất là khán giả cũng thấy và đón nhận điều này”, anh nói.

Phim Việt ở khung giờ vàng trên các kênh sóng của VTV giờ đây có thể tự hào khi đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng khán giả. Phim chính luận có “Sinh tử”, “Mê cung”, “Lựa chọn số phận” …; phim hình sự có “Người Phán xử”, loạt phim “Cảnh sát hình sự” mà mới đây nhất là “Mặt nạ gương” với hàng loạt gương mặt diễn viên trẻ, mới và tài năng đang phát sóng. Đặc biệt dòng phim tình cảm, tình yêu dành cho giới trẻ và dòng phim gia đình hiện đang là thế mạnh của phim truyền hình Việt Nam, với hàng loạt phim rất được yêu thích như “Sống chung với mẹ chồng”, “Về nhà đi con”, “Mùa hoa tìm lại”, “Hướng dương ngược nắng”, “Chạy trốn thanh xuân”, “Ngày ấy mình đã yêu”, “Khúc hát mặt trời”, “Tuổi thanh xuân”, “Zippo, mù tạt và em”, “11 tháng 5 ngày”… Nhiều phim đã trở thành “hiện tượng” với tỷ suất người xem rất cao, như “Sống chung với mẹ chồng”, “Về nhà đi con”, “Hướng dương ngược nắng”…

Phim "Tuổi thanh xuân" hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Phim "Tuổi thanh xuân" hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Chính vì thế, phim truyền hình Việt Nam đã chinh phục được cả những khán giả khó nhất. Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực khác, phát triển nhanh bao giờ cũng có “sạn”. Sự lặp lại của những gương mặt đã quá quen thuộc; việc vừa viết kịch bản, vừa quay, vừa phát sóng đôi khi khiến bộ phim bị “quên” một vài mâu thuẫn đặt ra trước đó mà không giải quyết; một vài chỗ sạn, lỗi trong phim về trang phục, đạo cụ… Những điều đó tuy không ảnh hưởng nhiều nhưng cũng khiến cho “món ăn tinh thần” giảm độ ngon, nhất là khi khán giả vừa tinh ý vừa khó tính.

Chị Ngô Thu Hà (phường Xuân La, quận Tây Hồ) là một khán giả trung thành của các bộ phim truyền hình Việt Nam. Lâu nay, mọi công việc buổi tối, gia đình chị đều cố gắng hoàn thành sớm để đến “giờ vàng” là lại quây quần chung quanh chiếc TV. Gắn bó với phim truyền hình lâu năm, chị chia sẻ: “Trước đây ngoài thời sự, chúng tôi không mấy khi xem các phim Việt Nam. Những năm gần đây, phim truyền hình Việt Nam được đầu tư tốt, câu chuyện gần gũi, lời thoại chân thật, “đời” hơn chứ không bị sáo rỗng hoặc văn viết. Hiện nay, chúng tôi theo dõi hết những phim đang phát sóng trên các kênh của VTV, không bỏ một tập nào cả”.

Tuy nhiên, theo chị Ngô Thu Hà, một số phim vì vừa quay vừa phát sóng cho kịp tiến độ, cho nên không khỏi có sạn. “Có những phim đặt ra mâu thuẫn ở đầu phim, nhưng đến cuối phim lại quên mất. Có những phim có sạn về trang phục, đạo cụ… Chúng tôi mong các nhà làm phim, khi đã nỗ lực hết sức để tạo ra một sản phẩm tốt, hãy chăm chút kỹ hơn các chi tiết để tránh lãng phí công sức của mình”.

Phim "Thương ngày nắng về" hiện đang thu hút sự chú ý của khán giả với dàn diễn viên chất lượng.

Phim "Thương ngày nắng về" hiện đang thu hút sự chú ý của khán giả với dàn diễn viên chất lượng.


Đầu tư công phu

NSND Trọng Trinh, người có nhiều năm gắn bó với các dự án của VFC cho biết, đây là cả một quãng thời gian mà các nghệ sĩ, diễn viên, nhà làm phim, sản xuất cùng nhiều thành phần khác phải nỗ lực hết sức để thay đổi, chứ không phải ngày một ngày hai. “Chúng tôi đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, và quan trọng nhất là nhân sự, cùng với đó là thiết bị, kỹ thuật…, từ đó có được những bộ phim chất lượng cao”.

NSND Trọng Trinh chia sẻ, để có được những bộ phim tốt, phải bắt đầu từ khâu kịch bản. “Có những kịch bản phải viết đi viết lại nhiều lần. Thí dụ như một bộ phim tôi từng làm, kịch bản phải làm lại tới 3 lần”. Chuẩn bị kịch bản tốt, câu chuyện phải gần gũi với cuộc sống, cách tiếp cận cũng phải dễ gần, dễ cảm đối với khán giả. Để làm được điều này, đạo diễn, NSND Trọng Trinh cho biết, đội ngũ biên kịch của VFC đã xây dựng mô hình nhiều biên kịch cùng làm, thậm chí đọc kịch bản chéo lẫn nhau. Biên kịch xây dựng kịch bản chuyên nghiệp, biết mình mang đến cho khán giả món ăn gì, thể hiện ra sao. Thậm chí ở mỗi kịch bản, các biên kịch phải “đong đếm” rất kỹ sao cho “vừa miệng” khán giả. Họ cũng không ngại thâm nhập vào cuộc sống, “nằm vùng” trên các trang mạng xã hội để tích lũy kinh nghiệm, đưa ra những tình huống, câu thoại hết sức “đời”, gần gũi với khán giả.

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng, người gắn bó với nhiều phim hút khán giả của VFC như “Mùa xuân ở lại”, “Về nhà đi con”, “Hương vị tình thân”…, cho rằng, kịch bản là khâu quan trọng nhất đối với một bộ phim hay. Tuy nhiên, anh lại có cách làm hết sức khác biệt: Vào mỗi buổi quay phim, bao giờ kịch bản cũng được các thành phần đoàn làm phim đóng góp ý kiến, chỉnh sửa cho hoàn thiện, lựa chọn ngôn ngữ gần gũi hơn. “Phim “Về nhà đi con” của tôi không chỉ do biên kịch xây dựng kịch bản, mà có sự đóng góp của nhiều thành phần khác trong đoàn làm phim” - anh kể. Cách làm việc cởi mở đó đã khích lệ sự sáng tạo của mọi người, và tạo ra một bộ phim gần gũi với cuộc sống, trở thành một trong những phim có tỷ lệ người xem cao nhất năm 2019.

"Về nhà đi con", bộ phim truyền hình được yêu thích nhất năm 2019.

"Về nhà đi con", bộ phim truyền hình được yêu thích nhất năm 2019.

Trang thiết bị, kỹ thuật… cũng là yếu tố góp phần vào thành công của phim Việt. Trong những năm gần đây, số lượng phim được đầu tư công phu về thiết bị, kỹ thuật đã tăng lên đáng kể. Flycam, máy quay chất lượng cao, và đặc biệt là thu tiếng trực tiếp tại hiện trường…, cùng với công tác hậu kỳ đã góp phần nâng cao chất lượng phim. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay, mỗi một bộ phim của VFC đều có một Giám đốc hình ảnh, chuyên phụ trách phần quay phim và trau chuốt từng khuôn hình. Còn việc thu tiếng tại hiện trường, không chỉ giúp cho diễn viên diễn xuất tự nhiên hơn, thể hiện đầy đủ cảm xúc hơn, mà còn giúp cho khán giả không phải xem phim trong tình trạng “mặt người này giọng người kia”.


Diễn viên sống cùng vai diễn

Phim "Hãy nói lời yêu".

Quỳnh Kool trong "Hãy nói lời yêu".

Cảnh quay của Bảo Hân và Anh Vũ trong "Hãy nói lời yêu".

Lương Thu Trang và Lê Việt Anh dầm mưa trong cảnh quay "Hướng dương ngược nưangs".

Phim "Hãy nói lời yêu".

Quỳnh Kool trong "Hãy nói lời yêu".

Cảnh quay của Bảo Hân và Anh Vũ trong "Hãy nói lời yêu".

Lương Thu Trang và Lê Việt Anh dầm mưa trong cảnh quay "Hướng dương ngược nưangs".

Nói sống cùng vai diễn có lẽ là chưa đủ, nhiều diễn viên, trong đó có cả các diễn viên trẻ, đã thực sự lăn lộn, thậm chí hy sinh vì vai diễn.

Một trong những diễn viên trẻ lăn lộn vì vai diễn là Quỳnh Kool. Vai diễn Hoàng My trong “Hãy nói lời yêu” là vai nặng ký nhất của Quỳnh Kool từ trước đến nay. Không chỉ phải thể hiện những cung bậc cảm xúc quá nặng và mạnh đối với một cô gái trẻ, Quỳnh Kool còn phải chịu đựng nỗi đau thể xác theo đúng nghĩa đen. Trong phim có một phân đoạn Hoàng My bị đánh ghen, và Quỳnh yêu cầu bạn diễn đánh thật. “Em muốn tạo ra cảm xúc thật, cho nên em chịu bị đánh thật”, Quỳnh nói. Gần 10 tiếng đồng hồ, từ sáng cho đến chiều, thay 2 diễn viên, mới ra được đúng cảnh ưng ý. Xong cảnh quay, Quỳnh bỏ vào toilet ngồi khóc một mình cho xả hết cảm xúc. Ít ai biết, cô diễn viên trẻ này đã sống và diễn trọn vẹn với những cảm xúc của hai nhân vật khác nhau trong hai bộ phim khác nhau cùng phát sóng vào một thời điểm. Đó là “Hướng dương ngược nắng” và “Hãy nói lời yêu”, có khi cùng quay trong ngày, chỉ khác buổi sáng chiều, mỗi buổi một phim.

Hôn - tưởng chừng đơn giản và nhẹ nhàng, nhưng với hai diễn viên trẻ Bảo Hân và Anh Vũ thì lại là một kỷ niệm khó quên, khi cả hai cùng trải qua một cảnh quay hôn nhau kéo dài đến… 7 tiếng đồng hồ. Khi xong cảnh quay, thì cả diễn viên, quay phim, đạo diễn và những người hỗ trợ đều mệt phờ. Nếu nói vui, thì đây là cảnh quay đắt giá nhất phim, nhưng xét trên khía cạnh nghiêm túc, thì chính từ những cảnh quay được thực hiện kỹ lưỡng như thế này, một bộ phim mới đạt chất lượng cao.

Ở nhiều bộ phim khác, diễn viên chịu nóng, rét, ướt, nắng, gió… là chuyện hết sức bình thường. Lương Thu Trang và Việt Anh chịu trận phun nước ướt sũng để quay cảnh nói chuyện với nhau trong mưa của “Hướng dương ngược nắng”. Thanh Sơn và Khả Ngân phơi nắng dưới cái nóng hơn 40 độ của những trần nhà bê tông thành phố để quay cảnh ngồi trên sân thượng trong “11 tháng 5 ngày”. Đình Tú tập cưỡi ngựa và mang gùi chạy trên những con đường sắc nhọn đá tai mèo của vùng núi đá Hà Giang trong “Lặng im dưới vực sâu”. Cũng trong “Lặng im dưới vực sâu”, các diễn viên chịu cái rét cắt da cắt thịt của vùng núi vào thời gian rét nhất trong năm, chỉ với manh áo mỏng manh… Những hy sinh đó đã góp phần mang lại cho khán giả những thước phim không chỉ đẹp, mà còn chân thực và giàu cảm xúc.


Bài học từ Hàn Quốc: Xuất khẩu văn hóa từ phim truyền hình

Việt Nam đã có nhiều phim truyền hình hay, tạo thành trend, tỷ lệ người xem cao và có ảnh hưởng lớn, nhưng giấc mơ về một bộ phim có thể nổi đình đám khắp châu lục như “Hạ cánh nơi anh” … vẫn còn đó. Những bài học của Hàn Quốc về xuất khẩu văn hóa thông qua các sản phẩm phim truyền hình vẫn còn nóng hổi, và liệu chúng ta có thể học hỏi từ đó?

Đạo diễn Lee Young-eun cho biết, vào thập niên 90, điện ảnh Hàn Quốc cũng ở trong tình trạng tư duy lạc hậu, xa rời với cuộc sống. Số lượng phim sản xuất ra rạp mỗi năm cũng rất ít, rạp chiếu cũ kỹ xập xệ và xuống cấp. Phim chiếu rạp cũng chiếm tới hơn 90% là phim nước ngoài, trong đó lớn là phim Mỹ.

Đến giữa thập niên 90, mọi chuyện đã thay đổi. Giáo sư Kim Taekyun, nhà sản xuất, (Học viện Hàn lâm điện ảnh Hàn Quốc) cho biết, một chiến dịch chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc đã được khởi động, với sự tham gia đồng lòng của tất cả các thành phần trong ngành công nghiệp điện ảnh. Trước hết là đầu tư vào con người. Một lứa diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, các khâu kỹ thuật, hậu kỳ… gồm khoảng 300 người được gửi sang Mỹ học. Đây đều phải là những người còn trẻ, đã được đào tạo căn bản và vốn tiếng Anh tốt. Họ được học từ A-Z các công đoạn để tạo ra một bộ phim, trong đó chú trọng nhất là khâu kỹ thuật – lĩnh vực khi đó điện ảnh Hàn Quốc yếu nhất.

Phim "Tuổi thanh xuân" hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Phim "Tuổi thanh xuân" hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Thêm vào đó, lúc bấy giờ là thời điểm kinh tế Hàn Quốc cũng bứt tốc, phát triển mạnh mẽ, nhiều gia đình Hàn Quốc có điều kiện gửi con đi du học tại Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… Làn sóng du học này cũng kéo theo nhiều nhân lực trong ngành điện ảnh đi du học. Những người này khi trở về đã góp phần vào các yếu tố chấn hưng nền điện ảnh Hàn Quốc.

Giáo sư Kim Taekyun còn cho biết, những thay đổi của nền điện ảnh Hàn Quốc còn đến từ những chính sách phù hợp, trong đó có chú trọng vào đào tạo nhân lực trong nước. Trong việc đào tạo nhân lực điện ảnh này, vai trò của Viện Hàn lâm Điện ảnh rất quan trọng. Viện là nơi đào tạo nhân lực chủ yếu cho điện ảnh Hàn Quốc, về quay phim, đạo diễn, biên kịch... Ðây là nơi đào tạo rất khắc nghiệt, và không phải cứ có tiền là vào học được. Mỗi năm số lượng người được đào tạo ra từ Viện Hàn lâm Điện ảnh không nhiều, nhưng phần lớn các học viên tốt nghiệp Viện Hàn lâm đều trở thành nhân lực chính của các hãng phim.

Một yếu tố quan trọng khác là vai trò của Ủy ban Ðiện ảnh Hàn Quốc trong việc xây dựng chính sách phù hợp cho phát triển điện ảnh, đào tạo nhân tài, dùng tiền làm phim thật hiệu quả. Việc đẩy mạnh đào tạo và ứng dụng công nghệ số trong điện ảnh cũng góp phần quan trọng trong công cuộc “lột xác” ngành nghệ thuật thứ bảy ở Hàn Quốc.

Từ thập niên 90 trở đi, điện ảnh Hàn Quốc đã có một vị thế khác hẳn.

Giáo sư Kim Taekyun, (Học viện Hàn lâm điện ảnh Hàn Quốc) cũng cho biết, sau làn sóng du học trở về vào giữa thập niên 90, và khi điện ảnh khởi sắc, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã có những chính sách rất thiết thực để quảng bá, khuếch trương sản phẩm văn hóa của mình. Trước hết, Ủy ban Ðiện ảnh Hàn Quốc đã sử dụng rất hiệu quả kinh phí để hỗ trợ để giới thiệu, quảng bá phim ra nước ngoài, đồng thời tiếp cận các liên hoan phim lớn trên thế giới, hỗ trợ tài chính cho các phim tốt tham gia các liên hoan phim trong và ngoài nước.

Nói về quảng bá, không thể không nhắc đến Chiến lược phát triển phim ảnh ra toàn cầu của điện ảnh Hàn Quốc. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Hàn Quốc xác định thị trường trong nước là thị trường hẹp đối với điện ảnh, cho nên phải phát triển ra ngoài, và châu Á là nơi họ hướng đến đầu tiên. Từ châu Á, điện ảnh Hàn Quốc củng cố, tăng cường chiến lược phát triển ra toàn cầu.

Một thời gian dài, Việt Nam là “điểm đến” của hàng loạt bộ phim truyền hình dài tập Hàn Quốc. Khán giả Việt ở thập niên 1990-2000 ai cũng gần như thuộc làu tên của những diễn viên ngôi sao đình đám của Hàn Quốc thời bấy giờ. Những bộ phim trẻ trung, đề tài gần gũi với đời sống, dàn diễn viên đẹp… đã chiếm trọn vẹn tình cảm của người xem Việt Nam lúc bấy giờ, có thể kể đến “Cảm xúc”, “Xúc cảm”, “Yumi, tình yêu của tôi”, “Mối tình đầu”, “Áo cưới”, “Cây cà chua”, “Hoa cúc vàng”, “Người mẫu”, “Anh em nhà bác sĩ”, “Ước mơ vươn tới một ngôi sao”, “Giày thủy tinh”, “Trái tim mùa thu”… Một số phim được trao tặng theo chương trình hợp tác giữa các đài truyền hình của Việt Nam và Hàn Quốc, và sau này một số phim được các đài truyền hình khai thác theo con đường riêng của mình.

Cũng bằng cách làm này, phim Hàn Quốc đã “mưa dầm thấm lâu” với khán giả ở rất nhiều quốc gia châu Á khác, mở đường cho những sản phẩm văn hóa Hàn Quốc khác và phong trào “thần tượng ngôi sao Hàn Quốc” lên ngôi. Làn sóng Hanllyu bắt nguồn từ đây với phim ảnh, ca nhạc, ẩm thực và truyện tranh Hàn Quốc, nổi đình đám và gây ảnh hưởng mạnh mẽ ở châu Á, đặc biệt trong giới trẻ.

Cho đến nay, Hanllyu vẫn là hiện tượng văn hóa độc đáo nổi bật nhất trên thế giới, chưa có quốc gia nào tạo được những ảnh hưởng văn hóa tương tự theo cách thức như Hàn Quốc.

Tiến sĩ Fraser Thompson, Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn AlphaBeta (Singapore) cho biết, những tác động đó lan tỏa sang cả những lĩnh vực khác, góp phần tăng cường tiêu thụ những sản phẩm trong lĩnh vực đó. Bộ phim “Bản tình ca mùa đông” là một thí dụ. Số lượng khách du lịch từ Nhật Bản đến Hàn Quốc tăng tới 35% trong một năm, sau thời điểm bộ phim được phát sóng rộng rãi ở châu Á.

"Cảm xúc", bộ phim đầu tiên đánh dấu cuộc "đổ bộ" của phim truyền hình dài tập Hàn Quốc vào Việt Nam.

"Cảm xúc", bộ phim đầu tiên đánh dấu cuộc "đổ bộ" của phim truyền hình dài tập Hàn Quốc vào Việt Nam.

"Ước mơ vươn tới một ngôi sao", bộ phim được đông đảo khán giả trẻ thập niên 90 yêu thích.

"Ước mơ vươn tới một ngôi sao", bộ phim được đông đảo khán giả trẻ thập niên 90 yêu thích.

"Bản tình ca mùa đông", phim thu hút rất đông khách du lịch đến Hàn Quốc.

"Bản tình ca mùa đông", phim thu hút rất đông khách du lịch đến Hàn Quốc.

"Anh em nhà bác sĩ" - phim từng được Việt Nam mua kịch bản và làm phiên bản phim Việt.

"Anh em nhà bác sĩ" - phim từng được Việt Nam mua kịch bản và làm phiên bản phim Việt.

"Trái tim mùa thu", bộ phim đong đầy nước mắt của khán giả.

"Trái tim mùa thu", bộ phim đong đầy nước mắt của khán giả.

Item 1 of 5

"Cảm xúc", bộ phim đầu tiên đánh dấu cuộc "đổ bộ" của phim truyền hình dài tập Hàn Quốc vào Việt Nam.

"Cảm xúc", bộ phim đầu tiên đánh dấu cuộc "đổ bộ" của phim truyền hình dài tập Hàn Quốc vào Việt Nam.

"Ước mơ vươn tới một ngôi sao", bộ phim được đông đảo khán giả trẻ thập niên 90 yêu thích.

"Ước mơ vươn tới một ngôi sao", bộ phim được đông đảo khán giả trẻ thập niên 90 yêu thích.

"Bản tình ca mùa đông", phim thu hút rất đông khách du lịch đến Hàn Quốc.

"Bản tình ca mùa đông", phim thu hút rất đông khách du lịch đến Hàn Quốc.

"Anh em nhà bác sĩ" - phim từng được Việt Nam mua kịch bản và làm phiên bản phim Việt.

"Anh em nhà bác sĩ" - phim từng được Việt Nam mua kịch bản và làm phiên bản phim Việt.

"Trái tim mùa thu", bộ phim đong đầy nước mắt của khán giả.

"Trái tim mùa thu", bộ phim đong đầy nước mắt của khán giả.

Việc tổ chức các LHP theo mô hình chuyên nghiệp như các LHP lớn của châu Âu cũng góp phần giúp cho điện ảnh Hàn Quốc phát triển, đồng thời quảng bá và thu hút khách du lịch.

Với những người từng có cơ hội làm việc chung với phía Hàn Quốc trong lĩnh vực phim ảnh, điều rút ra được là sự chuyên nghiệp đến từng chi tiết. Đạo diễn, NSND Trọng Trinh, người từng hợp tác với phía Hàn Quốc trong bộ phim “Tuổi thanh xuân” cho biết, để phù hợp với việc phát sóng ở Hàn Quốc, các thiết bị sử dụng cho phim đều phải đồng bộ với thiết bị bên đó. Thiết bị mới, các quay phim, kỹ thuật viên đều được đào tạo đồng bộ luôn cùng thiết bị. Chính việc đầu tư thiết bị, kỹ thuật song song với nhân lực này đã góp phần tạo ra những bộ phim hấp dẫn và đẹp về mặt hình ảnh.

Ngoài ra, sự chuyên nghiệp trong làm phim của Hàn Quốc cũng thể hiện rõ ở từng chi tiết, thí dụ quy định kịch bản sẽ có bao nhiêu phần trăm lãng mạn, bao nhiêu phần trăm tình cảm… “Họ giống như những đầu bếp giỏi, nêm nếm khéo các món ăn cho vừa miệng thực khách là những khán giả của mình” – NSND Trọng Trinh chia sẻ.

Không phải bỗng dưng mà Hàn Quốc được như vậy. Họ có cả một ngành công nghệ, cũng phải trải qua từng bước và đi qua nhiều năm. Họ tạo dựng được cả một ngành công nghiệp điện ảnh – truyền hình, biết cách thương mại hóa một cách mềm mại các tác phẩm điện ảnh, bên cạnh các tác phẩm truyền hình. Chúng tôi học được ở họ rất nhiều.
NSND Trọng Trinh

Cùng với Hàn Quốc, nhiều nước cũng mở rộng xuất khẩu văn hóa thông qua trao đổi phim, tham gia các hội chợ phim quốc tế, các liên hoan phim cũng như các hoạt động hợp tác, sản xuất phim chung.


Phim Việt Nam từ trong nước hướng ra quốc tế?

Phim truyền hình Việt Nam đặc biệt thu hút khán giả mạnh mẽ trong khoảng hai năm trở lại đây, một phần vì dịch bệnh, nhưng cũng không thể phủ nhận chất lượng phim đang ngày càng được nâng cao hơn. Đây cũng là thời điểm phim Việt nên tính đến việc mở rộng thị trường, không chỉ phát sóng trong nước nữa.

Hướng ra thị trường ngoài nước

Hai năm trở lại đây, sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất nhiều thứ, trong đó có cả thói quen xem phim của khán giả. Hệ thống rạp chiếu phải đóng cửa, khán giả xem phim ở nhà hoặc xem trên các phương tiện cá nhân. Số lượng khán giả đăng ký các nền tảng xem phim như Netflix, FPT Play… tăng lên đáng kể. Thống kê của Bộ Thông tin Truyền thông cho thấy, tính đến tháng 9/2021, Việt Nam có đến 39 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền. Còn theo công cụ nghiên cứu thị trường App Annie, năm 2020 đã có hơn 3,5 triệu thiết bị cài đặt Netflix (nền tảng cung cấp phim trực tuyến). Chỉ tính riêng trên các thiết bị Android hiện có trên 1,6 triệu thuê bao đăng ký Netflix tại Việt Nam, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2016. Cùng với Netflix là nhiều nền tảng trực tuyến khác cung cấp dịch vụ video theo yêu cầu, như Youtube (có tới 53% người truy cập vào nền tảng này để xem phim theo khảo sát của App Annie), cùng với một số nền tảng chiếu phim trong nước như VTVGo, FPT Play, Danet (nền tảng của BHD Star Cineplex)… Trong số này, VTVGo phổ biến hơn cả vì gắn với các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, trong đó có phim truyền hình.

Trong số các nền tảng xem phim trực tuyến tại Việt Nam, phổ biến nhất là Netflix. Trên nền tảng này, có thể tìm thấy phim truyền hình và điện ảnh từ nhiều nền điện ảnh khác nhau, phổ biến nhất là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…, cho đến những nền điện ảnh ít quen thuộc với khán giả Việt như Malaysia, Indonesia, Ba Lan, Na Uy, Đức… Phim Việt Nam đã bước đầu xuất hiện trên nền tảng này, nhưng chủ yếu vẫn là phim điện ảnh và webdrama như “Mười”, “Mùi cỏ cháy”, “Áo lụa Hà Đông”, “Bố Già”… Phim truyền hình dài tập Việt Nam vẫn vắng bóng ở nền tảng xem phim có số người dùng rất đông và rải đều nhiều khu vực này.

Năm 2013, Đài truyền hình Việt Nam VTV và Công ty Giải trí Truyền thông CJ (CJ E&M) thuộc tập đoàn CJ (Hàn Quốc) mới ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất phim truyền hình. Một năm sau đó, bộ phim “Tuổi thanh xuân” lên sóng VTV3 và ngay lập tức thu hút khán giả bởi sự tươi trẻ, lãng mạn. Đây cũng là bộ phim ghi dấu ấn lần đầu tiên sử dụng máy quay scarlet chất lượng hình ảnh 4K (máy quay được dùng trong phim điện ảnh) và hàng loạt các thiết bị quay chuyên nghiệp để bộ phim có chất lượng hình ảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, sau khi dựng phim, cả 36 tập phim đều được chuyển sang Hàn Quốc chỉnh màu theo công nghệ hậu kỳ phim chuyên nghiệp. Bộ phim 36 tập này được phát sóng đồng thời ở cả Việt Nam và Hàn Quốc.

"Người cộng sự", phim hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

"Người cộng sự", phim hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Cũng trong năm 2013, Đài Truyền hình Việt Nam có một dự án phim hợp tác khác với Nhật Bản, là bộ phim “Người cộng sự” dài hai tập. Đây là dự án phim truyền hình hợp tác đầu tiên giữa hai đài truyền hình VTV và TBS, dựng lại cuộc đời chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu trong thời gian hoạt động ở Nhật Bản, với sự giúp đỡ của bác sĩ Asaba Sakitaro. Đây cũng là dự án mở đầu cho hướng hợp tác sản xuất phim với các đài truyền hình lớn trong khu vực và thế giới, tiến tới đưa phim truyền hình Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Năm 2015, một dự án hợp tác khác là “Khúc hát mặt trời”, do Đài truyền hình VIệt Nam hợp tác với đài TBS Nhật Bản thực hiện. Phim được chuyển thể từ kịch bản gốc của Nhật Bản, với sự hỗ trợ của phía bạn về kịch bản và kỹ thuật.

Đó là những bước “chạm” đầu tiên của phim truyền hình Việt Nam ra nước ngoài.

Học hỏi kinh nghiệm từ sự chuyên nghiệp

Là người gắn bó lâu năm với phim truyền hình Việt, đạo diễn, NSND Khải Hưng cảm thấy tự hào về phim Việt: “Thời gian gần đây, phim truyền hình Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin với tâm thế sánh ngang bằng với Thái Lan, Philippines, Singapore...”.

Theo đạo diễn, NSND Khải Hưng, mô hình mà phim truyền hình Việt phấn đấu học hỏi là mô hình của phim Hàn Quốc và Trung Quốc: “Ở hai nước này, phim ảnh đã trở thành một nền công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Trong đó, dòng phim truyền hình đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá văn hóa của hai quốc gia này tới khán giả khu vực và quốc tế”.

Tuy nhiên, để học hỏi được các mô hình nảy, phim truyền hình Việt Nam cần có những gì? “Yếu tố biên kịch là điều đáng quan tâm trong sản xuất một bộ phim. Việt Nam cần có một đội ngũ các cây bút xuất sắc để có thể biên soạn những kịch bản chất lượng tốt, từ đó sẽ có được những bộ phim hấp dẫn và đuổi kịp khu vực” – NSND Khải Hưng nói.

Đạo diễn, NSND Trọng Trinh cũng chung ý kiến này khi cho rằng, kịch bản là khâu quan trọng nhất để chuẩn bị cho một bộ phim. Kịch bản phải làm kỹ, nội dung phải gần gũi với cuộc sống, lời thoại phải “đời” chứ không “kịch”…

Ngoài ra, diễn viên cũng là khâu quan trọng. NSND Khải Hưng cho rằng, sự xuất hiện của những gương mặt đẹp, diễn xuất tốt và có sức ảnh hưởng tới công chúng trong các bộ phim truyền hình là đương nhiên. Khả năng thể hiện đa dạng nhân vật của diễn viên cũng hết sức quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, số lượng diễn viên hội tụ đủ các yếu tố ngoại hình, kỹ năng chuyên môn và nắm giữ được trái tim của khán giả không có nhiều và nhà sản xuất phim nào cũng muốn sản phẩm của họ thành công, cho nên có việc lặp lại những gương mặt quen thuộc ở nhiều phim.

Chính vì thế, cần phải có kế hoạch đào tạo một lớp diễn viên trẻ tuổi kế cận và tiếp nối. Bản thân các thế hệ diễn viên trẻ cũng đang xuất hiện dần trong các bộ phim với những vai phụ, sau quá trình tập luyện và trau dồi, sẽ dần trở thành một gương mặt truyền hình trong các vai diễn chính của những bộ phim tiếp theo.

Đạo diễn, NSND Trọng Trinh chia sẻ: “Thông qua các dự án hợp tác, điều chúng học hỏi được nhiều nhất là cách làm việc chuyên nghiệp, và cách tiếp cận, thể hiện như thế nào. Chúng tôi học được cả từ thái độ làm việc nữa”.

Phim truyền hình đang bắt đầu một thời kỳ mới của mình. Khi được xây dựng trên nền tảng vững chắc, thì việc vươn cao mạnh mẽ không còn chỉ là kỳ vọng nữa, mà sẽ sớm thành hiện thực.

Mạnh Trường và Lương Thu Trang nhận giải Nam, Nữ diễn viên xuất sắc nhất Cánh diều vàng 2020. / Thanh Sơn và Trinh Tuyết Hương nhận giải Nam/Nữ diễn viên phụ xuất sắc Cánh diều vàng 2020.

Mạnh Trường và Lương Thu Trang nhận giải Nam, Nữ diễn viên xuất sắc nhất Cánh diều vàng 2020. / Thanh Sơn và Trinh Tuyết Hương nhận giải Nam/Nữ diễn viên phụ xuất sắc Cánh diều vàng 2020.

Ngày xuất bản: 1/1/2022
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - VIỆT ANH
Nội dung: TUYẾT LOAN - MAI ANH - MINH DUY
Trình bày: TUYẾT LOAN - MINH DUY
Ảnh: LỆ HUYỀN - VFC - Tư liệu