Vừa bước vào lớp học dạy làm lồng đèn cho thiếu nhi tại cửa hàng Sorella Corner trong con hẻm nhỏ đường Thành Thái (quận 10), bất kỳ trẻ em nào cũng thích thú thể hiện tài sáng tác ngay trên tác phẩm. “Từ những que kem bỏ đi, hay những nan tre mỏng manh, thêm một ít giấy mầu, bóng kiếng… chỉ cần sắp xếp chúng lại với nhau là có ngay chiếc lồng đèn xinh xắn” - cô chủ của Sorella Corner Nguyễn Thị Minh Hiếu vừa hướng dẫn, vừa nhanh thoăn thoắt đã làm xong chiếc lồng đèn khiến các học viên “nhí” thích mê mẩn. Đây là một trong những lớp học dạy làm lồng đèn truyền thống với học phí khá nhẹ, 230.000 đồng/người/3 mẫu lồng đèn, lớp học tại Sorella Corner tổ chức vào hai ngày cuối tuần và lúc nào cũng kín học viên. Hiếu bộc bạch, cô muốn trẻ em hiểu hơn và yêu quý món đồ chơi truyền thống đã có từ ngày xưa. Thế nên cô tìm tòi, học làm đủ kiểu lồng đèn rồi mở lớp, hướng dẫn lại cho các em. “Không chỉ có trẻ em mà cả phụ huynh cũng cùng học với con. Nhìn cả gia đình cùng tíu tít bên nhau làm lồng đèn, khi hoàn thành tác phẩm (dù chưa tính đến chuyện đẹp xấu thế nào), cả nhà cùng đập tay nhau vui vẻ. Tình cảm gia đình cứ thế vun đầy thêm” - cô gái trẻ cho biết.
Nhìn con gái tám tuổi toát mồ hôi xếp từng que kem cho thật thẳng, bôi keo đợi khô, rồi cẩn thận căng tờ bóng kiếng sao cho giấy không bị nhăn nhúm, không được thiếu; thêm chút mầu nước, con đã tha hồ vẽ hình con vật, hoa lá lên sản phẩm của mình. Sau hơn hai giờ, tay chân lấm lem mầu vẽ nhưng cô bé rất vui sướng khi khoe chiếc lồng đèn do chính mình thực hiện với các bạn. “Những năm trước, tôi hay mua lồng đèn có phát nhạc, đèn chớp nháy cho con; nhưng từ khi biết có những lớp dạy làm lồng đèn, tôi đưa con đến tham gia. Con vừa hiểu thêm nghề truyền thống, vừa tự tay làm ra sản phẩm cho mình và tặng các bạn sẽ thêm trân quý thành quả do mình làm ra”, chị Thanh Tâm (36 tuổi, ngụ quận Bình Tân) tâm sự.
Chiều chủ nhật cuối tuần vừa qua, tại cơ sở 2 Nhà Văn hóa Phụ nữ TP Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Đổng Chi, quận 7), buổi chuyên đề ứng dụng hướng dẫn làm bánh trung thu nhân trà xanh, hạt sen tạo hình heo con thu hút rất đông chị em tham gia. Bày đủ các nguyên liệu nào bột, nào nhân hạt sen, trà xanh, khuôn bánh... giáo viên Bộ môn Chế biến thực phẩm Bùi Thị Thanh Kỹ nhiệt tình hướng dẫn tỉ mỉ, tường tận quy trình thực hiện. Vừa xem cô giáo thực hiện, học viên chăm chú ghi chép từ thao tác nhồi bột sao cho đạt yêu cầu, đến việc định thời gian cho bột nghỉ và tạo hình cho những chiếc bánh đều tay, đẹp mắt. Cô Kỹ cho rằng, trong nhiều khâu làm bánh trung thu thì việc chế biến nhân cũng khá quan trọng, nhất là việc hấp nguyên liệu, càng kỳ công, cẩn thận thì bánh sẽ càng ngon. Theo đại diện Nhà Văn hóa Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, mỗi dịp đến mùa Trung thu, nhà văn hóa lại tổ chức các buổi chuyên đề ứng dụng liên quan như làm bánh trung thu, cắm hoa đêm trăng rằm, bày mâm cỗ đón trăng... Trong đó khóa hướng dẫn làm bánh trung thu được chị em rất quan tâm, bởi ai cũng muốn làm ra những chiếc bánh ngon lành, thơm tho để tặng bạn bè, người thân yêu dịp này.
Làm bánh trung thu nướng cổ truyền không khó, nhưng đòi hỏi người làm phải kiên trì từ khâu trộn bột làm nhân cho đến cách nướng bánh trung thu - cô Thu Yến (quận Bình Thạnh), một đầu bếp có nhiều năm kinh nghiệm trong việc dạy làm bánh truyền thống Việt Nam chia sẻ trong lớp học làm bánh tại nhà của mình. “Khó nhất là công đoạn sên nhân bánh. Phải cân đo đong đếm chính xác từng chút các loại nguyên liệu, sên đều tay và tăng, giảm lửa đúng lúc để nhân bánh khi hoàn thiện phải hòa quyện vào nhau, mịn, không khô nứt hay quá nhiều dầu. Tuy nhiên, trên lớp chủ yếu vẫn là lý thuyết; học viên muốn làm bánh thành công thì phải thực hành nhiều lần mới được...” - cô Yến nói và cho biết, mục đích cô mở lớp làm bánh là muốn chị em yêu nghề nữ công gia chánh, vừa thể hiện sự khéo léo của phụ nữ, vừa thoải mái tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng ở công ty. Chị Đỗ Liên Hương (ngụ quận 6) - chủ một trang bán bánh trực tuyến trên facebook khoe chiếc bánh trung thu được tạo mầu tự nhiên từ rau, củ, quả mang màu xanh của hoa đậu biếc, mầu tím của khoai môn, mầu đỏ của gạo lứt đỏ... vốn đã rất đẹp mắt, chị còn khéo léo trang trí thêm hoa sen, hoa hồng được nặn bằng tay khiến sản phẩm thêm ấn tượng. “Tôi rất thích làm bánh nên mỗi lần làm xong hay khoe trên facebook, bạn bè khen đẹp rồi hỏi bí quyết, có người còn nhờ hướng dẫn. Do khá nhiều người cũng thích làm bánh như mình nên tôi lập một nhóm nho nhỏ, khoảng từ 5 đến 10 người rồi truyền kinh nghiệm cho nhau. Không có học phí, tiền thu chỉ đủ để mua nguyên liệu thực hành. Đây là Trung thu thứ hai tôi mở lớp để chia sẻ kinh nghiệm” - chị Hương cho biết. Theo đó, chỉ cần chọn giờ, đăng ký, cơ sở sẽ lo tất cả các nguyên liệu cần thiết, học viên học xong là có bánh đem về. Khóa học này rất thích hợp với người bận rộn vì họ có thể chọn thời gian theo ý mình.